Hơn 20.000 tỷ đồng trái phiếu được mua lại trước hạn sau vụ Tân Hoàng Minh
Khối lượng mua lại trái phiếu trong tháng 5 là hơn 12.930 tỷ đồng, cao hơn con số ghi nhận trong tháng 4.
Theo thống kê của Người Đồng Hành, sau khi Tân Hoàng Minh bị hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu với tổng trị giá 10.030 tỷ đồng, tính đến ngày 26/5, tổng khối lượng trái phiếu được mua lại trước hạn đạt 20.180 tỷ đồng. Trong đó khối lượng mua lại trong tháng 5 là hơn 12.930 tỷ đồng, cao hơn con số ghi nhận trong tháng 4 là 11.900 tỷ đồng.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, lượng trái phiếu được mua lại trong tháng 4 tương đương khối lượng mua lại trong cả quý I. Trong 4 tháng đầu năm, tổng khối lượng trái phiếu đã mua lại trước hạn là 24.700 tỷ đồng, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Số lượng trái phiếu được các doanh nghiệp mua lại trước hạn tăng trong bối cảnh đầu tháng 4, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành Quyết định số 181 hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu với tổng trị giá 10.030 tỷ đồng của 3 công ty con thuộc tập đoàn Tân Hoàng Minh do có hành vi công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Ngoài ra, Tập đoàn Apec và Tập đoàn VSET buộc phải thu hồi trái phiếu đã chào bán; hoàn trả cho nhà đầu tư tiền đã mua hoặc đưa tiền đặt cọc. Trong đó, Apec phải hoàn trả 500 tỷ đồng còn VSET là 208 tỷ đồng.
11 doanh nghiệp với khoản mua lại trái phiếu trên 500 tỷ đồng. Đơn vị: Tỷ đồng.
Cụ thể, Intimex Việt Nam mua lại toàn bộ 2.000 trái phiếu đã phát hành trị giá 2.000 tỷ đồng, có kỳ đáo hạn vào tháng 9/2027. Đây là lượng trái phiếu đơn vị phát hành riêng lẻ trong năm 2017 để đầu tư dự án khách sạn 6 sao Four Seasons Hà Nội tại khu "đất vàng" 22 – 32 Lê Thái Tổ. 11 doanh nghiệp mua lại hơn 500 tỷ đồng trái phiếu. Trong đó, hai thành viên thuộc Tập đoàn BRG là Intimex Việt Nam và Vui chơi giải trí tổng hợp Tam Giang mua lại khối lượng lớn nhất.
CTCP Vui chơi giải trí tổng hợp Tam Giang mua trước hạn tổng cộng 1.550 tỷ đồng trái phiếu, là hai lô có kỳ hạn 10 năm tới tháng 4/2031. Số trái phiếu này được doanh nghiệp huy động tháng 4 năm ngoái để đầu tư cho dự án khách sạn, dịch vụ du lịch, biệt thự nghỉ dưỡng và khu vui chơi giải trí tổng hợp rộng 110 ha tại xã Vinh Thanh, Vinh Xuân, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Bên cạnh đó, 5 ngân hàng, bao gồm SHB (HoSE:SHB), TPBank (HoSE:TPB), Maritime Bank (HoSE:MSB), HDBank (HoSE:HDB) và BIDV (HoSE:BID) mua lại 4.631 tỷ đồng. Trong đó, TPBank mua lại trước hạn hai gói trái phiếu có tổng giá trị 1.800 tỷ đồng, gồm 1.000 tỷ đồng đáo hạn vào tháng 5/2024 và 800 tỷ đồng đáo hạn tháng 4/2023. Maritime Bank và SHB cũng mua lại các gói trái phiếu đều có giá trị 1.000 tỷ đồng, đáo hạn lần lượt vào tháng 4/2023 và tháng 5/2023.
SSI Research đánh giá các động thái cứng rắn từ Chính phủ trong việc lập lại trật tự và tăng cường tính minh bạch, công khai có tác động tương đối rõ ràng khi các đợt phát hành trái phiếu chủ yếu diễn ra trong tháng 1 (chiếm 51,8% tổng lượng phát hành). Hai tháng trở lại đây, hầu hết các đơn vị phát hành trái phiếu là những doanh nghiệp niêm yết lớn hoặc là các tổ chức tín dụng và định chế tài chính, vốn đã chịu sự quản lý chặt chẽ từ UBCKNN và Ngân hàng Nhà nước.
Dự báo về thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian tới, SSI Research nhận định sẽ kém sôi động hơn, ít nhất trong quý II trước khi có các chính sách rõ ràng hơn từ Chính phủ. Đơn vị nhìn nhận các động thái gần đây của Chính phủ là cách để có thể thanh lọc thị trường tốt hơn, hạn chế sự tham gia của các doanh nghiệp yếu kém, chống gian lận và tạo môi trường tích cực cho các các doanh nghiệp tốt tham gia thị trường.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận