Hồi hộp chờ báo cáo đánh giá thao túng tiền tệ của Bộ Tài chính Mỹ
Báo cáo gần đây nhất vào tháng 5/2019 đã thu hút sự chú ý đặc biệt, khi Bộ Tài chính Mỹ điều chỉnh một số tiêu chí, mà nếu nước nào vi phạm sẽ bị Mỹ gắn mác thao túng tiền tệ.
Đình kỳ hai lần một năm, Bộ Tài chính Mỹ sẽ công bố báo cáo chính sách ngoại hối và kinh tế vĩ mô của các đối tác thương mại lớn của nước này. Báo cáo gần đây nhất vào tháng 5 vừa qua đã thu hút sự chú ý đặc biệt, khi Bộ tài chính Mỹ điều chỉnh một số tiêu chí, mà nếu nước nào vi phạm sẽ bị Mỹ gắn mác thao túng tiền tệ. Hiện, thị trường đang chờ đợi báo cáo dự kiến công bố trong tháng 10 này.
Theo Mỹ, có 3 tiêu chí để xác định một quốc gia có thao túng tiền tệ hay không, gồm:
- Có thặng dư thương mại với Mỹ trên 20 tỷ USD trong kỳ đánh giá
- Thặng dư tài khoản vãng lai từ 2% so với GDP trở lên
- Can thiệp một chiều vào thị trường ngoại tệ trong khoảng thời gian 6 tháng với giá trị mua ròng chiếm từ 2% GDP trở lên.
Khi một quốc gia thỏa hai trong ba tiêu chí trên, sẽ được đưa vào danh sách giám sát, và Bộ tài chính Mỹ sẽ tiến hành kiểm tra cũng như theo dõi sâu hơn các hoạt động liên quan đến thương mại và chính sách tiền tệ. Trong bản báo cáo hồi tháng 5/2019, danh sách đó bao gồm 9 quốc gia là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ý, Ireland, Singapore, Malaysia và Việt Nam, nhưng Bộ tài chính Mỹ lúc đó đã không gắn nhãn thao túng tiền tệ cho bất kỳ quốc gia nào.
Tuy nhiên, vào tháng 8/2019, sau khi cặp tỷ giá USD/CNY vượt qua ngưỡng 7.00, Bộ Tài chính Mỹ đã gắn nhãn thao túng tiền tệ cho Trung Quốc. Thông cáo báo chí đưa ra lúc đó đã phê phán Trung Quốc có lịch sử lâu dài trong việc cố ý định giá thấp đồng CNY, thông qua sự can thiệp kéo dài, quy mô lớn của nước này vào thị trường ngoại hối.
Báo cáo thao túng tiền tệ mới dự kiến sẽ được công bố trong vài ngày tới, và rất có thể sẽ có một phần nội dung giải thích lý do đằng sau quyết định đó, dù Trung Quốc vẫn chỉ đang vi phạm một trong ba tiêu chí. Bộ Tài chính Mỹ có thể sẽ đặc biệt nhấn mạnh vấn đề minh bạch khi nói đến các can thiệp ngoại hối và đây sẽ là điểm mấu chốt trong thỏa thuận tiền tệ Mỹ-Trung nếu có.
Vào hôm 11/10/2019, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết, ông sẽ cân nhắc loại bỏ mác thao túng tiền tệ cho Trung Quốc, nhằm hỗ trợ cải thiện mối quan hệ Trung-Mỹ sau khi "giai đoạn một" của thỏa thuận thương mại đã được vạch ra. Tuy nhiên, vẫn còn phải chờ xem liệu chính quyền Mỹ có sử dụng báo cáo tháng 10 này để tháo nhãn cho Trung Quốc hay không.
Đồng thời, báo cáo định kỳ này có một ý nghĩa chính trị mạnh mẽ, khi mức độ liên quan của nó ngày càng gia tăng đến cách tiếp cận đối đầu thương mại của Tổng thống Trump với các đối tác lớn. Hầu hết nội dung của báo cáo sẽ có mối tương quan cao với các chương trình nghị sự về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Theo đó, không loại trừ khả năng Bộ Tài chính có thể trì hoãn việc công bố báo cáo chừng nào thỏa thuận "giai đoạn một" của các cuộc đàm phán Mỹ-Trung được ký kết.
Trong khi đó, theo đánh giá gần đây của ngân hàng ING Hà Lan, Việt Nam cũng có nguy cơ bị gắn nhãn thao túng tiền tệ trong báo cáo lần này, do đã vi phạm các tiêu chí đặt ra khi duy trì tình trạng thặng dư thương mại hàng hóa quá lớn so với Mỹ và thặng dư tài khoản vãng lai lớn so với các nước khác, cũng như có khả năng đã tham gia vào các can thiệp tiền tệ để giữ giá trị đồng tiền.
Nếu bị gắn mác thao túng tiền tệ, Việt Nam có thể bị chính quyền tổng thống Trump áp đặt hàng rào thuế quan, theo đó sẽ ảnh hưởng đáng kể lên hoạt động xuất khẩu của nước này, vốn đang được lợi rất lớn từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung trong suốt một năm qua.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận