Hơn 17,4 triệu người nhiễm COVID-19 trên toàn cầu, Ấn Độ và Brazil đạt số ca mắc mới trong ngày kỷ lục
Tính đến sáng 31/7, thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 17,4 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 674.000 người đã tử vong.
Đáng chú, ý, ở 3 tâm dịch lớn nhất thế giới là Mỹ, Brazil và Ấn Độ, số ca mắc COVID-19 mới trong 24 giờ qua đều vượt ngưỡng 54.000 trường hợp.
Đến sáng 31/7, thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 17,4 triệu ca mắc COVID-19. (Ảnh: AP)
Cụ thể, tại Mỹ, quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch này, gần 56.000 ca mắc COVID-19 mới đã được ghi nhận, nâng tổng số người nhiễm virus SARS-CoV-2 ở quốc gia này lên hơn 4,6 triệu ca. Số người tử vong vì đại dịch ở Mỹ là gần 155.000 người. Các trường công lập ở thủ đô Washington D.C của Mỹ sẽ mở cửa vào mùa thu này với việc học trực tuyến trên máy tính toàn thời gian. Các quan chức chính quyền thành phố này đã phải từ bỏ kế hoạch ban đầu về việc kết hợp giữa học tập từ xa và trực tiếp.
Một số chính trị gia Mỹ đeo khẩu trang phòng COVID-19 tại đồi Capitol ở Washington. (Ảnh: AP)
Ngày 30/7, Brazil cũng ghi nhận số người bị lây nhiễm virus SARS-CoV-2 mới lên tới trên 54.500 ca. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 và số người tử vong vì đại dịch này tại Brazil lần lượt là 2,6 triệu trường hợp và hơn 91.000 bệnh nhân. Brazil đã mở lại hoạt động đi lại hàng không quốc tế đối với khách du lịch nước ngoài sau 4 tháng đóng cửa do dịch COVID-19. Động thái trên của Brazil diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh tại quốc gia Nam Mỹ này vẫn rất nghiêm trọng với số ca nhiễm mới và tử vong trong 24 giờ qua ở mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát.
Ấn Độ thông báo đã có thêm gần 55.000 ca mắc mới trong 24 giờ qua, con số cao nhất ghi nhận trong một ngày tại nước này. Tổng số ca mắc bệnh tại Ấn Độ đã vượt ngưỡng 1,6 triệu người, trong khi số bệnh nhân không qua khỏi do COVID-19 là hơn 35.700 người.
Dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trong ngày 30/7. Đây là ngày ghi nhận nhiều ca tử vong và mắc mới nhất tại Australia kể từ khi dịch COVID-19 tái bùng phát. Tính đến nay, Australia ghi nhận trên 16.000 ca mắc COVID-19 và 189 trường hợp tử vong.
Người dân Australia đeo khẩu trang trên đường phố. (Ảnh: AP)
Quan ngại về nguy cơ số ca lây nhiễm mới tại Nhật Bản tăng mạnh đang dấy lên sau khi nước này dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp do COVID -19 hồi cuối tháng 5 vừa qua. Chính phủ Nhật Bản thông báo, từ ngày 5/8 sẽ cấp phép tái nhập cảnh đối với một số người nước ngoài đã có tư cách lưu trú ở nước này với điều kiện họ tuân thủ các quy định. Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga đã bác bỏ khả năng nước này sẽ tái ban bố tình trạng khẩn cấp vì dịch COVID-19. Tính đến sáng 31/7, tổng số ca mắc COVID-19 ở Nhật Bản là hơn 31.900 ca và số trường hợp tử vong vì COVID-19 là trên 1.000 người.
Giới chức thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã tiến hành xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho hơn 13.200 người tại quận Xương Bình, ngoại thành thủ đô Bắc Kinh, sau khi phát hiện 2 ca lây nhiễm trong cộng đồng tại đây. Tính đến sáng 31/7, đã có hơn 84.000 người bị lây nhiễm dịch bệnh tại quốc gia này, trong đó trên 4.600 trường hợp đã tử vong.
Tại Hong Kong (Trung Quốc), đã 9 ngày liên tiếp đặc khu hành chính này ghi nhận số ca mới ở mức cao trên 100 ca mỗi ngày. Chính quyền Hong Kong cảnh báo, vùng lãnh thổ này đang đối mặt với quãng thời gian mang tính quyết định trong việc kiềm chế sự lây lan của làn sóng dịch thứ 3 tại đây.
Người dân ở Hong Kong duy trì khoảng cách. (Ảnh: AP)
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến khó kiểm soát, nhiều nước đã tăng cường các biện pháp phòng dịch hoặc gia hạn tình trạng khẩn cấp để hạn chế virus lây lan, trong khi nhiều nước khác bước vào giai đoạn nới lỏng. Romania đã công bố gói biện pháp mới nhằm ngặn chặn virus lây lan như giảm giờ hoạt động của các quán bar, nhà hàng và bắt buộc đeo khẩu trang tại những khu vực ngoài trời tập trung đông người, sau khi số ca mắc COVID-19 tăng đột biến tại quốc gia này.
Tại Đức, chưa đầy 2 tuần nữa học sinh các trường ở thủ đô Berlin sẽ trở lại trường học. Tuy nhiên, trong bối cảnh số ca lây nhiễm đang có chiều hướng tăng mạnh trong vài tuần qua, giới chức giáo dục ở Berlin đã quyết định yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc trong các trường học. Chỉ số lây nhiễm ở Đức hiện là 1,13.
Cùng ngày, người phát ngôn Chính phủ Ba Lan Piotr Muller cho biết, nước này sẽ áp đặt trở lại các biện pháp cách ly đối với những người trở về từ một số nước trong Liên minh châu Âu (EU) và một số nước ngoài EU sau khi số ca nhiễm gia tăng ở nước này. Ba Lan đang ghi nhận số ca nhiễm gia tăng trở lại trong thời gian gần đây.
Nepal đã mở trở lại khu du lịch đỉnh Everest và nhiều đỉnh núi khác trong dãy Himalaya sau 4,5 tháng ngừng hoạt động vì dịch COVID-19 lây lan.
Tại khu vực Đông Nam Á, Philippines đã xác nhận hơn 3.900 ca nhiễm mới COVID-19. Đây là số ca nhiễm ghi nhận theo ngày lớn nhất tại nước này kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Số ca mắc COVID-19 cao nhất trước đó chỉ là 2.539 trường hợp, được xác nhận vào ngày 8/7.
Philippines đã ghi nhận số ca mắc mới trong ngày cao kỷ lục. (Ảnh: AP)
Malaysia cũng ghi nhận thêm 8 ca nhiễm mới COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên hơn 8.900 trường hợp. Bộ Y tế Malaysia cho biết, trong số 8 ca nhiễm mới, có 3 ca nhiễm nhập cảnh và 5 trường hợp lây nhiễm trong cộng động. Tổng số bệnh nhân tử vong tại nước này là 124 trường hợp.
Bộ Y tế công cộng Thái Lan cảnh báo, việc cho phép lao động nhập cư vào nước này để khắc phục tình trạng thiếu lao động sau khi nới lỏng phong tỏa có thể dẫn tới một đợt dịch COVID-19 thứ 2. Ngày 30/7, Thái Lan ghi nhận thêm 6 ca mắc COVID-19, tất cả đều trở về từ nước ngoài và đã được cách ly.
Trong khi đó, Myanmar quyết định gia hạn cấm bay đối với các chuyến bay vận tải hành khách quốc tế đến ngày 31/8. Nước này cũng gia hạn áp dụng các biện pháp phòng dịch đến ngày 15/8.
Đến 6h ngày 31/7, Việt Nam đã ghi nhận thêm 45 ca mắc mới COVID-19. Như vậy, đến thời điểm này, Việt Nam đã có 509 người nhiễm vius SARS-CoV-2. Tổng cộng 369 bệnh nhân đã được chữa khỏi.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận