24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Văn Anh Tuấn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Hoàn thiện khung pháp lý cho số hóa ngân hàng

Khách hàng vẫn phải ra ngân hàng thực hiện giao dịch

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Kim Anh cho biết: "Các quyết định giải ngân, cho vay của ngân hàng thương mại, công ty tài chính đối với các khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng của khách hàng cá nhân được thực hiện theo hướng số hóa, tự động. Đến năm 2025, tỷ lệ giải ngân này phải đạt tối thiểu 50% và đến năm 2030 đạt tối thiểu 70%".

Theo báo cáo Fintech và ngân hàng số của Backbase, dự báo đến năm 2025, 38% doanh thu của các ngân hàng truyền thống sẽ đối mặt với rủi ro trước sự xuất hiện của những đối thủ mới như fintech hay các doanh nghiệp trong ngành. Để không mất vị thế, thời gian qua, các ngân hàng Việt xác định số hoá là chiến lược mũi nhọn trong mọi hoạt động, không chỉ dừng ở chức năng chuyển hay nhận tiền như trước đây, ngân hàng đang hướng đến số hoá các khoản vay nhỏ lẻ.

Chẳng hạn, với App HDBank, ngân hàng đã tích hợp mọi tính năng cần thiết của ngân hàng số như: mở tài khoản thanh toán, mở sổ tiết kiệm, thậm chí vay vốn ngay trên ứng dụng, cho vay trực tuyến thế chấp bằng tải khoản tiền gửi...

Tuy nhiên, lãnh đạo một số ngân hàng cho biết, hiện nay, các ngân hàng số hoá toàn bộ các dịch vụ chuyển tiền, nhận tiền, còn các khoản vay mới dừng lại số hoá các khoản nhỏ lẻ và cũng chỉ ở mức "số hóa một nửa". Nghĩa là khách hàng nộp đơn vay và một số giấy tờ online, còn bước quyết định để giải ngân vẫn phải trực tiếp ra quầy để ký chữ ký tươi, gặp mặt nhân viên ngân hàng và ngân hàng vẫn phải lưu trữ hồ sơ cứng.

Nguyên nhân là do khung pháp lý chưa cho phép, điển hình là về chữ ký điện tử. Với thực tế quy định hiện nay, các ngân hàng đã chủ động sáng tạo, áp dụng giải pháp kỹ thuật phù hợp với khung pháp lý nhưng vẫn đảm bảo an toàn, kiểm soát được rủi ro, đồng thời tạo thuận tiện cho khách hàng trong bối cảnh số hóa dịch vụ, giao dịch trực tuyến gần như tức thời, diễn ra toàn cầu, không gặp mặt trực tiếp.

Ví dụ, nhiều ngân hàng đề xuất việc sử dụng mã OTP kết hợp đa thành tố (Username & password), yếu tố sinh trắc học (vân tay, khuôn mặt, võng mạc,...) để xác thực thỏa thuận, khế ước, nhưng vẫn không đáp ứng quy định của pháp luật về tính pháp lý của chữ ký điện tử.

"Hiện nay, chi phí cho chữ ký số cá nhân vẫn còn khá lớn. Điều đó cũng là nguyên nhân khiến cho việc định danh điện tử hầu hết mới chỉ được sử dụng trong các giao dịch nội bộ ngân hàng hoặc các giao dịch của các doanh nghiệp mà chưa áp dụng rộng rãi được với các khách hàng cá nhân - vốn chiếm đa số trong các giao dịch của ngành ngân hàng".

Ông Phan Thái Dũng (Cục phó Cục Công nghệ thông tin - Ngân hàng Nhà nước)

Mong sớm sửa Luật

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho biết: "Chúng tôi mới triển khai số hóa hoạt động cho vay với một số sản phẩm. Với nhiều sản phẩm khác, việc triển khai rất khó, do khung pháp lý chưa cho phép. Nhiều sản phẩm cho vay chưa thể số hóa được, nhất là các sản phẩm liên quan đến công chứng, đăng ký giao dịch đảm bảo".

Dù vậy, OCB dự kiến cuối năm nay triển khai sản phẩm đầu tiên về cho vay thế chấp bất động sản với mức độ số hóa 90%, còn 10% vẫn phải thực hiện theo phương thức truyền thống (công chứng, đăng ký giao dịch đảm bảo).

“Cho vay là sản phẩm đặc biệt, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nên với một số sản phẩm, bên đi vay và ngân hàng vẫn phải gặp mặt trực tiếp một lần để đảm bảo an toàn”, ông Tùng cho hay.

Khi được hỏi về triển khai số hoá các khoản vay, giám đốc một ngân hàng cổ phần tại Hà Nội cho biết, hiện nay ngân hàng này chưa mạnh dạn triển khai số hoá các khoản vay nhỏ lẻ do lo ngại rủi ro.

“Chưa có quy định nào công nhận hợp đồng điện tử, chữ ký số, nên nếu xảy ra tranh chấp, ngân hàng vẫn đứng trước nguy cơ bị tòa án tuyên khế ước vô hiệu. Để ngân hàng mạnh dạn số hóa hoạt động cho vay nhỏ lẻ, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng sửa đổi các quy định về giao dịch điện tử, đăng ký giao dịch đảm bảo trực tuyến, chữ ký số…”, vị này chia sẻ.

Đồng quan điểm về những thách thức hành lang pháp lý trong ứng dụng các nền tảng công nghệ mới, tại hội thảo trực tuyến “Chữ ký số cá nhân: Đón đầu cơ hội cho ngành tài chính- ngân hàng” được tổ chức ngày 16/11, ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng giám đốc VietinBank cho biết: “Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép khách hàng của chúng tôi mở tài khoản ngân hàng từ xa. Tuy nhiên, các giao dịch khác như cho vay, thanh toán với giá trị lớn…, khách hàng vẫn phải gặp trực tiếp, vẫn phải ký văn bản giấy tờ. Do đó, việc xây dựng hành lang pháp lý hoạt động cho vay online cần “cởi mở” để các ngân hàng đẩy mạnh cho vay online, nhất là cho vay tiêu dùng. Ngoài ra, giải pháp hợp đồng điện tử, chữ ký điện tử cần đồng bộ và số hóa, bởi hiện nay việc xác thực chữ ký vẫn yêu cầu khách hàng tới điểm đăng ký, dẫn tới việc ngắt quãng trong trải nghiệm ngân hàng số”.

Thừa nhận các văn bản vẫn thiếu sự đồng bộ, hệ thống, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu xây dựng Luật Giao dịch điện tử thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung Luật Giao dịch điện tử năm 2005 để tạo cơ sở pháp lý cho các bộ, ngành hoàn thiện quy định pháp luật có liên quan, giúp đẩy mạnh số hóa, ứng dụng kỹ thuật số, tạo môi trường giao dịch thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp qua kênh số, phương thức điện tử.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả