Hỗ trợ giảm phí, lệ phí: 3 kiến nghị, 6 đề xuất của Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không
Ông Phạm Việt Dũng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàng không Việt Nam trao đổi với DĐDN, kiến nghị mức giảm phí, lệ phí nhiều mục cần nâng lên 50%, chứ không phải 10% như Dự thảo.
Tiếp tục những thông tin về dự thảo Thông tư quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, ứng phó với dịch COVID-19, theo công văn số số 5377/BTC-CST của Bộ Tài chính, ông Phạm Việt Dũng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàng không Việt Nam đã có cuộc trao đổi.
- Xin ông cho biết, Hiệp hội có quan điểm thế nào về Dự thảo Thông tư hỗ trợ giảm các khoản phí, lệ phí cho các doanh nghiệp, trong đó có lĩnh vực hàng không?
Việc Bộ Tài chính ban hành dự thảo Thông tư nói trên đã thể hiện tinh thần cảm thông với khó khăn của các doanh nghiệp nói chung và lĩnh vực hàng không nói riêng. Từ đó, đưa ra đề xuất giảm phí, lệ phí đối với nhiều khoản mục có liên quan trực tiếp và gián tiếp tới hoạt động của ngành.
Trên thực tế, từ khi dịch bệnh bùng phát ở Việt Nam vào đầu năm 2020, Nhà nước, trong đó có Bộ Tài chính đã có nhiều quyết định hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không vượt qua các khó khăn. Đây là những quyết định rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay, giúp các doanh nghiệp hàng không duy trì tính thanh khoản khi doanh thu giảm sút, trong khi các khoản chi phí cố định vẫn ở mức rất cao.
Tuy nhiên, việc giảm các khoản phí, lệ phí cho doanh nghiệp không thể là giải pháp lâu dài, bởi nó không chỉ ảnh hưởng tới thu ngân sách, mà còn ảnh hưởng tới điều kiện để nâng cao chất lượng các dịch vụ gắn với những khoản phí, lệ phí này.
Theo tôi, riêng đối với ngành hàng không có những điểm chưa phù hợp, ở những khía cạnh chủ yếu sau:
Việc giảm số lượng khách nói chung và số lượng khách bay mỗi chuyến khiến mức phí, lệ phí phân bổ cho mỗi hành khách tăng lên, ảnh hưởng tới sức mua, tạo ra tác động ngược với các biện pháp thu hút khách bay của các doanh nghiệp, đặc biệt là các hãng bay. Trong khi các hãng bay phải tìm cách hạ giá vé, xu hướng trên làm mức lỗ trên mỗi khách bay tăng lên.
Vì vậy, chúng tôi đề nghị các mức giảm phí, lệ phí liên quan trực tiếp tới hoạt động của các hãng bay (mục 14, mục 15, mục 16) là 50% chứ không phải chỉ là 10% như quy định trong Dự thảo Thông tư.
Trước đó, nhiều chính sách ban hành năm 2020 dự kiến chỉ có hiệu lực tới hết năm 2020 nhưng đã lần lượt được gia hạn, kéo dài thời gian hiệu lực. Đương nhiên, những quy định tại Thông tư này, sau khi hết thời gian có hiệu lực, vẫn có thể được gia hạn hoặc kéo dài nếu tình hình vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Nhưng để doanh nghiệp có thể chủ động xây dựng được kế hoạch ứng phó nhất quán hơn, thì Chính phủ nên quy định thời gian có hiệu lực thích hợp ngay từ đầu.
Chúng tôi đề nghị kéo dài thời gian thực hiện chính sách giảm phí/ thuế cho tới hết năm 2022, ít nhất là tới 30/6/2022.
Doanh nghiệp Hàng không đề nghị mức giảm phí, lệ phí liên quan trực tiếp tới hoạt động của các hãng bay (mục 14,15,16) là 50% chứ không phải chỉ là 10% như quy định trong Dự thảo
- Kỳ vọng của ngành hàng không trong giai đoạn tới là gì và nếu dịch bệnh vẫn tiếp tục phức tạp, thì cần có biện pháp gì thêm để giữ và kích thích hoạt động, thưa ông?
Trong ngắn hạn, triển vọng của ngành hàng không thế giới vẫn sẽ chưa sáng sủa. Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) dự báo, sản lượng vận chuyển khách toàn cầu bằng đường hàng không năm 2021 chỉ bằng 33% so với năm 2019. Khả năng, thị trường hàng không thế giới đến năm 2024 mới có thể phục hồi quy mô như giai đoạn trước dịch.
Nhiều chuyên gia đã đưa ra nhận định, tốc độ phục hồi phụ thuộc vào việc các nước triển khai tiêm vaccine ngừa COVIDd-19. Với giả định, các nước có thể thực hiện được kế hoạch này, thì ngành hàng không thế giới mới có thể gượng dậy từ nửa cuối năm 2021. Nhưng nhiều người vẫn cho rằng, mục tiêu ưu tiên của các hãng hàng không vẫn là “cố để sống sót hơn là kỳ vọng phát triển”.
Đối với ngành hàng không Việt Nam, 2021 vẫn là một năm khó khăn, xu hướng này có thể vẫn kéo dài tới giữa năm 2022. Để các doanh nghiệp hàng không có thể chủ động thực hiện những giải pháp của mình, Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện những biện pháp sau:
Xử lý nghiêm khắc hơn các trường hợp vi phạm các quy định về phòng, chống dịch. Những biện pháp chế tài hiện tỏ ra chưa đủ kiên quyết, chưa đủ mạnh, chưa tương xứng với hậu quả do các hành vi vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh.
Đầu tư mạnh và có hiệu quả hơn nữa cho việc nghiên cứu phòng ngừa dịch bệnh và chữa các bệnh xuất phát từ dịch bệnh (cả cho trước mắt và lâu dài).
Xin cảm ơn ông!
Mức giảm phí, lệ phí đối với ngành Hàng không:
Mục 14: Phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay: Bằng 90% mức thu phí quy định tại Điều 4 Thông tư số 247/2016/TT-BTC.
Mục 15: Phí hải quan, lệ phí ra, vào cảng hàng không, sân bay đối với chuyến bay của nước ngoài đến các Cảng hàng không Việt Nam: Bằng 90% mức thu phí, lệ phí quy định tại Điều 4 Thông tư số 194/2016/TT-BTC.
Mụcc 16: Phí thẩm định cấp chứng chỉ, giấy phép, giấy chứng nhận trong hoạt động hàng không dân dụng; cấp giấy phép ra vào khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay: Bằng 80% mức thu phí quy định tại Mục VI và Mục VIII Phần A Biểu mức thu phí, lệ phí trong lĩnh vực hàng không ban hành kèm theo Thông tư số 193/2016/TT-BTC.
Riêng nội dung thu tại các số thứ tự: 4.1, 4.2, 4.3, 4.4, 4.5.1, 5, 6 của Mục VI và số thứ tự 4 của Mục VIII phần A: Bằng 100% mức thu phí tương ứng quy định tại Mục VI và Mục VIII Phần A Biểu mức thu phí, lệ phí trong lĩnh vực hàng không ban hành kèm theo Thông tư số 193/2016/TT-BTC.
(Trích Dự thảo Thông tư)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận