Hoá đơn điện tử: Giải pháp căn cơ chống gian lận, thất thu thuế
Theo đại diện Tổng cục Thuế, việc áp dụng hoá đơn điện tử sẽ giảm được rất nhiều hóa đơn trôi nổi, gian lận trên thị trường và bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Thời gian qua, có một số doanh nghiệp lợi dụng sự thông thoáng của cơ chế, chính sách để sử dụng hóa đơn không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp hóa đơn nhằm gian lận, trốn thuế, gây ra tình trạng thất thu cho ngân sách Nhà nước. Do đó, việc triển khai hóa đơn điện tử với những tiện ích nổi bật, được kì vọng sẽ góp phần ngăn chặn nạn mua bán hóa đơn bất hợp pháp khi triển khai rộng rãi trên toàn quốc. Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức khi áp dụng hình thức hóa đơn mới này, đòi hỏi những biện pháp đồng bộ trong hoàn thiện cơ sở pháp lý và thanh kiểm tra thường xuyên từ cơ quan thuế, nhằm đảm bảo sự minh bạch trong môi trường kinh doanh.
Kinh nghiệm quốc tế
Các quốc gia trên thế giới đã áp dụng hóa đơn điện tử từ rất lâu, nhất là các quốc gia thuộc liên minh châu Âu; ở châu Á có điển hình là Trung Quốc, còn các doanh nghiệp ở châu Mỹ thì có những cách tiếp cận hóa đơn theo ngưỡng được quy định riêng.
Theo nghiên cứu công bố vào tháng 12/2021 của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho thấy, tại nhiều quốc gia, đối tượng áp dụng hóa đơn điện tử chủ yếu là doanh nghiệp, người bán hàng dịch vụ và nhà cung cấp. Việc lập hóa đơn điện tử được áp dụng đối với các đối tượng giao dịch giữa doanh nghiệp và chính phủ, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp với khách hàng cá nhân.
Ví dụ tại Thụy Điển, hóa đơn điện tử được đưa vào triển khai từ cuối những năm 1980 và đối tượng là doanh nghiệp. Sau khi Ủy ban châu Âu xác định, hóa đơn điện tử trở thành một phần của kế hoạch hành động châu Âu điện tử, thì đến năm 2014, liên minh châu Âu đã ban hành một số chỉ thị quy định chính quyền hành chính ở 28 quốc gia thành viên đến năm 2018 phải sử dụng hóa đơn điện tử.
Trong khi đó, ở khu vực châu Á Thái Bình Dương việc áp dụng hóa đơn điện tử đang ở các giai đoạn khác nhau, với mục đích tạo điều kiện cho việc tuân thủ pháp luật thuế và cải thiện số thu thuế. Tại Trung Quốc, cùng với việc cải cách quản lý thuế, cơ quan chức năng đã điện tử hóa con dấu, chữ ký vào hóa đơn, thông qua công cụ xác nhận danh tính, giúp đảm bảo độ chính xác về thông tin. Cho đến nay, Trung Quốc đã áp dụng hóa đơn điện tử cho tất cả các doanh nghiệp, mỗi hóa đơn đều có mã QR, con dấu của cơ quan thuế và hệ thống ký mã hiệu dùng để quét thông tin trên từng hóa đơn. Thông qua hóa đơn điện tử, cơ quan thuế có thể kiểm tra được lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp theo lộ trình. Trung Quốc là một trong những nước đang thực hiện xây dựng Cục thuế điện tử, nhằm thực hiện chiến lược số hóa quốc gia.
Bên cạnh đó, mỗi quốc gia cũng có cách thức thiết lập hóa đơn điện tử riêng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế và cơ quan thuế. Một số quốc gia như Hàn Quốc, Indonesia áp dụng hình thức hóa đơn điện tử bắt buộc đối với tất cả các doanh nghiệp, trong khi Mexico hay Chile yêu cầu áp dụng đối với một số nhóm doanh nghiệp có doanh thu trên ngưỡng quy định. Còn với Đan Mạch, chỉ bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử trong một số loại hình giao dịch.
Ngoài ra để thúc đẩy hoạt động hóa đơn điện tử, một số nước áp dụng cơ chế khuyến khích, như cho phép giảm trừ vào nghĩa vụ thuế một số tiền nhất định cho mỗi hóa đơn điện tử sử dụng. Ngược lại đối với những quốc gia yêu cầu bắt buộc, thì thường có chế tài đối với trường hợp không tuân thủ.
Nhiều rủi ro phải giải quyết
Tại Việt Nam, bất chấp nhiều đường dây tội phạm đã bị bắt giữ, tình trạng buôn bán hóa đơn đỏ vẫn diễn ra ngang nhiên, nhức nhối, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước. Các cơ quan chức năng cho biết đang tích cực phối hợp nhiều giải pháp để xử lý vấn đề này, trong đó đẩy mạnh hóa đơn điện tử có thể là một biện pháp hữu hiệu, căn cơ.
Trung tâm Giám sát hệ thống công nghệ thông tin Tổng cục Thuế. Ảnh: TTXVN
Thống kê của Tổng cục Thuế trong hai năm gần đây, cơ quan thuế trên cả nước đã phối hợp với cơ quan điều tra ngăn chặn và triệt phá không ít đường dây mua bán hóa đơn khống, lên tới hàng nghìn tỷ đồng, củnng cố hồ sơ chuyển cho cơ quan công an hàng trăm trường hợp có dấu hiệu vi phạm. Trong đó, năm 2019 có 135 trường hợp và năm 2020 có 162 trường hợp, đến năm 2021, tình trạng này vẫn diễn biến phức tạp.
Theo Tổng cục Thuế, việc mua bán hóa đơn trái phép gây thất thoát không ít tiền thuế nộp vào ngân sách nhà nước, do doanh nghiệp mua khai khống đầu vào, đầu ra để giảm số tiền nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp, đồng thời gây nên tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp, mất tính công bằng trong môi trường kinh doanh.
Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế nhấn mạnh, với tình trạng hóa đơn giấy, rất nhiều doanh nghiệp đưa lên những nội dung không đúng. Ví dụ như một bản hợp đồng, nhưng 5-6 doanh nghiệp đều tham gia với tờ hóa đơn giấy, để đặt vào ngân hàng vay vốn.
“Rõ ràng, với việc như vậy, nền kinh tế của chúng ta đang phản ánh bức tranh không thực, vốn tín dụng được giải ngân ra thị trường cũng không thực. Vì thế tôi tin với hóa đơn điện tử, tuyệt đối thì chưa dám khẳng định, nhưng sẽ giảm được rất nhiều hóa đơn trôi nổi, gian lận trên thị trường và bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính”, ông Phụng bày tỏ tin tưởng.
Vừa qua, Tổng cục Thuế đã yêu cầu các cục thuế, chi cục thuế thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý thuế và công tác phối hợp với các cơ quan liên quan để xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về hóa đơn. Trong đó, áp dụng hóa đơn điện tử là một giải pháp trọng yếu, nhằm tạo thuận lợi đối với công tác thanh tra, kiểm tra thuế, truy lần hóa đơn và xử lý các sai phạm kịp thời. Việc thực hiện hoàn toàn bằng máy tính trên hệ thống các phần mềm quản lý, nên thông tin được kê khai chính xác, cùng các mã số cụ thể, riêng biệt và bảo mật, giúp cơ quan quản lý kiểm soát, theo dõi được sát sao tình hình sử dụng hóa đơn của các doanh nghiệp, qua đó ngăn chặn được các hành vi mua bán hóa đơn, trốn thuế gây thất thu ngân sách nhà nước.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định, hóa đơn được ghi nhận vào dữ liệu cho nên đó là một xác thực rất chính xác cho một giao dịch, giúp tránh tình trạng những doanh nghiệp mua hàng hóa, hay sử dụng dịch vụ mà sử dụng các hóa đơn bất hợp pháp, cái này rủi ro cho hoạt động doanh nghiệp rất lớn.
Mặc dù thuận tiện, nhanh chóng khi sử dụng hóa đơn điện tử, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn băn khoăn về những rủi ro khi sử dụng hóa đơn mới, khi chưa đáp ứng được quy chuẩn hạ tầng công nghệ thông tin, hay lựa chọn nhầm các bên trung gian cung cấp dịch vụ không uy tín.
Giải đáp những vướng mắc này, đại diện Tổng cục Thuế cho rằng, một trong những yếu tố quyết định đến sự thành công khi triển khai hóa đơn điện tử, là lựa chọn đúng các bên cung cấp giải pháp hóa đơn số, việc này Tổng cục Thuế đã có những hướng dẫn cụ thể dành cho các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Phụng nhấn mạnh, doanh nghiệp cần chọn được một nhà cung cấp chuẩn cho mình. “Trước hết phải là những đơn vị có phần mềm về hóa đơn điện tử gắn với phần mềm bán hàng hóa. Thứ hai là những doanh nghiệp nào thường xuyên được cơ quan thuế tín nhiệm, đã được xếp hạng rồi thì sẽ yên tâm. Thứ ba là các doanh nghiệp, mà khi khách hàng yêu cầu xem họ có hệ thống hạ tầng không, có kho dữ liệu không, nếu không có thì có thuê không và thuê của ai. Doanh nghiệp phải tìm hiểu những thông tin đó để tìm ra được những nhà cung cấp tốt, tránh tình trạng những bên "tay không bắt giặc”, chỉ có một vài chuyên ngành, nhưng cũng dịch vụ hóa đơn điện tử mà không có gì trong tay, không có kế toán, phần mềm, luật sư, hạ tầng,... cần phải cảnh giác với những đơn vị như vậy”, ông Phụng khuyến nghị.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận