Hôm nay, Quốc hội thảo luận về 2 dự án vành đai vùng Thủ đô Hà Nội và TP HCM
Buổi sáng, các đại biểu thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; dự án đường Vành đai 3 TP HCM.
Theo chương trình làm việc của Quốc hội, trong buổi sáng, các đại biểu thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; dự án đường Vành đai 3 TP HCM. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.
Sau đó, các đại biểu thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa – Vũng Tàu (giai đoạn 1). Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Ngày 6/6, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 TP HCM.
Về phạm vi đầu tư, dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có tổng chiều dài khoảng 112,8km (gồm 103,1 km đường Vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long) qua địa phận thành phố Hà Nội (dài 58,2km); Hưng Yên (dài 19,3km); Bắc Ninh (dài 25,6km và tuyến nối 9,7km).
Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ đầu tư (giai đoạn 1) khoảng 85.813 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn BOT của nhà đầu tư để thực hiện đầu tư Dự án. Bao gồm: ngân sách nhà nước 28.173 tỷ đồng; ngân sách địa phương 28.193 tỷ đồng; vốn BOT 29.447 tỷ đồng.
Dự án đường Vành đai 3 - TP HCM có tổng chiều dài tuyến là 76,34km (bao gồm TP HCM 47,51km; Đồng Nai 11,26km; Bình Dương 10,76km; Long An 6,81km).
Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ đầu tư (giai đoạn 1) khoảng 75.378 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện đầu tư dự án. Bao gồm: ngân sách trung ương 38.741 tỷ đồng; ngân sách địa phương 36.637 tỷ đồng. Dự kiến thời gian thực hiện 2 dự án này từ năm 2022-2027.
Với tính chất là các dự án quan trọng quốc gia, để bảo đảm tiến độ đầu tư, tạo thuận lợi trong quá trình triển khai, Chính phủ đề xuất áp dụng các nhóm cơ chế, chính sách đặc biệt triển khai đầu tư dự án.
Thẩm tra 2 dự án, về đề xuất cơ chế, chính sách triển khai đầu tư các dự án, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, cần cụ thể hóa trách nhiệm "đầu mối" của Hà Nội và TP HCM tại dự thảo Nghị quyết của các Dự án khi quy định pháp luật hiện hành chưa có quy định về khái niệm cũng như trách nhiệm, quyền hạn cụ thể về vai trò này.
Đồng thời, do các dự án thành phần sẽ giao các địa phương tổ chức thực hiện nên có thể dẫn đến mỗi cơ quan tổ chức một cách khác nhau, không bảo đảm được tính đồng bộ, thống nhất và có thể dẫn đến tăng tổng mức đầu tư của các dự án.
Vì vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị giao cho một cơ quan có năng lực, kinh nghiệm thực hiện công tác thẩm định cho các dự án thành phần của 2 dự án.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận