menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Phạm Hà

Hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể có khả năng vào diện đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

Việc bổ sung hộ kinh doanh cá thể vào diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đang được cơ quan soạn thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lấy ý kiến.

Tại Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng đang lấy ý kiến, dự kiến bổ sung thêm 3 nhóm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, gồm chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương và người lao động làm việc không trọn thời gian (làm việc bán thời gian).

Ba nhóm đề xuất tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc kể trên, theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, luật hiện hành còn “bỏ sót” dù có nhu cầu và khả năng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng chưa được luật hoá.

Với hộ kinh doanh cá thể, hiện cả nước có hơn 5,1 triệu hộ (gấp 6 lần số lượng doanh nghiệp); trong đó, có hơn 1,7 triệu lượt hộ kinh doanh kê khai và nộp thuế (theo dữ liệu thuế). Tuy nhiên, nhóm này hiện chỉ một số nhỏ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, chưa bắt buộc tham gia bảo hiểm xã hội.

Về hợp tác xã, số liệu từ Bộ Kế hoạch và đầu tư cho thấy, năm 2022, cả nước có khoảng 29.000 hợp tác xã đang hoạt động với gần 6 triệu thành viên. Các hợp tác xã đang sử dụng khoảng 970.000 người lao động. Tuy nhiên, tới nay chỉ có gần 7.000 hợp tác xã đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cho khoảng 40.000 người lao động.

“Kết quả khảo sát tại một số địa phương cho thấy, nhiều người quản lý doanh nghiệp, người quản lý và điều hành hợp tác xã không hưởng lương có nguyện vọng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc”, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá.

Cơ quan soạn thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đánh giá, nếu bổ sung thêm 3 nhóm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, với chủ hộ kinh doanh sẽ có thêm khoảng 5,1 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Mức thu với mỗi người từ 500 nghìn đồng/tháng đến 9 triệu đồng/tháng (bằng 25% tiền thu nhập tính đóng bảo hiểm xã hội, trong đó 22% vào quỹ hưu trí, tử tuất, và 3% vào quỹ ốm đau, thai sản).

Mức đóng bảo hiểm xã hội cụ thể theo lựa chọn của chủ hộ kinh doanh, trên cơ sở tiền lương (thu nhập) tính đóng bảo hiểm xã hội được luật định từ 2-36 triệu đồng/tháng.

Với người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng lương, khi quy định tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, hàng tháng sẽ phát sinh thêm chi phí đóng bảo hiểm xã hội tương tự như với chủ hộ kinh doanh cá thể.

Với người làm việc không trọn thời gian tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, người lao động và chủ sử dụng sẽ đóng dựa trên mức thu nhập hằng tháng (tối thiểu 2 triệu đồng/tháng trở lên).

Trong đó, người lao động đóng 8% tính trên tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất; người sử dụng lao đóng cho người lao động 14% vào quỹ hưu trí tử tuất và 3% vào quỹ ốm đau thai sản.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá, quy định mới kể trên nếu được thông qua sẽ làm phát sinh thêm chi phí cho người lao động, người sử dụng lao động.

Tuy nhiên, bù lại chủ hộ kinh doanh cá thể, người quản lý doanh nghiệp và hợp tác xã không hưởng lương, người làm việc theo giờ sẽ được bảo vệ khỏi những rủi ro, được hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất, mức hưởng theo mức đóng góp (như người lao động làm việc khu vực chính thức).

Liên quan đến vấn đề này, mới đây, góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cho rằng, việc bổ sung đối tượng chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng lương vào diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc góp phần thúc đẩy tăng diện bao phủ bảo hiểm xã hội.

Mặc dù vậy, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vẫn băn khoăn về tính khả thi của việc này.

Đại diện công đoàn lao động phân tích, theo phân loại thống kê, chủ hộ kinh doanh là cá thể, thuộc khu vực phi chính thức, không làm việc theo hợp đồng lao động, không được trả lương. Thực tế, có chủ hộ thuê mướn, sử dụng lao động nhưng cũng có chủ hộ kinh doanh không sử dụng lao động. Có chủ hộ kinh doanh trong độ tuổi lao động nhưng cũng có người ngoài độ tuổi lao động.

Do vậy, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, nếu quy định chủ hộ kinh doanh cá thể là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì cần xem xét, nghiên cứu kỹ, cần có giới hạn về tuổi và chỉ nên áp dụng đối với những chủ hộ kinh doanh có thuê mướn, sử dụng lao động.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại