Hoàn thiện việc thực hiện chính sách quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Rà soát diện tích đất đang quản lý của doanh nghiệp nhà nước, bàn giao phần vốn nhà nước hiện đang quản lý về cơ quan có thẩm quyền, xử lý dứt điểm các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài của ngành Công Thương là các nhiệm vụ trong năm 2020
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa ký Quyết định số 110/QĐ-BCT (ngày 10/1/2020) ban hành Chương trình hành động của Bộ Công Thương thực hiện Nghị quyết số 73/QĐ-TTg ngày 23/11/2019 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 60/2018/QH14 (ngày 15/6/2018) của Quốc hội về việc tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Theo đó Vụ Tài chính và Đổi mới doanh nghiệp được giao chủ trì việc chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương rà soát, xây dựng phương án sắp xếp, xử lý nhà, đất trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật hiện hành; giám sát chặt chẽ việc huy động, sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước, nhất là việc vay nợ nước ngoài, nguồn vốn mua, bán, sáp nhập doanh nghiệp.
Cùng đó Vụ Tài chính và Đổi mới doanh nghiệp được giao khẩn trương chỉ đạo doanh nghiệp, bộ phận đại diện phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc diện bàn giao phần vốn nhà nước hiện đang quản lý về cơ quan có thẩm quyền được giao quản lý vốn, tài sản của nhà nước tại doanh nghiệp. Đồng thời tổng kết, đánh giá và tập trung hoàn thành mục tiêu cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước theo đúng lộ trình và quy định của pháp luật, chuyển đổi mô hình tại doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích liên quan đến các chính sách phát triển kinh tế xã hội, an sinh xã hội bảo đảm các nguyên tắc và cơ chế thị trường, minh bạch, công khai thông tin.
Vụ Kế hoạch được giao làm đầu mối cùng các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các cơ quan liên quan tiếp tục triển khai các nhiệm vụ được phân công tại Đề án xử lý các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương.
Thanh tra Bộ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu các đơn vị trong việc để xảy ra các vi phạm trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, cơ cấu lại doanh nghiệp, gửi Bộ Nội vụ tổng hợp chung, báo cáo Chính phủ.
Quyết định 110/QĐ-BCT cũng giao Vụ Tài chính và Đổi mới doanh nghiệp, Vụ Khoa học và Công nghệ xem xét xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn trong xử lý các vấn đề về tài chính, đất đai, lao động, chính sách khoa học, công nghệ… nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của một số doanh nghiệp đã cơ cấu lại nhưng tình hình sản xuất, kinh doanh còn chưa khả quan.
“Áp dụng biện pháp giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật, nhất là doanh nghiệp nhà nước lâm vào tình trạng giải thể, phá sản mà không có phương án cơ cấu lại khả thi”- Quyết định 110/QĐ-BCT nêu rõ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận