Hội Gen Z chi tiền tậu “xế hộp”: Cật lực cày cuốc, một năm tiết kiệm được 600 triệu
Một trong những thành tựu đầu đời của 2 bạn trẻ này chính là mua được ô tô.
Mua ô tô là một trong những mục tiêu lớn và đương nhiên, không phải mục tiêu đơn giản. Nhiều người tới khi có gia đình mới tính tới chuyện tậu “4 bánh” để tiện đi lại nhưng 2 bạn trẻ mà chúng tôi có cơ hội trò chuyện thì khác.
Họ đặt mục tiêu mua ô tô từ sớm và đến khi có đủ tiền, tìm được dòng xe phù hợp là chốt ngay tức khắc, chẳng quan tâm nhiều tới các yếu tố bên lề. Suy cho cùng, ô tô cũng chỉ là một phương tiện đi lại, cần gì phải đợi đến khi có chồng có con mới sắm?
Anh Đào (sinh năm 2000): Một năm tiết kiệm được 600 triệu, mua ô tô Honda 680 triệu
Tháng 4/2022, Anh Đào đã mua ô tô Honda giá 680 triệu đồng. Ở thời điểm ấy, thuế trước bạ đối với ô tô giảm 50% nên cô cũng tiết kiệm được một khoản kha khá.
Để tậu được “xế hộp” có giá 680 triệu đồng, Anh Đào cho biết cô phải vay bố mẹ 150 triệu đồng. Đây chắc chắn là một khoản vay “nhỏ” với mục đích mua ô tô.
Anh Đào
“Tiềm lực tài chính của mình khi ấy không mạnh tới mức vẫn còn dư tiền sau khi mua xe, nhưng mình vẫn có vừa đủ tiền. Tuy nhiên, vì cần một nguồn vốn cố định để đầu tư chứng khoán, nên mình đã vay bố mẹ 150 triệu đồng tiền mua xe” - Anh Đào chia sẻ.
Từ giữa năm 2 đại học (năm 2020), Anh Đào đã bắt đầu tìm kiếm công việc liên quan đến chuyên ngành tài chính đầu tư. Thời điểm đó, cô vừa đi học vừa đi làm chăm chỉ. 2021 là năm bùng nổ của thị trường chứng khoán, thu nhập của Anh Đào đã lên tới 50 triệu/tháng. Cùng với đầu tư cá nhân, thu nhập hàng tháng của cô khá tốt.
Anh Đào cho biết: “Học phí không cao nên mình tự chi trả được mà không cần xin tiền bố mẹ. Mỗi tháng trừ hết ăn tiêu ra, mình tiết kiệm khoảng 40 triệu đồng/tháng. Sau 1 năm, mình có khoản tích luỹ khoảng 600 triệu đồng” .
Anh Đào quan niệm giá trị thực sự của việc sở hữu một chiếc xe không thể được đo lường bằng tiền bạc, mà còn là những cơ hội vô hình mà nó mang lại, chẳng hạn như gặp gỡ, giao lưu và học hỏi từ những người thành công hơn. Vì thế, Anh Đào hoàn toàn không hối hận khi quyết định mua ô tô ngay khi mới tốt nghiệp Đại học.
Việt Hà (sinh năm 1998): Không mua bất kỳ món đồ nào có giá trên 2 triệu trong suốt 6 năm, để dồn tiền mua VF 3 235 triệu đồng
Ngày 14/5 vừa qua, Việt Hà (sinh năm 1998) đã thanh toán 15 triệu đồng đặt cọc mua Vinfast VF 3. Được biết, chiếc xe mà Việt Hà sắp được bàn giao vào cuối tháng 8 - đầu tháng 9 tới đây, có giá niêm yết 235 triệu đồng, giá lăn bánh - theo cô chia sẻ, sẽ khoảng 250 triệu đồng.
Việt Hà đã đặt cọc VF 3 và dự kiến sẽ nhận xe vào cuối tháng 8 - đầu tháng 9 năm nay
Tính chất công việc thường xuyên phải di chuyển trong nội thành và ngoại thành Hà Nội nên từ cách đây 5-6 năm, Việt Hà đã đặt mục tiêu mua ô tô. Cô chọn VF 3 vì giá trong mức ngân sách 280 triệu đồng mà cô đặt ra. Trước đó, Hà cũng thử tìm hiểu thị trường ô tô chạy xăng đã qua sử dụng, nhưng đành từ bỏ vì khả năng tài chính không cho phép.
“Suốt từ cuối năm 2023 tới đầu năm 2024, mình chỉ đợi hãng công bố giá bán VF 3 để xem có đủ tiền mua không. Thấy giá niêm yết 235 triệu đồng - trong khả năng cho phép, là mình chốt luôn không nghĩ thêm nữa, vì trước đó mình đã tìm hiểu đủ rồi, còn nghĩ nếu xe này mà quá ngân sách thì thôi đành gác lại mục tiêu mua ô tô thêm vài năm nữa” - Việt Hà chia sẻ.
Để có tiền mua đứt VF 3, trong suốt 6 năm đi làm, Việt Hà không cho phép bản thân mua bất kỳ món đồ nào có giá trên 2 triệu đồng, mỗi tháng đều giới hạn ngân sách chi tiêu ở mức 4 triệu đồng.
“Kể từ lúc đi làm đến tận bây giờ, ngoài điện thoại và laptop là 2 thứ phục vụ công việc, mình chưa bao giờ mua cho bản thân món đồ nào trị giá trên 2 triệu. Quần áo, giày dép, túi xách hay cả đồ skincare, đồ trang điểm, mình đều dùng hàng bình dân.
Mình may mắn hơn nhiều bạn bè vì không tốn tiền thuê nhà, cũng không cần lo mất tiền mua chỗ gửi ô tô nên áp lực nuôi xe cũng nhẹ nhàng đi phần nào.
Suốt 6 năm đi qua, ngoài 3 triệu tiền ăn gửi bố mẹ hàng tháng, và 4 triệu chi tiêu cá nhân; khoản tiền còn lại, mình đều dùng để tiết kiệm.
Trong 2 năm từ 2019-2021, vì dịch Covid, công việc không thuận lợi, thu nhập giảm, có tháng mình chỉ có chưa tới 1,5 triệu đồng để chi tiêu cá nhân. Vì tiền tiết kiệm và tiền ăn gửi bố mẹ là 2 khoản mình không muốn cắt giảm, nên thu nhập giảm thì chỉ có thể giảm khoản tiền tiêu cá nhân. Thế nên mới không bao giờ dám mua đồ gì giá trên 2 triệu đấy” - Việt Hà kể.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận