Hơn 28.000 doanh nghiệp đang chờ thủ tục giải thể
Trong 7 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là 28.038 doanh nghiệp, tăng 28,6% so với cùng kỳ năm 2020. So với cùng kỳ năm, số lượng các doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể tăng ở 16/17 lĩnh vực.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã công bố cập nhật báo cáo triển vọng phát triển châu Á 2021, trong đó hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay xuống mức 5,8%, thấp hơn 0,9 điểm phần trăm so với lần dự báo hồi tháng 4.
HSBC và Standard Chartered đều hạ dự báo tăng trưởng năm nay của Việt Nam giảm nhẹ so với mức dự báo được đưa ra trước đó. Tuy nhiên, Standard Chartered cũng nhận định Việt Nam vẫn có những lợi thế nhất định nhờ vào việc kiểm soát tốt COVID-19 trong năm ngoái cũng như xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng gần đây. Khả năng kiểm soát dịch sẽ đóng vai trò quan trọng đối với triển vọng kinh tế của Việt Nam trong ngắn hạn.
Trong bối cảnh có nhiều khó khăn và thách thức, Chính phủ đang nỗ lực trong việc tạo cơ chế sản xuất, lưu thông, phân phối hàng hóa an toàn và thúc đẩy quá trình sản xuất, nhập khẩu và tổ chức tiêm vaccine trong nước.
Đợt bùng phát dịch thứ 4 đã kéo dài gần 2 tháng đã ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi kinh tế của Việt Nam, tạo ra nhiều thách thức đến đà tăng trưởng và gây áp lực lớn lên tình hình sản xuất kinh doanh, phát triển của các doanh nghiệp. Điều này thể hiện qua số liệu của Bộ KH&ĐT về các doanh nghiệp thành lập mới và đang chờ thủ tục giải thể trong 7 tháng đầu năm.
Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm, số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là 28.038 doanh nghiệp, tăng 28,6% so với cùng kỳ năm 2020.
So với cùng kỳ năm 2020, số lượng các doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể tăng ở 16/17 lĩnh vực. Các ngành kinh doanh có số lượng doanh nghiệp chờ giải thể lớn nhất là: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (10.170 doanh nghiệp, chiếm 36,3%); Xây dựng (3.387 doanh nghiệp, chiếm 12,1%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (3.328 doanh nghiệp, chiếm 11,9%).
Số doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại trong 7 tháng đầu năm là 11.384 doanh nghiệp, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm 2020.
17/17 ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại tăng. Các lĩnh vực có tỷ lệ doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại tăng cao so với cùng kỳ năm 2020 là: Khai khoáng; Sản xuất phân phối, điện, nước, gas và Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản với tỷ lệ tăng lần lượt là 122,0%; 118,7% và 42,7%.
Ngoài ra, 7 tháng đầu năm cũng ghi nhận số doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại có thời gian hoạt động từ 0-5 năm là 7.343 doanh nghiệp (chiếm 64,5%); 2.137 doanh nghiệp có thời gian hoạt động từ 5-10 năm (chiếm 18,8%) và 1.904 doanh nghiệp có thời gian hoạt động trên 10 năm (chiếm 16,7%).
Trong khi đó, số doanh nghiệp thành lập mới trong 7 tháng đầu năm 2021 là 75.823 doanh nghiệp, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Đây là mức tăng thấp khi so sánh với mức tăng trung bình giai đoạn 2016-2020 (8,1%). Tuy nhiên, tỷ lệ này tích cực hơn khi so sánh với tỷ lệ giảm ở cùng kỳ năm 2020 (7 tháng đầu năm 2020 giảm 5,1% so với cùng kỳ năm 2019).
Đáng chú ý, số vốn đăng ký thành lập trong 7 tháng đầu năm 2021 đạt 1.065.413 tỷ đồng, tăng đến 13,8% so với cùng kỳ 2020, trong khi 7 tháng đầu năm 2020 con số này giảm 6,3% so với cùng kỳ 2019.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận