Hoài nghi về tuyên bố muốn chấm dứt chiến sự Ukraine của ông Putin
Đàm phán hòa bình dường như là điều không tưởng với cục diện chiến trường Ukraine hiện nay, bất chấp tuyên bố muốn chấm dứt xung đột của ông Putin.
Khi xung đột Ukraine bước sang tháng thứ 10, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 22/12 bất ngờ tuyên bố ông sẵn sàng đàm phán hòa bình với Kiev thông qua "giải pháp ngoại giao". Phát biểu của ông khiến nhiều người hy vọng vào kịch bản xung đột Ukraine sẽ sớm chấm dứt.
Ba ngày sau, Tổng thống Putin nhắc lại tuyên bố ông sẵn sàng "đàm phán với bất kỳ ai tham gia vào quá trình này để đưa ra những giải pháp có thể chấp nhận được". Tuy nhiên, giới chuyên gia phương Tây lại bày tỏ hoài nghi về phát biểu này, khi chứng kiến những gì đang xảy ra trên chiến trường Ukraine.
Sau khi Tổng thống Putin bày tỏ mong muốn chấm dứt chiến sự, lực lượng Nga vẫn không ngừng tập kích tên lửa vào cơ sở hạ tầng thiết yếu tại Ukraine nhằm làm sụp đổ hệ thống điện của nước này giữa mùa đông lạnh giá.
Quân đội Nga cũng liên tục tăng sức ép tấn công các thành phố trọng điểm ở vùng Donbass, nhằm giành lợi thế trong mùa đông. Đây là lý do tuyên bố "muốn chấm dứt xung đột" của ông Putin bị Ukraine và Mỹ bác bỏ, cho rằng đây chỉ là một tính toán chiến lược của ông nhằm "câu giờ" trên chiến trường.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba hôm 26/12 nói rằng Kiev muốn các cuộc đàm phán do Liên Hợp Quốc làm trung gian bắt đầu vào tháng 2/2023, nhưng chỉ sau khi Nga đối diện với tòa án quốc tế về tội ác chiến tranh.
Trên thực tế, những bình luận gần đây của Tổng thống Putin không có nhiều khác biệt so với hầu hết tuyên bố mà ông đưa ra trong suốt cuộc xung đột, giới chuyên gia đánh giá.
Ngay cả khi dường như tỏ ý sẵn sàng đàm phán, lãnh đạo Nga cuối tuần qua vẫn từ chối đề cập đến Kiev với tư cách là một bên liên quan đến quá trình thảo luận.
"Những tuyên bố về đàm phán của ông Putin chỉ tập trung vào các cuộc thảo luận tiềm năng với phương Tây hơn là Ukraine, phản ánh quan điểm lâu nay của ông ấy rằng Ukraine chỉ giống như một con tốt thí bị phương Tây lợi dụng", Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), trụ sở ở Mỹ, nhận định.
Tuyên bố mang giọng điệu hòa giải nhưng mơ hồ của Tổng thống Putin cũng mâu thuẫn với thông điệp cứng rắn từ một quan chức hàng đầu dưới quyền ông.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 26/12 khẳng định Kiev phải đáp ứng các yêu cầu của Nga về việc "phi quân sự hóa và phi hạt nhân hóa" các vùng lãnh thổ do Ukraine kiểm soát. Ông cũng yêu cầu Ukraine từ bỏ chủ quyền với 4 vùng lãnh thổ mà Nga đã sáp nhập gần đây.
"Chỉ còn một việc phải làm: Hoàn thành chúng trước khi quá muộn. Nếu không, quân đội Nga sẽ tự giải quyết vấn đề", Ngoại trưởng Lavrov nói. "Quả bóng đang nằm trong chân Washington và chính quyền Mỹ", ông cho biết thêm, một lần nữa ám chỉ Ukraine là "con rối" của Mỹ.
Với những tuyên bố không thống nhất giữa ông Putin với quan chức dưới quyền, Ukraine càng tin rằng đề nghị đàm phán từ Moskva không có nhiều ý nghĩa.
"Ông Putin cần quay trở lại với thực tế", Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, tweet hôm 25/12. "Nga đã đơn phương tấn công Ukraine. Họ không muốn đàm phán mà chỉ cố gắng trốn tránh trách nhiệm".
Mỹ cũng đồng tình với nhận định này. Người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby tuần trước nói với báo giới rằng Tổng thống Putin "hoàn toàn không có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy ông ấy sẵn sàng đàm phán" để chấm dứt xung đột. "Trái lại, mọi thứ ông ấy đang làm trên bộ và trên không đều cho thấy Nga muốn tiếp tục xung đột".
Theo giới phân tích, Điện Kremlin khó có thể coi các cuộc đàm phán hòa bình là con đường thực sự để chấm dứt cuộc xung đột trong tương lai gần, nhưng nó sẽ mang lại lợi ích đáng kể cho Tổng thống Putin nếu Nga thuyết phục được phương Tây thảo luận về chủ đề này.
"Tuyên bố ngày 25/12 của ông Putin là một phần trong chiến dịch thông tin có chủ ý nhằm đánh lạc hướng để phương Tây thúc đẩy Ukraine chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán và đưa ra những nhượng bộ ban đầu", ISW cho hay, thêm rằng Moskva đã đẩy mạnh nỗ lực này từ đầu tháng 12.
Alexander Rodnyansky, cố vấn kinh tế của Tổng thống Zelensky, nhận định những bình luận của Tổng thống Putin cũng có thể nhằm câu giờ.
"Chiến dịch quân sự đã trở thành sai lầm khủng khiếp đối với họ và họ biết điều đó, vì vậy họ cần thêm thời gian để tái tập hợp quân và xây dựng lại lực lượng của mình", Rodnyansky nói, thêm rằng đây còn là chiến lược của Điện Kremlin nhằm ngăn cản phương Tây gửi thêm viện trợ quân sự cho Ukraine. "Chúng ta không được rơi vào cái bẫy đó", ông nhấn mạnh.
Bất kỳ động lực nào dẫn tới một thỏa thuận hòa bình đều có thể khiến phương Tây cân nhắc cắt giảm viện trợ quân sự cho Kiev, trong bối cảnh các nước châu Âu đang đối mặt với khủng hoảng năng lượng và lạm phát leo thang, theo giới quan sát.
Nhưng tình hình thực tế trên chiến trường cũng khiến Ukraine và phương Tây không có động lực chấp nhận nhượng bộ lãnh thổ và trao một "chiến thắng" cho Nga bằng thỏa thuận hòa bình.
Kể từ cuối mùa hè, giao tranh trên bộ ở miền đông và miền nam Ukraine được đánh dấu bởi hàng loạt cuộc phản công quyết định đã giúp Kiev đẩy lùi lực lượng Nga, giúp phương Tây lạc quan rằng Ukraine có thể giành chiến thắng cuối cùng.
Tổng thống Zelensky đã nêu công thức hòa bình 10 điểm của Ukraine cho các lãnh đạo thế giới tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia, hồi tháng 11, trong đó có lộ trình hướng tới an toàn hạt nhân, an ninh lương thực, một tòa án đặc biệt xét xử các hành động của Nga ở Ukraine và một hiệp ước hòa bình cuối cùng với Moskva. Ông cũng kêu gọi các lãnh đạo G20 sử dụng tất cả quyền lực của mình để "khiến Nga từ bỏ những mối đe dọa hạt nhân" và áp giá trần đối với nhiên liệu Nga.
Trong bài phát biểu trước quốc hội Mỹ vào tuần trước, ông Zelensky cho biết Tổng thống Joe Biden đã tán thành kế hoạch này.
Nhưng chấp nhận các điều khoản đó buộc Nga phải xuống thang rất nhiều, trong khi Ukraine khẳng định sẽ không từ bỏ bất kỳ vùng lãnh thổ nào, cũng như không từ bỏ nỗ lực gia nhập NATO và Liên minh châu Âu (EU). Với ủng hộ từ phương Tây vẫn mạnh mẽ, Ukraine sẽ càng kiên định hơn với lựa chọn của mình.
Quân đội Ukraine đang gặt hái nhiều thành công với chiến dịch phản công gần đây. NATO vẫn giữ vững lập trường ủng hộ họ. Mặt khác, Kiev cũng thể hiện rõ ràng quan điểm rằng họ quyết giành lại quyền kiểm soát lãnh thổ như trước thời điểm năm 2014. Những yếu tố này cho thấy một cuộc đàm phán giúp chấm dứt xung đột ở giai đoạn hiện tại là điều khó có thể xảy ra.
Một bước ngoặt quyết định trên chiến trường vào năm mới có thể khiến các bên thay đổi tính toán, nhưng hiện tại, hầu hết các dấu hiệu đều cho thấy cuộc xung đột sẽ kéo dài và biến thành một cuộc chiến tiêu hao tàn khốc.
Chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Zelensky, chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát, cho thấy Kiev vẫn kiên trì mục tiêu thuyết phục các đồng minh đoàn kết ủng hộ họ.
"Đối với tôi, trên tư cách Tổng thống, một nền hòa bình công bằng không bắt nguồn từ việc thỏa hiệp chủ quyền, tự do và toàn vẹn lãnh thổ của chúng tôi", ông Zelensky nói trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Biden tại Nhà Trắng.
Và Tổng thống Biden đã nói với các phóng viên rằng ông và người đồng cấp Ukraine "có chung tầm nhìn" về hòa bình. Mỹ và các đồng minh sẽ tập trung vào nỗ lực tiếp tục "giúp Ukraine thành công trên chiến trường" để "khi Tổng thống Zelensky sẵn sàng ngồi vào bàn thảo luận với người Nga, ông ấy cũng sẽ thành công".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận