Hòa Bình thiếu nước nghiêm trọng, hàng triệu dân Hà Nội lo lắng
Sản lượng điện thiếu hụt trong tháng 5 dự kiến so với nhu cầu 100 triệu kWh, tương đương 0,5 tỉ m3 nước, và tình hình nghiêm trọng hơn vào tháng 6 nên việc cấp điện cũng như nước sinh hoạt cho Nhà máy nước Sông Đà gặp nhiều khó khăn.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có văn bản gửi các bộ, ngành liên quan tình hình cấp nước gieo cấy vụ Đông Xuân và đảm bảo cấp nước, cấp điện trong năm 2020.
Theo đó, lịch lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân tại Bắc Bộ sẽ tiến hành từ tháng 1 đến tháng 2. Tuy nhiên, tình trạng khô hạn và lượng nước thiếu hụt lên tới 7,2 tỉ m3, dự báo tình hình khô hạn tiếp tục xảy ra.
Đặc biệt, hồ Hòa Bình đang phải duy trì vận hành xả nước xuống hạ du với lưu lượng trung bình ngày không nhỏ hơn 400 m3/s để đáp ứng cho nhà máy nước sạch sông Đà. Vì vậy, đến thời điểm trước khi xả nước, hồ Hòa Bình sẽ thiếu hụt thêm khoảng 300 triệu m3 nước nên việc đảm bảo cấp nước cho gieo cấy vụ Đông Xuân và những tháng còn lại khó khăn.
Lý do, theo tính toán của EVN, nếu xả nước như yêu cầu trên, tổng lượng nước xả từ các hồ thủy điện trong 3 đợt khoảng 4,3 tỉ m3. Như vậy, hồ Hòa Bình sẽ giảm từ mức 102,5m về 84,46m (cách mực nước chết chỉ 4,46m).
Với công suất 1920 MW, Nhà máy điện Hòa Bình đóng vai trò rất quan trọng trong vận hành hệ thống điện quốc gia cũng như đảm bảo yêu cầu cấp nước sạch cho TP Hà Nội.
Do đó, việc vận hành hồ thủy điện Hòa Bình phải đáp ứng được nhu cầu phụ tải tăng cao trong cao điểm mùa khô tháng 5, 6 và chống quá tải trong một số trường hợp. Tức Nhà máy điện Hòa Bình cần phải có công suất tối thiểu 1.700 - 1.920 MW, tương ứng mức nước giữ trong hồ 91,5 - 101m.
Bên cạnh đó, Nhà máy thủy điện Hòa Bình còn có nhiệm vụ đảm bảo cấp nước cho Nhà máy nước sạch Sông Đà. Theo ước tính của EVN, để đảm bảo việc này, sản lượng phải huy động từ Nhà máy thủy điện Hòa Bình dao động 11 - 13 triệu kWh/ngày, tương đương 55 - 65 triệu m3 nước/ngày.
Với mực nước hồ Hòa Bình dự kiến sụt giảm xuống 84,5m, EVN đánh giá việc nâng mức nước hồ Hòa Bình phụ thuộc vào vận hành hồ Sơn La. Song dự kiến hồ Sơn La sẽ điều tiết xuống mức nước chết vào thời điểm giữa tháng 5 và khi đó hồ Hòa Bình sẽ không còn đảm bảo nhiệm vụ sản xuất điện và cấp nước.
Vì vậy, sản lượng điện thiếu hụt trong tháng 5 dự kiến so với nhu cầu 100 triệu kWh. Tình hình này sẽ trở nên nghiêm trọng hơn trong tháng 6 do hồ Sơn La đã về mức nước chết và không thể hỗ trợ điều tiết cho hồ Hòa Bình.
Lượng điện dự kiến thiếu hụt trong tháng 6 là 300 triệu kWh.
Để đảm bảo cân đối nguồn nước, EVN đề nghị Bộ Tài nguyên - môi trường cho hồ Hòa Bình, Sơn La, Thác Bà, Tuyên Quang vận hành đáp ứng các ràng buộc kỹ thuật của lưới điện miền Bắc, lưu lượng xả xuống hạ lưu nhỏ hơn, trong đó hồ Hòa Bình vận hành đảm bảo lưu lượng xả xuống hạ du trung bình ngày không nhỏ hơn 400 m3/s.
Mực nước các hồ Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà duy trì ở mức thấp hơn so với quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng được phê duyệt.
EVN cũng đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét giảm số ngày xả lấy nước và duy trì mực nước tại Hà Nội như điều kiện vận hành bình thường. Công bố tình trạng hạn hán, thiếu nước và khắc phục tình trạng hạn hán, chủ động lấy nước, lắp đặt các trạm bơm dã chiến.
Đặc biệt, tập đoàn cũng kiến nghị Bộ Công thương sớm báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị về tiết kiệm điện trong tình huống đặc biệt trong mùa khô 2019-2020.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận