Học phí đại học tăng - rào cản hay bộ lọc?
Hơn mười năm trước, trường đại học của tôi một tín chỉ 110 nghìn đồng, bây giờ là 225 nghìn đồng.
Mấy tháng nay, những diễn đàn sinh viên tôi theo dõi trên Facebook có nhiều bài than thở về cuộc sống khốn khó của các em sinh viên. Em thì thanh lý bớt một số đồ đạc để có tiền ăn đến cuối tháng, em thì hỏi xin việc bán thời gian, bưng bê cho một số quán ăn để có tiền tiêu dùng.
Điểm chung là nhiều em sinh viên nhận ra giá trị của đồng tiền ngày càng to lớn, khi chi phí sinh hoạt tại thành phố và học phí đại học tăng.
Hơn mười năm trước, tôi nhập học tại một trường đại học công tại TP HCM. Ngày làm thủ tục, trường tạm thu học phí tầm 3 triệu đồng. Sang học kỳ mới, đến ngày chốt đóng học phí, tôi và nhiều bạn bè bất ngờ vì được trường "thối" lại vài trăm nghìn tiền học dư đóng tạm ứng.
Lúc đó, mỗi tín chỉ chừng 110 nghìn đồng. Bây giờ, mỗi tín chỉ là 225 nghìn đồng và sẽ tăng theo từng năm.
Học phí đại học tăng là điều tất yếu: Cơ chế tự chủ thu chi đại học giúp tạo ra nguồn thu cho các trường đại học, vừa có tiền trả lương để cải thiện thu nhập giảng viên, có tiền xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học... Hôm rồi bạn tôi đi ngang qua trường và chụp vài bức ảnh, trường đại học ngày xưa của chúng tôi đã xây thêm một số tòa nhà mới, cải tạo khuôn viên, khác xa thời chúng tôi học.
Trong khi đó, nhiều người lo ngại học phí đại học tăng là rào cản đối với học sinh nghèo. Tôi thấy nhận định này cũng có phần đúng, chứ không hoàn toàn. Các anh chị họ của tôi có mấy đứa con sắp vào đại học, đã bắt đầu tìm hiểu các trường đại học, học phí ra sao, cơ hội việc làm thế nào...
Khi học phí chưa tăng, mấy đứa con lớn của họ "ồ ạt" vào đại học để đi khoe với mọi người. Còn trường nào, ngành gì, chất lượng giảng dạy, khả năng học của con mình ra sao thì chẳng ai chú ý đến. Miễn sao có cái danh đại học là được.
Còn bây giờ, khi học phí tăng, thì chúng ta nên xem việc học đại học là một khoản đầu tư. Dĩ nhiên, khoản đầu tư nào cũng có rủi ro: bỏ số tiền lớn trong bốn năm, nhưng học trường chất lượng thấp, khả năng của con kém... sẽ khó mà hoàn vốn, chứ đừng nói sinh lời.
Với các em sinh viên nghèo nhưng học giỏi, tôi nghĩ không ai để các em oằn mình vì học phí, khi chúng ta có học bổng, chính sách vay tiền học đại học. Còn nghèo mà học dở, thì tốt nhất nên đi học nghề.
Vì thế tôi nghĩ học phí đại học tăng, sẽ là một bộ lọc, giúp các gia đình, các em học sinh phải cân nhắc và nghiên cứu thật kỹ trước khi quyết định "đầu tư".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận