Hoàn thành kiểm định 13 đoàn tàu đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông
Cục Đăng kiểm Việt Nam chính thức cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho 13 đoàn tàu điện dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, đơn vị này đã thực hiện xong và cấp kiểm định chính thức cho 13 đoàn tàu, hạng mục liên quan của đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông.
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, việc kiểm tra các đoàn tàu của dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông được thực hiện theo quy chuẩn quốc gia về kiểm tra, nghiệm thu toa xe sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu. Việc kiểm định thực hiện với 23 hạng mục ở trạng thái tĩnh và có cấp điện, kiểm tra vận hành trên tuyến.
Nội dung kiểm tra gồm thực tế tổng thành thiết bị, linh kiện từng đoàn tàu (ở trạng thái tĩnh, chuyển động) và đối chiếu với hồ sơ thiết kế, quy chuẩn kỹ thuật phương tiện đường sắt nhập khẩu. Sau khi hoàn thành kiểm tra, phương tiện đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ được cấp giấy chứng nhận kiểm định để đưa vào lưu hành.
Ngoài các đoàn tàu, dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông nói riêng và các tuyến đường sắt đô thị xây mới nói chung đều phải trải qua khâu đánh giá và được cấp giấy chứng nhận an toàn hệ thống mới được đưa vào vận hành thương mại. Với dự án đường sắt đô thị này, đơn vị được thuê đánh giá an toàn hệ thống là tư vấn tới từ Pháp.
Sau khi tư vấn của Pháp có kết quả đánh giá an toàn hệ thống, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ thẩm định, cấp giấy chứng nhận thẩm định hồ sơ an toàn hệ thống trước khi dự án đi vào khai thác.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có tổng chiều dài hơn 13 km, 12 nhà ga và 13 đoàn tàu. Mỗi đoàn tàu có bốn toa, sức chở hơn 900 người, tối đa 1.326 người, vận tốc thiết kế 80km/h, vận tốc khai thác thương mại trung bình 35km/h. Dự kiến khi đi vào khai thác ở giai đoạn đầu tần suất chạy tàu 6 - 7 phút/chuyến, về sau sẽ nâng lên 2-3 phút/chuyến, mỗi giờ vận chuyển tối đa được 28.500 hành khách. Nhân sự vận hành toàn hệ thống đường sắt Cát Linh - Hà Đông dự kiến gần 700 người. Trong đó, có 200 người được đào tạo ở Trung Quốc. Dự án sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ Trung Quốc với giá trị hơn 669 triệu USD, vốn đối ứng Việt Nam hơn 198 triệu USD. Dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC trọn gói, trong đó Tổng thầu là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc. Thời hạn bảo hành dự án là 2 năm. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận