Hội nghị an ninh Munich: Đối thoại có ngại đối đầu?
Liệu đối đầu quan điểm giữa các quốc gia tại Hội nghị an ninh Munich (MSC) có phủ bóng nỗ lực của thế giới nhằm giải quyết các thách thức an ninh cấp
Diễn ra từ ngày 14 – 16/2, với sự tham dự của 100 đại diện ngoại giao cùng 40 nguyên thủ quốc gia, MSC 2020 được kỳ vọng là cơ hội để các bên cùng đối thoại và tăng cường sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, tìm biện pháp giảm đối đầu và căng thẳng.
Trước thềm Hội nghị, Ngoại trưởng chủ nhà Heiko Maas khẳng định trọng tâm MSC 2020 sẽ là nội chiến Libya và mong sự kiện sẽ khẳng định nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong tìm kiếm giải pháp hòa bình tại đây. Tuy nhiên, ước muốn này phải đối mặt với nhiều thách thứ, khi chủ đề của MSC 2020 là “Westlessness” (tạm dịch là sự mất tính phương Tây), lo ngại vai trò, tầm ảnh hưởng và tính gắn kết của các quốc gia phương Tây đang trên đà suy giảm vì nhiều lý do khác nhau, đặc biệt là do chính sách của Mỹ.
Ba đồng thuận
May mắn thay, đồng thuận đầu tiên tại MSC 2020 là về số phận Libya. Trong buổi họp ngày 16/2, Ngoại trưởng cùng nhiều quan chức cấp cao các bên liên quan khẳng định sẽ tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn đã ký và tìm kiếm giải pháp chính trị, khôi phục hòa bình ở Tripoli. Trước đó, ngày 12/2, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã ủng hộ kết quả đạt được tại Thượng đỉnh Berlin về Libya và thông qua lộ trình 55 điểm về kết thúc chiến sự tại quốc gia Bắc Phi. Đây là hai bước tiến đáng ghi nhận nhằm vãn hồi hòa bình ở Libya.
Tuy nhiên, đồng thuận về nguyên tắc dễ đạt được, song nhất trí về giải pháp triển khai lại không dễ dàng. Thực tế này thể hiện rõ trong phiên thảo luận giữa Ngoại trưởng các nước Liên minh châu Âu (EU) ngày 17/2 ngay sau MSC 2020: Cao ủy EU về chính sách đối ngoại Joseph Borell thừa nhận rằng, với sự phản đối từ Áo và Hungary, EU khó điều động tàu chiến để cấm vận đường biển, tuân thủ nghị quyết của LHQ về ngăn chặn vũ khí tràn vào Libya.
Đối phó các thách thức an ninh phi truyền thống mới nổi, đặc biệt là dịch viêm phổi cấp do virus corona (COVID-19) gây ra cũng được quan tâm đặc biệt. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có bài phát biểu quan trọng, đề cập đến nỗ lực của Bắc Kinh nhằm dập dịch và kêu gọi sự hợp tác, giúp đỡ từ các quốc gia khác. Tương tự, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus mong lãnh đạo các quốc gia không chính trị hóa dịch bệnh và chặn đứng hành vi phân biệt đối xử với người châu Á đang diễn ra tại một số điểm dịch.
Bên cạnh COVID-19, biến đổi khí hậu cũng là điểm sáng dù không được quan tâm tại MSC 2020. Tuy nhiên, các bên vẫn đồng thuận rằng biến đổi khí hậu là mối nguy cấp số nhân, làm trầm trọng hóa các vấn đề an ninh phi truyền thống khác như di cư hàng loạt, khủng bố, dịch bệnh, tác động tiêu cực tới ổn định toàn cầu.
Nước Mỹ và phần còn lại
Song xen kẽ với ba đồng thuận này là mâu thuẫn quan điểm sâu sắc giữa Mỹ và phần còn lại của hội nghị, cụ thể là Trung Quốc và EU.
Ngày 16/2, phát biểu tại MSC 2020, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper nhấn mạnh Trung Quốc hiện là mối lo hàng đầu của Mỹ và châu Âu; cộng đồng quốc tế cần cảnh giác trước thách thức từ Trung Quốc. Theo ông, Trung Quốc cần tuân thủ quy tắc quốc tế trước khi tăng cường “sức mạnh kinh tế, quân sự và ngoại giao” và nếu không thay đổi, thì Mỹ và cộng đồng quốc tế sẽ ưu tiên bảo vệ quy tắc, trật tự quốc tế. Trước đó, Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng chỉ trích chính sách ngoại giao của Trung Quốc. Ngay lập tức, người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị phủ nhận cáo buộc này là “không đúng sự thực, không dựa trên bằng chứng hay thực tế nào”.
Căng thẳng không kém là quan hệ Mỹ và EU. Sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trấn an EU về tư tưởng “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump, Mỹ và các đồng minh châu Âu “đang cùng nhau chiến thắng”, ngày 15/2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã phản pháo, cho rằng “phương Tây đang suy yếu” vì “chính sách rút về, cân nhắc lại mối quan hệ Mỹ - EU”.
Theo tờ Deutsch Welle, hiện có ba luồng quan điểm tại EU về ứng xử trong quan hệ với Mỹ. Thứ nhất, Pháp chủ trương xây dựng một “EU độc lập”, với chính sách đối ngoại, quốc phòng chung – ngay cả khi không tìm được đồng thuận với các thành viên còn lại, Paris sẵn sàng hợp tác với bất kỳ ai ủng hộ để xây dựng một châu Âu sẵn sàng trước “đối đầu giữa các nước lớn”. Thứ hai, quan điểm được nhiều thành viên EU, đặc biệt các quốc gia Đông Âu ủng hộ là duy trì quan hệ gần gũi với Mỹ. Thứ ba, Đức đang do dự giữa hai lập trường nói trên, song nếu ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống tháng 11 tới, Berlin nhiều khả năng sẽ quay sang ủng hộ Paris.
Do đó, MSC 2020 đã thể hiện rõ hợp tác, đối đầu trên chính trường thế giới hiện nay: Một bên là nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm giải quyết các thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống; bên còn lại là cạnh tranh, đối đầu giữa cường quốc nhằm bảo vệ lợi ích chiến lược, nâng cao vị thế và ảnh hưởng. Tuy nhiên, nhiều vấn đề an ninh với ảnh hưởng toàn cầu, diễn biến phức tạp sẽ đòi hỏi các quốc gia nỗ lực vượt qua bất đồng, mở rộng hợp tác để tồn tại và phát triển.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận