Hơn 22.000 người chết vì COVID-19
Hơn 3 tỉ người trên thế giới sống dưới lệnh phong tỏa và các chính phủ đang chật vật chống lại đại dịch Covid-19 vốn đã làm hơn 22.000 người chết.
Tính đến tối qua 26.3, hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã ghi nhận có ca nhiễm vi rút Corona chủng mới (SAR-CoV-2) gây bệnh Covid-19, với hơn 495.000 trường hợp mắc, hơn 22.000 người tử vong.
Thực trạng đau lòng
Chỉ trong vòng 3 tuần kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Tây Ban Nha đã ghi nhận số ca tử vong lên tới hơn 4.000 tính tới hôm qua, khiến nước này trở thành một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19. Chính quyền thủ đô Madrid của Tây Ban Nha đã phải trưng dụng sân trượt băng để làm nhà xác dã chiến. Các bệnh viện ở Tây Ban Nha lâm vào tình trạng khủng hoảng do có quá nhiều bệnh nhân. Trước tình hình đó, chính phủ Tây Ban Nha hôm qua tuyên bố đã đạt thỏa thuận trị giá 432 triệu euro để mua vật tư y tế từ Trung Quốc, đồng thời kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc đến ngày 12.4.
Trong khi đó, Ý đã có hơn 7.500 người tử vong và hơn 74.000 ca nhiễm Covid-19. Tuy vậy, tốc độ lây nhiễm SARS-CoV-2 ở Ý được ghi nhận có phần chậm lại trong 4 ngày gần đây nhờ chính phủ siết chặt lệnh phong tỏa toàn quốc. Tại Philippines, tình trạng đáng báo động khi 9 bác sĩ đã tử vong vì Covid-19, giữa lúc nhiều bệnh viện quá tải và nhân viên y tế tuyến đầu không có đủ thiết bị bảo hộ.
Tại Mỹ, thượng viện nước này đã thông qua gói ngân sách giải cứu kinh tế lên tới 2.000 tỉ USD, lớn nhất từ trước đến nay. Khoản tiền này sẽ được chi để ứng phó đại dịch, hỗ trợ người dân, bệnh viện cũng như các doanh nghiệp Mỹ chịu thiệt hại vì Covid-19. Hạ viện sẽ bỏ phiếu thông qua gói ngân sách này vào ngày 27.3 và cuối cùng là Tổng thống Donald Trump ký thành luật để giải ngân. Động thái này được đưa ra khi tình hình dịch bệnh tại Mỹ trở nên đáng báo động. Đã có hơn 1.000 người chết, gần 70.000 ca nhiễm Covid-19 tại nước này. Các chuyên gia y tế hàng đầu cảnh báo Mỹ có thể “trở thành nước Ý”, nơi bệnh viện quá tải vì bệnh nhân Covid-19 và y bác sĩ buộc phải chọn lựa người để điều trị, theo CNN.
Gần nửa dân số thế giới phải ở nhà
Giống như nhiều quốc gia châu Á khác, Ấn Độ ra lệnh buộc 1,3 tỉ người dân phải ở nhà trong vòng 3 tuần để phòng Covid-19 lan rộng, theo Reuters. Điều này nâng tổng số người bị hạn chế ra ngoài trên khắp thế giới lên tới hơn 3 tỉ. Tình trạng khẩn cấp cũng bắt đầu có hiệu lực vào ngày 26.3 ở Thái Lan nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Chính phủ Thái Lan cùng nhiều quốc gia ở Đông Nam Á đã ban hành lệnh cấm nhập cảnh người nước ngoài, đóng cửa các cơ sở, dịch vụ không cần thiết và tụ tập đông người.
Tại Nhật Bản, chính phủ đã hoãn tổ chức Thế vận hội trong năm nay và chính quyền thủ đô Tokyo kêu gọi người dân ở nhà vào cuối tuần này, cảnh báo về “đợt bùng nổ” Covid-19 sắp tới. Ở Nga, Tổng thống Vladimir Putin thông báo người dân sẽ được nghỉ làm có lương vào tuần tới để giảm tốc độ lây lan của vi rút. Chính phủ Nga đồng thời tuyên bố lệnh ngừng các chuyến bay quốc tế, đóng cửa tất cả cửa hàng ở thủ đô Moscow từ cuối tuần này, trừ một số ngoại lệ.
Trong khi đó, Trung Quốc bắt đầu nới lỏng lệnh hạn chế đi lại đối với người dân ở tỉnh Hồ Bắc, nơi dịch bệnh bùng phát cuối tháng 12.2019, sau khi nước này không có ca nhiễm nội địa mới. Đám đông đổ xô rời khỏi Hồ Bắc làm tắc nghẽn hệ thống xe lửa và xe buýt.
Các chuyên gia dự báo đại dịch và lệnh phong tỏa có thể tàn phá nền kinh tế thế giới, gây suy thoái kinh tế toàn cầu nghiêm trọng nhất lịch sử, hơn cả đại suy thoái năm 1929 - 1930.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận