Hòa giải thương mại: Lựa chọn hiệu quả cho giải quyết tranh chấp
Thời gian gần đây, bên cạnh các phương thức thông dụng như trọng tài thương mại, hòa giải thương mại nổi lên là phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (ADR) ngày càng được ưa chuộng trong thương mại quốc tế và bắt đầu phổ biến tại Việt Nam.
Tuy hòa giải thương mại có nhiều ưu điểm song việc vận dụng phương thức này trong giải quyết tranh chấp đòi hỏi các bên có một số kỹ năng quan trọng. Vậy, làm thế nào để có thể áp dụng hòa giải thương mại một cách phù hợp? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Ông Phan Trọng Đạt, Phó giám đốc thường trực Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) xung quanh vấn đề này.
PV: Thưa ông, liên quan đến phương thức giải quyết tranh chấp thay thế, đặc biệt là hòa giải thương mại, ông có thể phân tích cụ thể hơn những lợi ích mà doanh nghiệp có thể có được khi lựa chọn phương thức này.
Hòa giải thương mại là một phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả với đặc tính nổi bật là mang lại cho các bên sự thoải mái, linh hoạt trong quá trình giải quyết và giữ được mối quan hệ cá nhân, quan hệ kinh doanh giữa các bên dù có đạt được kết quả hòa giải thành hay không. Bên cạnh đó, phương thức này thông thường sẽ nhanh hơn và tiết kiệm chi phí hơn so với các phương thức truyền thống khác. Ngoài ra, với phương thức hòa giải, nội dung vụ tranh chấp được hoàn toàn giữ bí mật, điều này có thể nói rất có lợi cho các bên, bởi lẽ phần lớn các doanh nghiệp đang hoạt động đều không muốn các đối tác biết rằng mình đang có tranh chấp. Một ưu điểm khác của hòa giải thương mại đó là các bên được tự quyết định về hướng đi và kết quả tranh chấp, không bị lệ thuộc vào bên thứ ba. Việc này sẽ giúp các bên tránh được rủi ro do khó tiên liệu được kết quả giải quyết tranh chấp theo quan điểm của Thẩm phán tại Tòa án, hoặc Hội đồng Trọng tài tại Trọng tài.
PV: Mặc dù có nhiều điểm tích cực như vậy, tuy nhiên, trên thực tế, đây chưa phải là phương thức các doanh nghiệp đưa ra lựa chọn ưu tiên. Vậy, nguyên nhân là gì, thưa Ông?
Cho đến nay phương thức giải quyết tranh chấp bằng hòa giải chưa được nhiều doanh nghiệp chú ý đến đúng với tiềm năng phát triển của nó. Lý do là các thông tin về hòa giải còn hạn chế, các doanh nghiệp không có một cái nhìn toàn diện và cho rằng hòa giải không có quy định và cơ chế ràng buộc thi hành đối với các bên. Một điều đáng quan ngại là doanh nghiệp đang có quan điểm rằng các tranh chấp xảy ra chính những người trong cuộc còn chưa thương lượng được, vậy thì sự tham gia của một người thứ ba liệu có khả thi không. Hay có doanh nghiệp phân vân nếu hòa giải xong mà một bên không chịu thi hành thì sẽ như thế nào. Xin lưu ý với quý vị, hòa giải viên – người tiến hành hòa giải, là người có kiến thức chuyên môn, được đào tạo bài bản kỹ năng về hòa giải và là những người có uy tín, có tiếng nói trong cộng đồng. Trong quá trình hòa giải, Hòa giải viên sử dụng kỹ năng và chuyên môn của mình, vừa lắng nghe các bên vừa hỗ trợ các bên tiến tới điểm lợi ích chung, đạt được tiếng nói chung trong vụ tranh chấp. Như vậy, một cách tự nhiên, các bên được với sự dẫn dắt của Hòa giải viên, chủ động quyết định và hoàn toàn thoải mái với kết quả hòa giải, điều này cũng giúp các bên hài lòng và tự nguyện thi hành kết quả hòa giải thành. Đối với quan ngại về rủi ro còn lại khi không chấp nhận thi hành thì đã có quy định pháp luật làm bệ đỡ vững chắc, cụ thể chúng ta đã có chương 33 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015 quy định về công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án.
PV: Vậy, để doanh nghiệp có thể bắt đầu áp dụng và tận dụng được những ưu điểm nói trên của hòa giải thương mại, ông có lưu ý gì cho doanh nghiệp?
Khi đã nhận thức được rõ những giá trị gia tăng mà hòa giải thương mại mang lại thì điều đầu tiên doanh nghiệp nên làm đó là tại thời điểm ký kết hợp đồng – ngay cả khi chưa có tranh chấp phát sinh, nên đưa vào hợp đồng điều khoản khuyến nghị giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại. Bởi lẽ, đây là thời điểm lý tưởng để các bên có thể cân nhắc và thỏa thuận trước về phương thức tối ưu hiệu quả cho những tranh chấp không mong muốn trong tương lai. Nếu không đưa vào hợp đồng thì khi tranh chấp phát sinh, nhiều khả năng sẽ rất khó đàm phán để thống nhất đưa ra hòa giải. Thêm nữa, tâm thế của các bên khi bắt đầu hòa giải yêu cầu một sự thiện chí cao, không nên đặt nặng vào kết quả rằng phải thắng.
Xin cảm ơn ông!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận