Hoàn thiện pháp lý để tiến gần hơn vạch đích nâng hạng thị trường chứng khoán
Việc sửa đổi, bổ sung quy định thành viên bù trừ trong Luật Chứng khoán là bước tiến lớn sớm được nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi.
Sửa đổi để thích ứng với yêu cầu thực tiễn mới
Việc hoàn thiện pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao để tạo động lực góp phần thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Sau khi rà soát, tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Luật Chứng khoán 2019, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật, nhằm hoàn thiện khung pháp lý, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển nhanh chóng của thị trường; góp phần nâng cao hơn nữa hiệu lực thực thi pháp luật, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.
Theo TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Luật Chứng khoán (sửa đổi) lần này thể hiện rõ chủ trương của Chính phủ và Bộ Tài chính là muốn nâng cao chất lượng thị trường, đẩy nhanh tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, thu hút đầu tư nước ngoài.
Một trong những quy định pháp lý được đưa ra, nhằm “tháo gỡ” nút thắt cho quá trình nâng hạng thị trường chứng khoán trong Dự thảo là sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 4 Điều 56 Luật Chứng khoán 2019. Nội dung sửa đổi, bổ sung theo hướng bảo đảm cho phép ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện bù trừ, thanh toán giao dịch trên cả thị trường chứng khoán cơ sở và thị trường chứng khoán phái sinh. Cụ thể, quy định thành viên bù trừ có quyền: “Thực hiện bù trừ, thanh toán giao dịch cho các chứng khoán giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán. Trường hợp thực hiện bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh, thành viên bù trừ là ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được thực hiện bù trừ, thanh toán giao dịch cho chính thành viên bù trừ là ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”.
Khoản 4 Điều 56 của Luật Chứng khoán năm 2019 quy định thành viên bù trù (trong đó có ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) có quyền “Thực hiện bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh và các chứng khoán khác”. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cách diễn đạt tại Điều 56 Luật Chứng khoán hiện nay có thể có cách hiểu khác nhau, trong đó có cách hiểu thành viên bù trừ là ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được thực hiện bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh mà không được thực hiện bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán cơ sở.
Việc sửa đổi, bổ sung quy định ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài làm thành viên bù trừ trong Luật Chứng khoán sẽ đẩy nhanh quá trình triển khai cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (CCP) cho thị trường chứng khoán cơ sở phù hợp với thông lệ quốc tế, là bước tiến lớn sớm được nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi.
Cần sớm áp dụng cơ chế CCP cho cả thị trường chứng khoán cơ sở
Để được nâng hạng, thị trường chứng khoán Việt Nam cần tháo gỡ một trong các vướng mắc chính là yêu cầu không phải có đủ tiền khi đặt lệnh giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 68/2024/TT-BTC sửa đổi, bổ sung 04 thông tư, trong đó có quy định không yêu cầu nhà đầu tư tổ chức nước ngoài phải có đủ tiền khi đặt lệnh mua cổ phiếu.
Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp triển khai trước mắt để đáp ứng tiêu chí nâng hạng nêu trên và chỉ áp dụng cho giao dịch mua cổ phiếu với đối tượng áp dụng là nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.
Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, thành viên thị trường, các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài lớn, để duy trì thứ hạng cũng như được xếp hạng cao hơn thì Việt Nam cần tiếp tục triển khai giải pháp tháo gỡ các rào cản còn lại cũng như cải thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của thị trường, trong đó bao gồm việc triển khai CCP cho thị trường chứng khoán cơ sở phù hợp với thông lệ quốc tế - nhiệm vụ này cũng được nêu tại điểm đ khoản 4 Điều 1 Quyết định số 1726/QĐ-TTg/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030.
Trong khi đó, giao dịch chứng khoán là một giao dịch dân sự không thể hủy ngang. Đây là nguyên tắc cơ bản để vận hành thị trường và là thông lệ quốc tế để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư mua bán, giao dịch trên thị trường chứng khoán.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, trên thế giới, có khoảng 80% hệ thống thanh toán đã áp dụng cơ chế CCP cho hoạt động bù trừ thanh toán giao dịch chứng khoán. Cơ chế CCP này có ưu việt hơn so với cơ chế thanh toán mà Việt Nam đang áp dụng là khắc phục được trường hợp rủi ro thanh toán dẫn đến phải hủy thanh toán giao dịch chứng khoán.
Phần lớn các CCP trên thế giới đều cho phép ngân hàng lưu ký làm thành viên bù trừ tham gia và là đối tác bù trừ, thanh toán của cơ chế CCP. Đây cũng là lý do vì sao các tổ chức quốc tế, Ngân hàng Thế giới và các tổ chức lớn khác trên thế giới đều coi việc áp dụng CCP là một trong các tiêu chí để xếp loại thị trường chứng khoán, nâng hạng thị trường chứng khoán lên thị trường mới nổi.
Hiện nay, Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) đã áp dụng cơ chế CCP cho thị trường chứng khoán phái sinh từ năm 2017 an toàn và đúng thông lệ quốc tế. Đối với thị trường chứng khoán cơ sở, “Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam tầm nhìn đến năm 2030” đã khẳng định phải triển khai hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán cơ sở theo mô hình CCP để hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, đổi mới toàn diện và đồng bộ công nghệ giao dịch, đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán trên thị trường chứng khoán và CCP sẽ áp dụng cho cả thị trường chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán cơ sở.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận