Hoảng loạn vì Covid-19, nhưng tại sao người ta lại tranh nhau mua các cuộn giấy vệ sinh?
Trong bối cảnh của sự hoảng loạn vì dịch Covid-19 lan rộng, nhiều người dân ở phương Tây tranh cướp nhau mua những cuộn giấy vệ sinh, các bình sát khuẩn rửa tay và thực phẩm đóng hộp... ở siêu thị. Tại sao vậy? Dưới đây là giải thích của một số nhà tâm lý học được đăng trên CNBC.
Tại sao bộ não của chúng ta thúc đẩy phải lao đến siêu thị và tranh mua một số vật phẩm, thực phẩm thiết yếu trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lan rộng, trong khi các nhà chức trách luôn tuyên bố không nên làm như vậy?
Xu hướng này ngày một gia tăng khiến các nhà bán lẻ ở Anh buộc phải tuyên bố bán hạn chế các sản phẩm vệ sinh sát khuẩn tay, và các cửa hàng ở Úc hạn định số lượng các cuộn giấy vệ sinh mà mỗi khách hàng được mua.
Theo Paul Marsden, một nhà tâm lý học tiêu dùng tại Đại học Nghệ thuật London, câu trả lời ngắn gọn có thể được tìm thấy trong cuốn 'Liệu pháp bán lẻ", vốn giải thích tình trạng tâm lý này là vì 'chúng ta mua [hàng] để tìm cách bình ổn trạng thái cảm xúc trong mỗi chúng ta.
Đó là việc chúng ta cố gắng 'lấy lại quyền kiểm soát' trong một thế giới mà chúng ta có cảm giác bị 'mất quyền kiểm soát'. Nói một cách dễ hiểu hơn, nỗi 'hoảng sợ khiến chúng ta buộc phải mua hàng' có thể được hiểu như một trò chơi của ba nhu cầu tâm lý cơ bản của con người, bác sĩ Marsden nói.
Những nhu cầu này gồm: Sự tự chủ hay nhu cầu kiểm soát, liên quan, thứ mà bác sĩ Marsden định nghĩa rằng thay vì "tôi đi mua sắm', mọi người lại nghĩ: Chúng ta đi mua sắm. Tiếp đến là: Năng lực, thứ mà mọi người nghĩ có được khi họ việc mua sắm giúp họ có được cảm giác 'tiêu dùng thông minh', thay vì chả làm gì cả.
Nỗi sợ hãi lan truyền
Sander van der Linden, trợ lý giáo sư tâm lý học xã hội tại Đại học Cambridge, thì cho rằng có những yếu tố tâm lý chung, cũng như yếu tố tâm lý đặc thù đối với nỗi sợ hãi mang tên virus Corona.
Vị trợ lý giáo sư này cho rằng ở Mỹ, người dân nhận được các thông điệp trái ngược nhau đến từ CDC và từ chính quyền của Tổng thống Donald Trump. Điều này khiến họ hoảng loạn. Trong khi một tổ chức về dịch bệnh nói về một điều gì đó khẩn cấp, một tổ chức khác lại nói điều này nằm trong tầm kiểm soát, sự bất nhất này khiến người dân cảm thấy bất an.
Trong tuần này, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần hạ thấp sự ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 bằng những dòng chữ viết trên Twitter của mình. Nhưng điều này lại chả ăn nhập gì với những báo cáo ngày càng quan ngại do chính quyền của ông cũng như các cơ quan y tế của Hoa Kỳ đưa ra.
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Hoa Kỳ (CDC), chủng mới của virus Corona đã xuất hiện ở ít nhất 35 bang ở Mỹ.
Điều này cho thấy 'nỗi sợ bị lây nhiễm' là cảm giác có thật, van der Linden nói.
"Khi người ta bị căng thẳng, lý chi sẽ bị giới hạn. Và lúc đó, người ta sẽ quan sát xem những người khác đang làm gì. Khi người ta thấy người khác tích trữ hàng hóa, họ cũng sẽ làm như vậy", ông phân tích.
Khi người ta nhìn thấy các bức ảnh những kệ hàng trống rỗng trong siêu thị, bất kể hình ảnh đó có hợp lý hay không thì nó cũng gửi tín hiệu đến cho họ rằng họ cần phải làm những điều tương tự (mua sắm).
Đôi khi, có rất nhiều giá trị trong kiến thức xã hội, khi chúng ta không biết phải phản ứng thế nào đối với một điều gì đó thì cách thức đương nhiên là chúng ta xem những người xung quanh làm thế nào. "Nói cho dễ hiểu hơn, thí dụ khi bạn đang ở trong rừng, khi một người chợt thụt lùi lại vì một con rắn bổ chửng vào người thì ngay lập tức, những người khác cũng sẽ thụt lùi trở lại", vị trợ lý giáo sư giải thích.
"Đôi khi, mội việc khó khăn hơn khi điều mà bạn được bảo làm lại không phải là điều đáng phải làm nhất", ông nói.
Tại sao chúng ta lại làm thế?
Trong khi doanh số bán hàng của các mặt hàng xà phòng và dung dịch sát khuẩn rửa tay tăng vọt tại hầu hết các thị trường, kể từ khi dịch bệnh bùng phát, thì người tiêu dùng lại đi tích trữ một mặt hàng rất đáng ngạc nhiên: giấy vệ sinh.
Theo Dimitrios Tsivrikos, giảng viên về tâm lý người tiêu dùng và kinh doanh tại Đại học College London thì giấy vệ sinh đã trở thành một 'biểu tượng' của sự hoảng loạn đám đông.
Trong thời khắc của sự không chắc chắn, người ta bước vào một không gian hoảng loạn khiến họ mất đi lý trí, và hành động như những kẻ mất trí. Vị giáo sư giải thích với CNBC trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.
"Trong các tình huống thảm họa khác như lụt lội, chúng ta có thể chuẩn bị được tình huống bởi biết được có bao nhiêu nhà cung cấp, nhưng với một loại virus mới thì chúng ta chả biết gì nhiều về nó cả", giáo sư Tsivrikos nói.
"Khi chúng ta bước vào một siêu thị, thứ mà chúng ta nhìn thấy là mức giá niêm yết và số lượng hàng hóa bày bán trên kệ hàng. Những thứ dễ thu hút sự chú ý của chúng ta chính là các cuộn giấy vệ sinh với kích thước to lớn, khi chúng ta đang muốn tìm kiếm trở lại cảm giác kiểm soát", ông giải thích.
Tsivrikos, cũng như van der Linden, đều cho rằng chính sự thiếu rõ ràng giữa tiếng nói của những người có thẩm quyền đã 'thêm dầu vào lửa' cho nỗi hoảng loạn trong dân chúng.
Công chúng đang nhận được những lời khuyên đối nghịch từ chính phủ và các nhà bán lẻ. Chính điều này khiến người ta ồ ạt kéo nhau đi mua hàng. "Tôi cho rằng chính lỗi hệ thống đã khiến chúng ta không có một tiếng nói đồng nhất về những điều chúng ta nên làm", Tsivrikos nói.
Tuy nhiên, Peter Noel Murray, một thành viên của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ và Hiệp hội Tâm lý Người tiêu dùng có trụ sở tại New York lại không cho rằng hình ảnh của những người cầm quyền có thể làm dịu đi nỗi hoảng loạn mua sắm đối với người tiêu dùng.
Khi trả lời phỏng vấn qua điện thoại với CNBC, ông nói: "Dù các nhà chức trách có lặp đi lặp lại rằng virus bệnh không phải là vấn đề gì lớn thì chuyện này cũng chả thay đổi điều gì cả".
"Nếu không đánh thẳng vào tâm lý người tiêu dùng thì các chiến dịch mà nhà cầm quyền đưa ra sẽ chẳng thể thành công", ông Murray nhấn mạnh.
Vẫn theo ông Murray, các phản ứng của cảm xúc và nhận thức là hai yếu tố chính liên quan tới việc ảnh hưởng tới quyết định của mỗi người trong chúng ta, đặc biệt trong tình huống bùng phát của virus Corona.
"Trong trường hợp này, yếu tố nhận thức chính là thiên kiến nhận thức, (nghĩa là) chúng ta có xu hướng quá coi trọng những thứ sống động vừa xảy ra", ông giải thích.
"Kiểu như một chiếc máy bay bị rơi khiến người ta ngại đi máy bay đó, hay như một con cá mập cắn người khiến ai cũng nghĩ loài cá mập nào cũng là kẻ giết người. Tiến trình này khiến chúng ta nghĩ rằng những điều đang xảy ra giống như là những điều rất khủng khiếp. Nó bi kịch hóa cái nhìn của chúng ta về điều mà chưa chắc nó đã như vậy", ông Murray nói.
Tình huống chúng ta đang trải qua khiến nhiều người liên tưởng đến đại dịch cúm Tây Ban Nha đã khiến 50 triệu người trên toàn thế giới thiệt mạng vào năm 1918.
Về mặt tình cảm, câu trả lời là sự tự khẳng định. Trong tâm trí của chúng ta, ai cũng biết rằng sẽ đến lúc mình sẽ chết. Và tâm trí của chúng ta tìm cách đối phó với nó thông qua (tìm kiếm) sự kiểm soát", ông Murray nói tiếp.
Có một sự biểu hiện thái quá về nỗi sợ hãi và tâm trí của con người cố gắng giải quyết được trạng thái cảm xúc này. "Nhu cầu tự khẳng định được kích hoạt và điều đó thúc đẩy chúng ta làm những việc hoàn toàn không hợp lý như mua một lượng giấy vệ sinh đủ dùng cho cả năm. Nó lấn át cả các kiến thức mà lẽ ra thông thường người ta không cần thiết phải làm như vậy", ông Murray giải thích thêm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận