Hôm nay 5/9, hàng triệu học sinh dự khai giảng trực tuyến
Đây là năm học đặc biệt, do dịch Covid-19, nhiều trường học khai giảng trực tuyến hoặc bất ngờ dừng tựu trường ở "phút 89".
Giáo viên Trường THPT Trần Nhân Tông ghi hình hoạt động giới thiệu truyền thống nhà trường, giới thiệu thầy cô giáo...để phát trực tuyến sau lễ khai giảng ngày 5/9. (Nguồn: TTXVN)
Khai giảng online, dừng tựu trường ở "phút 89"
Theo thống kê một số tỉnh thành như: Quảng Trị, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Bình, Cà Mau, Cần Thơ, Bạc Liêu, Tây Ninh, Sơn La, Ninh Bình…, không tổ chức khai giảng năm học mới vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Nhiều địa phương quyết định khai giảng trực tuyến hoặc trên truyền hình. Trong đó, phần lớn là các tỉnh thành phía Nam khai giảng trực tuyến như: Hậu Giang, An Giang, Tiền Giang, Kiên Giang, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa- Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Gia Lai, Phú Yên Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, …
Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, hai địa phương đang có diễn biến dịch Covid-19 phức tạp cũng có hình thức khai giảng khác nhau.
Cụ thể, Hà Nội tổ chức Lễ khai giảng từ 7h-8h ngày 5/9, tại Trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm và được truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Phát thanh- Truyền hình Hà Nội (kênh truyền hình H1, H2; kênh phát thanh sóng FM) để tất cả cán bộ, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh của các trường học, cơ sở giáo dục và Nhân dân trên địa bàn Thành phố được theo dõi
Trong khi đó, TP. Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên thông báo không tổ chức lễ khai giảng mà bắt đầu năm học mới bằng hình thức trực tuyến từ đầu tháng 9 với cấp trung học và giữa tháng 9 với cấp tiểu học.
Điều đặc biệt, cũng do ảnh hưởng của Covid-19, nhiều tỉnh thành bất ngờ dừng tựu trường ở "phút 89".
Chẳng hạn theo kế hoạch, ngày 1/9, học sinh các cấp của Nam Định - trừ lớp 1, tựu trường.
Tuy nhiên, sau khi 10 mẫu xét nghiệm của giáo viên dương tính với SARS-CoV-2, do vậy hơn 60.000 học sinh các cấp trên địa bàn huyện sẽ tạm dừng đến trường từ ngày 1/9 đến khi có thông báo mới.
Tại Quảng Bình, hơn 200.000 học sinh các cấp đã tựu trường từ ngày 23/8.
Tuy nhiên, đến ngày 25/8, tỉnh này ghi nhận 18 ca Covid-19. Để phòng dịch lan rộng, UBND tỉnh Quảng Bình đã nhanh chóng cho học sinh dừng đến trường.
Trước đó, ngày 31/8, Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa cũng đã thông báo điều chỉnh kế hoạch tổ chức năm học mới 2021 - 2022 do ghi nhận nhiều ổ dịch cộng đồng.
Theo đó, Sở GD-ĐT Thanh Hóa yêu cầu các trường học không tổ chức tựu trường vào ngày 1/9 như dự kiến; tạm dừng thời gian tới trường đối với bậc học mầm non trên địa bàn toàn tỉnh…
Nhiều tỉnh miền núi phía Bắc khai giảng trực tiếp
Hiện nhiều tỉnh miền núi phía bắc như Điện Biên, Hà Giang Cao Bằng, Bắc Kạn đều có kế hoạch cho học sinh đến trường khai giảng trực tiếp vì địa phương kiểm soát tốt dịch Covid-19.
Theo Sở GD-ĐT Yên Bái, tỉnh này đã sẵn sàng cho lễ khai giảng năm học 2021 - 2022, vừa bảo đảm công tác phòng dịch.
Thành phố Hải Phòng cũng tổ chức khai giảng trực tiếp nhưng chỉ ưu tiên một số lớp đầu cấp để đảm bảo giãn cách, phòng ngừa dịch bệnh.
Cụ thể, chỉ có các khối lớp 1, lớp 6 và lớp 10 là tựu trường vào ngày 1/9 và dự lễ khai giảng tập trung vào ngày 5/9.
Các khối lớp còn lại không tổ chức tựu trường và sẽ dự khai giảng bằng hình thức trực tuyến tại nhà. Đối với bậc học mầm non, các trường chỉ tổ chức khai giảng tập trung cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi.
Tương tự, tại Hòa Bình, Sở GD-ĐT đã đưa ra các phương thức tổ chức khai giảng và nhà trường lựa chọn phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Theo đó, trường hợp dịch Covid-19 được kiểm soát, các địa phương không phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg, các trường tổ chức khai giảng theo hình thức tập trung, nhưng phải tuyệt đối đảm bảo nguyên tắc 5K.
Nhanh chóng giảm học phí
Trước đó vào ngày 3/9, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có thư gửi ngành Giáo dục nhân dịp khai giảng năm học mới 2021 - 2022.
Bức thư với tiêu đề: "Niềm tin và hy vọng của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đối với ngành Giáo dục nhân dịp khai giảng năm học 2021 - 2022".
Trong thư Chủ tịch nước viết: "Trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4, nhiều học sinh, sinh viên đã phải trải qua những tháng ngày hết sức khó khăn do phong tỏa, giãn cách.
Việc học trực tuyến còn những hạn chế, bất cập và không đồng bộ, nhất là vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, những gia đình thiếu điều kiện, phương tiện để học trực tuyến.
Tất cả chúng ta đều rất lo lắng và đồng cảm khi chứng kiến cảnh những F0, F1 là các cháu nhỏ trong độ tuổi đi học, thậm chí là bậc mẫu giáo, những thiếu niên, nhi đồng phải rời gia đình, làng xóm để đi điều trị hoặc cách ly tập trung, do vậy đã bị ngắt quãng việc học.
Chủ tịch nước đề nghị ngành giáo dục, cùng các ngành, các cấp lưu ý, có những hành động tương xứng với tình hình dịch bệnh và có những biện pháp giảm thiểu tối đa với các tác động tiêu cực, đặc biệt là nguy cơ một số học sinh, sinh viên bị tụt hậu so với các bạn đồng trang lứa.
Hơn bao giờ hết, toàn xã hội cùng cả hệ thống chính trị cần sát cánh hơn nữa, lắng nghe, thấu hiểu và chung tay hành động với ngành giáo dục vì tương lai đất nước, vì tương lai con em chúng ta".
Học sinh lớp 1 Trường tiểu học Thăng Long, quận Hoàn Kiếm vui vẻ, hào hứng được gặp cô giáo chủ nhiệm và các bạn trong buổi tựu trường trực tuyến. (Nguồn: TTXVN)
Để chuẩn bị cho năm học mới, ngày 24/8, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng ban hành Chỉ thị về thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022 ứng phó với dịch Covid-19, tiếp tục thực hiện đổi mới, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục và đào tạo.
Trong tình hình dịch bệnh kéo dài, Chỉ thị yêu cầu toàn ngành đặc biệt quan tâm và có giải pháp để ổn định tâm lý, tư tưởng của học sinh, sinh viên bị tác động vì dịch bệnh.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu toàn ngành tập trung triển khai 7 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng đầu tiên là chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch năm học linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch tại địa phương, thực hiện hiệu quả các biện pháp về phòng, chống dịch.
Ngành giáo dục phối hợp với ngành Y tế chủ động xây dựng các kịch bản, giải pháp ứng phó với tình huống dịch Covid-19 dự báo còn kéo dài và diễn biến phức tạp.
Ngoài yêu cầu toàn ngành thực hiện tốt Chương trình Giáo dục phổ thông mới, giải quyết vấn đề thừa thiếu giáo viên, Chỉ thị yêu cầu các địa phương rà soát, cắt giảm và tiết kiệm tối đa các chi phí để giữ ổn định, không tăng học phí so với năm học 2020-2021; có chính sách hỗ trợ, miễn, giảm, giãn thời gian đóng học phí, hỗ trợ kịp thời sách giáo khoa đối với các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lạm thu đầu năm học.
(theo Dân trí)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận