Hơn 103 triệu liều vaccine sẽ về Việt Nam từ nay đến cuối năm 2021
Dự kiến từ nay đến cuối năm 2021 sẽ có thêm khoảng 103,4 triệu liều vaccine về Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết.
Với phương châm "loại vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất", đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh tại nhiều tỉnh thành vẫn hết sức phức tạp với số ca nhiễm Covid-19 mới trong ngày khoảng 12.000 – 14.000 ca trên cả nước và chưa có dấu hiệu sụt giảm, "mặt trận vaccine" đang ngày càng ‘nóng’ và gấp gáp hơn bao giờ hết.
Đây được coi là hướng tấn công có ý nghĩa then chốt trong cuộc chiến chống dịch và là công cụ quyết định để tiến tới kịch bản ‘thích ứng an toàn với dịch bệnh’.
Việt Nam hiện đã nhận được hơn 34 triệu liều vaccine và thực hiện tiêm được hơn 27 triệu liều. Tuy nhiên, con số này vẫn còn quá nhỏ so với mục tiêu 170 triệu liều trong năm 2021 để đạt miễn dịch cộng đồng (70% người dân được tiêm).
Một số địa phương có tỷ lệ người trên 18 tuổi tiêm ít nhất một mũi cao như TP.HCM đã tiêm 7,22 triệu liều (đạt 95 - 96%); Bình Dương 1,51 triệu liều (78%); Đồng Nai 1,33 triệu liều (56%); Long An 1,46 triệu liều (100%); Hà Nội 4,04 triệu liều (61%).
Hà Nội và TP.HCM hiện đều đang đặt mục tiêu đến ngày 15/9 toàn bộ người dân trên 18 tuổi trên địa bàn hoàn tất tiêm vaccine mũi 1.
Ngày 10/9, tốc độ tiêm vaccine trên cả nước đạt khoảng 1,1 triệu mũi, cao nhất từ trước tới nay. “Dự kiến từ nay đến cuối năm 2021 sẽ có thêm khoảng 103,4 triệu liều vaccine về Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết tại cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 ngày 11/9. Trong đó, 20 triệu liều sẽ về trong tháng 9.
Bộ Y tế đã và đang đàm phán và trao đổi với các đơn vị để cung ứng vaccine cho năm 2022 theo nguyên tắc đảm bảo tiêm đủ cho toàn bộ dân số từ 5 tuổi trở lên và thực hiện việc tiêm nhắc lại theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Tổ ngoại giao vaccine dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng đang triển khai theo 3 hướng gồm ưu tiên đẩy nhanh cam kết thực hiện theo hợp đồng vaccine mà Chính phủ đã ký kết với các hãng lớn như Astra Zeneca, Pfizer; tranh thủ các mối quan hệ với các đối tác song phương, đa phương hữu nghị để tiếp cận các nguồn vaccine từ các nước đối tác thông qua nhiều hình thức khác nhau như viện trợ qua thương mại và vay. Đồng thời, thúc đẩy việc ký kết các hợp đồng mua vaccine mới với các hãng dược.
Tuy nhiên, “vấn đề tiếp cận vaccine không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu vẫn rất khó khăn”, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn khẳng định tại buổi họp báo Chính phủ ngày 6/9.
Nguồn cung vaccine trên toàn cầu hiện nay cũng chưa đáp ứng nhu cầu. Trong 6 tháng đầu năm 2021, nếu như thế giới cần khoảng 11 tỷ liều vaccine để đạt trạng thái (gần như) miễn dịch cộng đồng thì mới chỉ sản xuất được khoảng 4,5 tỷ liều. Do đó tình trạng khan hiếm vaccine xảy ra với tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam, theo ông Thuấn.
Hiện đã có 7 loại vaccine Covid-19 được Bộ Y tế cấp phép sử dụng tại Việt Nam gồm AstraZeneca, Sputnik V, Vero Cell của Sinopharm, Pfizer/BioNTech, Moderna, Janssen do Janssen Pharmaceutica NV (Bỉ), Janssen Biologics B.V (Hà Lan) sản xuất và mới đây nhất là Hayat-Vax (Trung Quốc) được cấp phép ngày 10/9. Trừ vaccine Janssen, 5 loại vaccine còn lại đã về Việt Nam.
Tiến độ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ vaccine
Bên cạnh mua và nhập khẩu vaccine, việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine trong nước đang có vai trò rất quan trọng trên ‘mặt trận vaccine’.
Mục tiêu cố gắng cuối năm 2021, đầu năm 2022, Việt Nam có vaccine nghiên cứu, sản xuất trong nước và chuyển giao công nghệ.
Theo Bộ Y tế, các loại vaccine đang được nghiên cứu, phát triển trong nước gồm: vaccine Nanocovax của Công ty Nanogen; vaccine Covivac của Viện Vaccine và sinh phẩm Y tế (IVAC) thuộc Bộ Y tế.
Việc chuyển giao công nghệ vaccine từ nước ngoài để sản xuất trong nước gồm: vaccine ARCT-154 của Hoa Kỳ do Vingroup thực hiện; vaccine của Công ty Shionogi (Nhật) do Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và Vabiotech triển khai; vaccine Sputnik V (Nga) do Vabiotech và Công ty DS-Bio triển khai.
Bên cạnh đó, gần đây, Việt Nam cũng hợp tác với Nhật Bản, Cu Ba để chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine.
Trong đó, vaccine có triển vọng nhất hiện nay vẫn là Nanocovax với một liệu trình hai liều tiêm. Vaccine này đã được nghiệm thu kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1. Nhóm nghiên cứu đã hoàn thành tiêm 2 liều vaccine giai đoạn 2 và 3.
Ngày 22/8 vừa qua, Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia đã họp khẩn cấp đánh giá kết quả giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3a (thử nghiệm trên 1.000 người). Theo đó, cơ quan này đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp tục bổ sung một số dữ liệu vào hồ sơ vaccine Covid-19 Nanocovax để làm rõ các nội dung về tính an toàn, tính sinh miễn dịch và hiệu quả bảo vệ.
Sau khi doanh nghiệp khẩn trương bổ sung, cập nhật các nội dung nêu trên, báo cáo Hội đồng Đạo đức và Hội đồng Tư vấn tiếp tục xem xét, thẩm định cuốn chiếu các kết quả nghiên cứu để có thể cấp giấy đăng ký lưu hành có điều kiện trong trường hợp cấp bách.
Trong khi đó, vaccine Covivac do Viện Vaccine và sinh phẩm y tế (IVAC) nghiên cứu, phát triển, đã hoàn thành đánh giá kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1. Nhóm nghiên cứu đã hoàn thành tiêm liều 1 của giai đoạn 2 cho 375 tình nguyện viên.
Từ 15 - 20/9, sẽ thực hiện tiêm liều 2 của giai đoạn 2. Đây là giai đoạn “dò liều” để có mức liều tối ưu giữa mức 3 mcg và 6 mcg, nhằm triển khai giai đoạn 3. Dự kiến, tháng 12/2021, vaccine này sẽ triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.
Tại cuộc họp ngày 10/9 với lãnh đạo Bộ Y tế, TS. Dương Hữu Thái, Viện trưởng Viện IVAC cho biết, đơn vị đang chuẩn bị xây dựng đề cương thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Cuối tháng 9 này, nhóm nghiên cứu sẽ xin ý kiến chuyên gia góp ý đề cương. Dự kiến, giai đoạn 3 sẽ triển khai trên 4.000 đối tượng ở 3 tỉnh Khánh Hòa, Bắc Ninh và Thái Bình. Trong đó, có nhóm đối chứng sử dụng một loại vaccine đã được cấp phép.
Vaccine thứ ba là ARCT-154, của Tập đoàn Vingroup thông qua thành viên là Công ty Cổ phần công nghệ Sinh học VinBioCare, mua của Công ty Arcturus Therapeutics, Inc, Mỹ. ARCT-154 được phát triển trên công nghệ mRNA (vaccine Pfizer và Moderna sử dụng công nghệ này).
Đến nay, vaccine ARCT-154 đã hoàn thành tiêm mũi 1 thử nghiệm giai đoạn 1. Từ ngày 12-13/9, 100 tình nguyện viên sẽ tiêm liều 2 của giai đoạn 1.
Trong tháng 9, nhóm nghiên cứu triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 trên 300 tình nguyện viên và gối đầu thực hiện giai đoạn 3a trên 600 tình nguyện viên để đánh giá tính an toàn và tính sinh miễn dịch. Trong giai đoạn 3b, Học viện Quân y và Viện Pasteur TPHCM sẽ thực hiện tiêm trên 20.000 tình nguyện viên để đánh giá tính an toàn, hiệu quả bảo vệ của vaccine.
Dự kiến tháng 12/2021, nhóm nghiên cứu sẽ có kết quả đánh giá giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 để xin cấp phép khẩn cấp cho vaccine ARCT-154.
Mặt khác, Bộ Y tế cũng đã ký thỏa thuận bảo mật thông tin với đối tác Cuba để tiếp cận hồ sơ chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Abdala và giao cho Công ty TNHH MTV vaccine Pasteur Đà Lạt thảo luận về các điều khoản trong dự thảo Hợp đồng chuyển giao công nghệ và lập kế hoạch làm việc với đoàn chuyên gia của Cuba sang khảo sát tại Việt Nam.
Về tiến độ chuyển giao công nghệ vaccine Sputnik V, Giám đốc Công ty TNHH MTV Vaccine và sinh phẩm số 1 (Vabiotech) cho biết, phía Nga đã trả lời, vaccine Sputnik V do Vabiotech đóng ống đạt tiêu chuẩn chất lượng theo yêu cầu. Đơn vị cũng đang làm việc với các đơn vị liên quan để xin cấp phép xuất xưởng các lô này.
"Ngay trong tháng 9, công ty sẽ làm thủ tục nhập ngay bán thành phẩm vaccine Sputnik V về Việt Nam để nhanh chóng đóng ống, đóng gói vaccine này tại Việt Nam, nhằm chủ động nguồn cung vaccine Sputnik V tại Việt Nam. Bên cạnh đó, đơn vị cũng sẽ thúc đẩy việc nộp hồ sơ vaccine Sputnik Light nhằm nhanh chóng đăng ký sớm cho vaccine này, sau đó Vabiotech sẽ trao đổi với nhà cung cấp ở Nga, để đóng gói, đóng ống vaccine này tại nước ta", TS. Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Vabiotech cho biết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận