Học hỏi từ người giỏi: Hãy tỉnh táo để… thỉnh giáo!
Khi đi làm, mỗi người chúng ta đều sẽ thấy “bể học” quả là vô tận: Có quá nhiều thứ cần biết, phải biết, quá nhiều kỹ năng cần học! Một trong những cách phát triển bản thân rất thú vị là học hỏi từ những người giỏi. Nhưng… dù thú vị, cách học này chưa chắc hiệu quả, nếu ta không biết cách. Cách đó là gì?
Thứ nhất, đừng bao giờ “thần tượng” khi học hỏi!
Ta thấy ai đó giỏi, có thể dành sự tôn trọng, nhưng vẫn phải luôn giữ tư duy phản biện tỉnh táo.
Bằng không, một khi rơi vào hoàn cảnh thần tượng người giỏi nào đó, thì tự mình sẽ đánh mất đi sự khôn ngoan, và thay vì học hỏi (những thứ ưu việt) thì ta trở thành một cái máy “nhai lại”, mù quáng, không hơn!
Cá nhân tôi đã gặp nhiều case thần tượng kiểu vậy: Nghĩa là cứ thấy “người giỏi” (trong mắt fan) biên tus thể hiện một quan điểm gì đó (trong chuyên môn đã đành, có những tus bày tỏ quan điểm xã hội ngoài chuyên môn cũng vậy), là “người học hỏi” (fan) xúm vào ca tụng, bênh vực, bảo vệ hết mực…
Các fan bất biết quan điểm đó đúng hay sai – đặt trong hoàn cảnh nào – mà chỉ cần biết “đã giỏi, nói gì cũng… đúng!”. Không phải đâu!
“Người giỏi” chẳng phải là thánh, và việc họ đúng/sai ở một quan điểm/sự việc nào đó là chuyện rất bình thường! Do vậy, người học hỏi cần tư duy phản biện để chọn lọc cái đúng, né tránh cái sai.
Một khi “người học hỏi” trở thành “kẻ mù quáng”, họ sẽ dễ dàng bị… dắt mũi. Hàng loạt hội nhóm đa cấp, “truyền cảm hứng” thường dính đòn ở chỗ này!
Chưa hết, chính sự thần tượng vô lối của người học hỏi đã biến một số người giỏi tự cho mình ở vị thế… “thượng đẳng tri thức”, hay “trịch thượng tri thức”. Nghĩa là họ… tự cho bản thân ở chiếu trên, không chấp nhận bất kỳ luồng quan điểm, ý kiến trái chiều nào!
Như thế thì thật nguy hiểm và ngột ngạt cho tất cả!
*****
Thứ hai, muốn học hỏi hiệu quả thì bắt buộc chúng ta phải có tư duy tổng thể, nghĩa là: Quan sát toàn bộ “kho tàng” của người giỏi đó như thế nào? Họ thể hiện ở những kênh nào là chủ yếu?…
Từ đó, ta mới đi vào dần từng chi tiết, từng bài học… hằng ngày. Ở những bài học này, việc nắm bắt các từ khóa để tự mình tìm kiếm mở rộng ra cũng rất quan trọng.
Nếu chỉ học từng thứ tiểu tiết mà đánh mất cái nhìn tổng thể, cũng như không có khả năng “nảy số” liên tưởng, nắm bắt từ khóa để mở rộng, thì tốc độ tiến bộ sẽ rất chậm, theo kiểu… “nghe 1, gật đầu 1, nghe 2, gật đầu 2”.
*****
Thứ ba là điều “chân ái” dành cho những ai thực sự khôn ngoan: Người giỏi luôn có một cái “key” (kỹ năng, tính cách, cơ hội… đặc biệt/chủ đạo) nào đó.
Trước khi đạt cấp độ giỏi, họ có xuất phát điểm là người có năng khiếu, có đam mê, có tố chất ưu việt nhưng chưa thành công, chưa khẳng định và thể hiện cái giỏi ra.
Tới khi gặp một bước ngoặt, hoặc nắm bắt được một cơ hội nào đó (~ key), họ “vụt sáng”.
Một khi khám phá ra “key”, người học hỏi sẽ hiểu bản chất/lõi thành công của người giỏi, từ đó dẫn tới khả năng học hỏi – hiểu sẽ cực kỳ nhanh và hiệu quả.
Tất nhiên, việc bắt được “key” của người giỏi là điều không hề dễ dàng, đòi hỏi sự khôn ngoan, khả năng quan sát, suy luận, phân tích…
*****
Người giỏi luôn xứng đáng để học hỏi – đó là cách học hiệu quả, có tính truyền cảm hứng, vì người học được nhìn thấy những thành công, thành qua sau bao nỗ lực của người giỏi.
Nhưng… đừng quên rằng, nếu không có cách tiếp cận, lối tư duy đúng đắn như đã chia sẻ ở trên, thì dù ta chăm chú ngóng theo người giỏi đến đâu, sự tiến bộ, hiệu quả có thể rất xa vời!
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận