Hơn 550 công ty toàn cầu vẫn kinh doanh tại Nga
Sự hiện diện của họ ở Nga dường như làm suy yếu sự thống nhất chính trị của các nước phương Tây, những quốc gia trong nhiều tháng đã tìm cách cắt giảm doanh thu của Điện Kremlin.
Theo một báo cáo mới của Đại học Yale ngày 20/1, hơn 550 công ty quốc tế, trong đó có nhiều công ty đến từ châu Âu, vẫn đang kinh doanh ở Nga, bất chấp áp lực của công chúng để rút khỏi nước này sau cuộc xung đột với Ukraine.
Trong số này, 223 công ty được coi là đang hoạt động kinh doanh bình thường, bao gồm các công ty nổi tiếng từ Italy (Boggi, Benetton, Calzedonia), Pháp (Clarins, Etam, Lacoste), Đức (Siemens Healthineers, B. Braun) và Hà Lan (Philips).
Danh sách kinh doanh như bình thường cũng có sự góp mặt của một số công ty nổi tiếng của Mỹ, như Tom Ford, Tupperware và TGI Friday's, cũng như nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, như Alibaba, Tencent và ZTE, cùng các hãng vận tải hành khách hàng không, như Emirates Airlines, Egyptair, Qatar Airways và hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ.
Những số liệu trên được tổng hợp và cập nhật thường xuyên bởi các chuyên gia tại Đại học Yale, nhóm đã theo dõi các thông báo của công ty kể từ khi xung đột nổ ra vào tháng 2/2022.
Dữ liệu của Yale cho thấy: Hơn 160 công ty đã thông báo hoãn hoạt động trong tương lai nhưng hiện vẫn tiếp tục kinh doanh ở Nga; 170 công ty đã thu hẹp một số hoạt động quan trọng nhưng vẫn tiếp tục những hoạt động khác; hơn 490 công ty tạm thời cắt giảm hầu hết hoạt động ở Nga nhưng vẫn duy trì một số lựa chọn để kiếm lợi nhuận tài chính; 341 công ty đã tạm dừng hoàn toàn các cam kết ở Nga.
Trong số các hãng vẫn “câu giờ” ở Nga có nhiều công ty tên tuổi của cả EU và G7 như AstraZeneca, Unilever (Anh), Barilla, Giorgio Armani (Italy), Bayer,Merck (Đức), BlaBlaCar, Engie,Total Energies,Yves Rocher (Pháp), ING Bank (Hà Lan), Nestle (Thụy Sĩ), Red Bull (Áo).
Những công ty đang trong quá trình "thu nhỏ" là Adobe (Mỹ), Allianz (Đức), công ty mẹ của Google là Alphabet (Mỹ), Bosch (Đức), Coca-Cola (Mỹ), Duolingo (Mỹ) , Eni (Italy), Ferrero (Italy), JPMorgan (Mỹ), Microsoft (Mỹ), Ørsted (Đan Mạch), Pirelli (Italy), Spotify (Thụy Điển), Toyota (Nhật Bản) và Vattenfall (Thụy Điển).
Hiện không rõ các công ty này kiếm được bao nhiêu lợi nhuận thông qua các hoạt động tại Nga, do nền kinh tế nước này bị gián đoạn thương mại do các lệnh trừng phạt của phương Tây gây ra.
Tuy nhiên, sự hiện diện liên tục của họ ở Nga dường như làm suy yếu sự thống nhất chính trị của các nước phương Tây, những quốc gia trong nhiều tháng đã tìm cách cắt giảm doanh thu của Điện Kremlin.
"Các biện pháp trừng phạt của chúng tôi không bắt buộc các công ty phải rời khỏi Nga, nhiều doanh nghiệm đã quyết định tự rời đi. Những công ty ở lại không có nghĩa là họ vi phạm các lệnh trừng phạt của EU - miễn là họ không tham gia vào các lĩnh vực hoặc với các thực thể đang bị trừng phạt", một phát ngôn viên của Ủy ban châu Âu bình luận những phát hiện trên của Yale.
Theo nhóm chuyên gia của Yale, 493 công ty quốc tế vẫn trong tình trạng "đình chỉ", có nghĩa là họ đã tạm dừng hoặc đình chỉ phần lớn các hoạt động thương mại, bán hàng, vận chuyển, đặt chỗ, giao dịch tài chính và các dịch vụ khác liên quan đến Nga, nhưng không cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Moskva.
Trong số 341 công ty đã rút hoàn toàn khỏi Nga, có Accenture (Ireland), Aldi (Đức), Asda (Anh), Deloitte (Mỹ), Deutsche Bank (Đức), Equinor (Na Uy), Heineken (Hà Lan), IBM (Mỹ), Ikea (Thụy Điển), Lufthansa (Đức), McDonald's (Mỹ), Mercedes-Benz (Đức), Netflix (Mỹ), Nike (Mỹ), Nissan (Nhật Bản), Nokia (Phần Lan), Renault (Pháp) và Vodafone (Anh).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận