Hoàn thành Nghị định về tăng lương hưu, chế độ tiền lương mới trong tháng 5/2024
Trong tháng 5/2024, Bộ Nội vụ hoàn thiện nghị định về chế độ tiền lương mới; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoàn thành nghị định về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội để trình Chính phủ xem xét…
Đây là một trong những nhiệm vụ được Chính phủ giao các Bộ, ngành thực hiện, được nêu tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.
Theo đó, Chính phủ giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trong tháng 5/2024 hoàn thiện các nghị định của Chính phủ gồm: Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng; Nghị định của Chính phủ điều chỉnh mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng; Nghị định của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
Trong năm 2024, Bộ này cũng hoàn thiện xây dựng dự án Luật Việc làm (sửa đổi); Nghị định của Chính phủ về Bảo hiểm tai nạn lao động đối với lao động ở khu vực không có hợp đồng lao động; Nghị định của Chính phủ sửa đổi bố sung một số điều của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội năm 2024…
Trong tháng 5/2024, Chính phủ cũng giao Bộ Nội vụ hoàn thành Nghị định quy định chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Theo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội quyết nghị từ ngày 1/7/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương bảo đảm từ nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và một phần bố trí trong dự toán chi cân đối ngân sách nhà nước.
Cũng từ ngày 1/7 năm nay, đồng thời điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.
Đối với các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước của Trung ương đang thực hiện các cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù, từ ngày 1/1 năm 2024 đến ngày 30/6/2024: Mức tiền lương và thu nhập tăng thêm hằng tháng tính theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng theo cơ chế đặc thù, bảo đảm không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm được hưởng tháng 12/2023 (không bao gồm phần tiền lương và thu nhập tăng thêm do điều chỉnh hệ số tiền lương ngạch, bậc khi nâng ngạch, nâng bậc năm 2024).
Trường hợp tính theo nguyên tắc trên, nếu mức tiền lương và thu nhập tăng thêm năm 2024 theo cơ chế đặc thù, thấp hơn mức tiền lương theo quy định chung, thì chỉ thực hiện chế độ tiền lương theo quy định chung để bảo đảm quyền lợi cho người lao động.
Từ ngày 1/7/2024, bãi bỏ tất cả các cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước, áp dụng chế độ tiền lương, phụ cấp, thu nhập thống nhất.
Đồng thời, không tiếp tục áp dụng cơ chế đặc thù hiện hành đối với phần kinh phí thường xuyên theo cơ chế quản lý tài chính đặc thù (chi hoạt động, tăng cường năng lực, hiện đại hóa, đảm bảo hoạt động chuyên môn,...) của các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước.
Các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương theo quy định.
Tại Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành hôm 4/1 về tăng cường tiết kiệm chi ngân sách nhà nước, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, rà soát, cắt giảm các nhiệm vụ chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai,… dành nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, cũng như thực hiện các nhiệm vụ chi an sinh xã hội và cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội theo Nghị quyết số 27-NQ/TW và Nghị quyết số 28-NQ/TW.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu, trong năm 2024 cắt giảm, tiết kiệm 5% ngay từ đầu năm dự toán chi thường xuyên so với dự toán được giao. Đặc biệt, cần chủ động cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết; giảm các khoản chi tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi công tác trong và ngoài nước, nhất là nghiên cứu, khảo sát nước ngoài…, để tiết kiệm trong cân đối thu chi.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận