24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Khánh Hưng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Hơn 300.000 tỷ đồng song hành với lợi nhuận các ngân hàng

Hơn 300.000 tỷ đồng cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm đang tạo nên ứng xử mới trong trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng, và liên quan là lợi nhuận

Thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu đón làn sóng cổ phiếu ngân hàng chuyển sàn từ UPCoM, HNX sang HoSE, cũng như thực hiện niêm yết mới.

Trước thềm làn sóng này, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) lần lượt công bố lợi nhuận quý III với một số hiện tượng vượt trội.

HAI MẶT CỦA HỖ TRỢ

Trò chuyện bên lề gần đây, phó tổng giám đốc một NHTM cho biết ông đang chuẩn bị tài liệu để lên giải trình Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng.

Nội dung giải trình: tình hình thực hiện cơ cấu lại nợ hỗ trợ khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Vừa qua, lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng Nhà nước cũng “vi hành” trực tiếp đến một số NHTM để làm việc về nội dung này.

Năm 2020, thực hiện cơ cấu lại nợ mà không chuyển nhóm là một nội dung trọng tâm trong hoạt động NHTM, trong chính sách hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Ở chính sách này, một mặt Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu các NHTM triển khai hỗ trợ khách hàng; một mặt khác, việc thanh tra, báo cáo, giải trình tiến hành song song.

Ở mặt thứ hai, có nhiều lý do xoay quanh.

Có những điểm giống nhau khi thực hiện chính sách như hồi kích cầu cấp bù 4% lãi suất, hay thực hiện Quyết định 780 cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm trước đây… Phải thanh tra, giải trình, báo cáo, rà soát xem đúng đối tượng hay không, sai phạm hay không.

Lý do tiếp theo, NHTM đó có thực hiện đúng không, vì sau đó là tỷ lệ nợ xấu báo cáo. Tỷ lệ nợ xấu báo cáo đúng hay chưa đúng lại kéo theo nhiều vấn đề khác có được chấp thuận hay không: xin phép mở chi nhánh mới, xin trả cổ tức, xin nới chỉ tiêu tín dụng, hay thường trực là có được cho vay hoặc đầu tư ở một số lĩnh vực có điều kiện hay không…

Với những lý do trên, mặt thứ hai của chính sách cơ cấu nợ không phải chuyển nhóm trở nên phức tạp, mà có lãnh đạo NHTM từng chia sẻ rằng “rất mệt mỏi”, phải tới lui suốt ngày với cơ quan thanh tra, trong khi hoạt động hàng ngày, kế hoạch cần triển khai thì không tới lui chờ đợi được, hoặc hồ sơ doanh nghiệp cần cơ cấu hỗ trợ không trì hoãn mãi được.

HƠN 300.000 TỶ ĐANG TẠM ỨNG TƯƠNG LAI?

Dù ảnh hưởng Covid-19 nặng nề và kéo dài, lượng lớn khách hàng - dư nợ phải hỗ trợ, nhưng lợi nhuận nhiều NHTM đang lần lượt công bố cho thấy khả quan chung, thậm chí một số thành viên đột biến sau 9 tháng và vượt kế hoạch cả năm.

Nhưng, lợi nhuận NHTM năm 2020 sẽ trở nên rất tương đối, vì có một phần tạm ứng tương lai.

Và như trên, cơ cấu lại nợ trong hoạt động ngân hàng từng nhiều lần thực hiện, không mới. Nhưng ứng xử với nó luôn mới.

Đó là, với lượng nợ cơ cấu lại và không chuyển nhóm, các NHTM chưa hoặc không thực hiện trích lập dự phòng ngay, hoặc thực hiện luôn theo nhóm lẽ ra phải chuyển. Theo đó, lợi nhuận báo cáo hiện nay có phần liên quan chi phí phải trích lập dự phòng ở đây như thế nào.

Trả lời BizLIVE ở kỳ báo cáo quý II vừa qua, một lãnh đạo cấp cao của Vietcombank cho biết họ lựa chọn hướng thực hiện trích lập luôn dư phòng cho nợ ở nhóm lẽ ra phải chuyển khi cơ cấu lại. Còn quy định thì có thể linh hoạt chưa phải thực hiện. Đây là ứng xử, mới, tùy theo mỗi thành viên.

Với đặc điểm trên, có thể thấy bước đầu ở mùa báo cáo lợi nhuận quý III và 9 tháng đầu năm nay, đã có những NHTM báo lợi nhuận tăng cao, thậm chí đột biến, nợ xấu cũng tăng lên nhưng tỷ lệ trích lập dự phòng bao nợ xấu lại giảm đi.

Đặc điểm nối dây với một biến số lớn, có quy mô trên 300.000 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến 7/9/2020, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho dư nợ 318.857 tỷ đồng. Biến số liên quan ở đây. Có bao nhiêu lợi nhuận và chi phí dự phòng lẽ ra phải thực hiện nếu không cơ cấu lại? Hơn 300.000 tỷ đồng đó khả năng hồi sinh và không trở thành nợ xấu như thế nào?

Đó là những câu hỏi gửi về tương lai, mà hiện tại lợi nhuận ngân hàng có một phần có thể đang tạm ứng. Giả sử, hơn 300.000 tỷ đồng đó đều sống sót qua bão Covid-19, trở lại trả nợ ngân hàng đúng hạn, lợi nhuận ngân hàng theo đó trở nên chắc chắn hơn. Ngược lại, tới đây họ phải lần lượt ghi nhận là nợ xấu thực thì sẽ phải trích lập thêm dự phòng mà lẽ ra hiện nay đã phải thực hiện.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả