Hỗ trợ doanh nghiệp, cân đối để có thêm nguồn lực cho ngân sách
Bên cạnh thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, ngành Tài chính cần thực hiện tốt việc quản lý thu.
“Từ nay tới cuối năm, tăng cường chống chuyển giá, trốn lậu thuế; đôn đốc thu hồi các khoản nợ đọng thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế; thực hiện nghiêm kỷ luật ngân sách, ‘thắt lưng buộc bụng’ trong chi tiêu thường xuyên, mạnh tay cắt giảm, thu hồi các khoản chi không cần thiết, chậm triển khai thực hiện...”, ông Lê Xuân Trường đề xuất.
Giải quyết vướng mắc nhanh cho doanh nghiệp
Theo Bộ Tài chính, thu ngân sách Nhà nước (NSNN) trong 9 tháng năm 2021 ước đạt 1.077,4 nghìn tỷ đồng, bằng 80,2% dự toán. Tuy nhiên tháng 9/2021, nguồn thu nội địa, thu thuế xuất nhập khẩu đều giảm mạnh so với tháng trước do bùng phát đại dịch COVID-19 và lệnh giãn cách xã hội kéo dài.
Riêng tại Thành phố (TP) Hồ Chí Minh, thu ngân sách 9 tháng năm nay ước đạt hơn 279.000 tỷ đồng, bằng 76,5% dự toán. Doanh nghiệp và nền kinh tế thành phố gặp nhiều khó khăn, thách thức nên khả năng kế hoạch thu ngân sách thành phố năm 2021 có khả năng năng không hoàn thành.
Theo Bộ Tài chính, lũy kế thu NSNN 9 tháng năm nay đạt 1.077,4 nghìn tỷ đồng, bằng 80,2% dự toán, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020 nhờ đà tăng trưởng những tháng cuối năm 2020. “Trong 3 tháng cuối năm, ngành Hải quan tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo thuận lợi thương mại gắn với các biện pháp chống thất thu ngân sách, nỗ lực thu đạt 335.000 tỷ đồng trong năm 2021, vượt chỉ tiêu dự toán cả năm 20.000 tỷ đồng”, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, ông Nguyễn Văn Cẩn cho biết.
Lãnh đạo Hải quan tính toán: Trong 3 tháng cuối năm sẽ là giai đoạn mà số thu ngân sách giảm mạnh, ước giảm ít nhất 30 - 35%, nhất là 19 tỉnh phía Nam (hiện chiếm 51,6%/tổng thu của toàn ngành).Ví dụ tại TP.Hồ Chí Minh, sau ngày 1/10, các doanh nghiệp muốn hoạt động trở lại phải đáp ứng 9 tiêu chí, trong khi đó những doanh nghiệp đáp ứng đủ 9 tiêu chí này thật sự rất ít. Bên cạnh đó, do tác động của đại dịch COVID-19 nhu cầu giảm, doanh thu giảm, chi phí tăng, lưu thông hàng hóa khó khăn, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, thiếu lao động và chuyên gia, khó tiếp cận chính sách hỗ trợ…
Đại diện Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) cho biết: Số thu kể từ khi 19 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện giãn cách xã hội do dịch COVID - 19 theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạt bình quân 950 - 1.100 tỷ đồng/ngày, giảm 32,2%/ngày (bình quân 6 tháng đầu năm thu 1.623 tỷ đồng/ngày). Số thu này sẽ tiếp tục giảm ở quý 4/2021 do các lô hàng ký hợp đồng trước khi dịch bùng phát đã về hết trong 3 quý đầu năm. Trong khi đó, hiện rất nhiều doanh nghiệp đã dừng sản xuất và sẽ không có các hợp đồng phát sinh trong quý 4/20221.
Từ nay tới cuối năm, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành thực hiện nghiêm Chỉ thị số 215/CT-TCHQ, trong đó, chú trọng thực hiện đồng bộ 3 nhóm giải pháp tạo thuận lợi thương mại, chống thất thu và tập trung nắm bắt giải quyết nhanh các vướng mắc cho doanh nghiệp. Các Cục hải quan tỉnh, thành phố cần tập trung rà soát, nắm chắc tình hình nợ thuế; phân loại các nhóm nợ có khả năng thu, nợ không có khả năng thu, tổ chức thực hiện thu hồi và xử lý nợ thuế đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu thu hồi nợ được giao.
Đối với giải pháp tăng thêm nguồn thu nội địa, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho rằng: Nhiệm vụ thu năm 2021 được Quốc hội, Chính phủ giao cho ngành Thuế là 1.167.400 tỷ đồng. Như vậy quý 4/2021, ngành Thuế phải thu tối thiểu 260.400 tỷ đồng, bình quân mỗi tháng phải thu hơn 86.800 tỷ đồng. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.
“Từ nay đến cuối năm, ngành Thuế phải đánh giá rõ các khoản thu ngân sách, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thu NSNN, bên cạnh việc tiếp tục hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, cũng như động viên các doanh nghiệp nộp thuế đủ số tiền gia hạn thuế khi đến hạn, nhất là các doanh nghiệp khó khăn”, ông Cao Anh Tuấn cho biết. Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các Cục Thuế tiếp tục bám sát diễn biến thu NSNN theo từng khoản thu, sắc thuế, tích cực đôn đốc các tổ chức nộp các khoản thuế đã hết thời gian gia hạn (khoảng 42.300 tỷ đồng); tăng cường đơn đốc thu hồi nợ thuế; đôn đốc thu các khoản thuộc ngân sách Trung ương như: Tiền sử dụng đất, thu phí, lệ phí trung ương, thu cổ tức, lợi nhuận còn lại, thu chênh lệch thu chi của Ngân hàng Nhà nước.
Phát hành thêm trái phiếu Chính phủ; tăng quy mô gói hỗ trợ để cứu doanh nghiệp
Trong bối cảnh nguồn thu eo hẹp, nhiều doanh nghiệp kiệt quệ, một số chuyên gia kinh tế đề xuất giải pháp có tính chất cấp bách, đột phá để hỗ trợ doanh nghiệp, từ đó nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách. Theo đó, Bộ Tài chính có thể phát hành thêm trái phiếu Chính phủ để có thêm nguồn chi; xem xét việc nâng trần nợ công quốc gia để tăng quy mô các gói hỗ trợ ứng phó COVID-19
Theo TS Cấn Văn Lực - cố vấn cấp cao chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV, trong bối cảnh nguồn thu bị ảnh hưởng bởi đại dịch, doanh nghiệp khó khăn, Bộ Tài chính phải cân đối, co kéo thêm để có nguồn chi. “Bộ có thể phát hành thêm trái phiếu Chính phủ, vay nợ thêm để có nguồn chi, chấp nhận bội chi ngân sách, nợ công cao hơn một chút nhưng vẫn trong kiểm soát. Điều này không ảnh hưởng quá lớn đến nền kinh tế, nhiều nước họ cũng đang áp dụng chính sách này. Tại Mỹ thâm hụt ngân sách, nợ công đã tăng kỷ lục”, ông Cấn Văn Lực đề xuất.
Thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra nhiều gói hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động. Gần đây nhất là Nghị quyết 105 để hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh được Chính phủ ban hành với nhiều điểm mới để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên theo ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), quy mô các gói hỗ trợ mới đạt khoảng 2,2% GDP, mức khá thấp so với các nước trong khu vực như Thái Lan (15,6% GDP); Malaysia (8,8% GDP)…
“Tổng nợ công trên GDP của Việt Nam đang ở mức thấp nên cần xem xét nâng trần nợ công là giải pháp hợp lý, tạo nguồn ngân sách phục vụ mục tiêu tăng trưởng, khôi phục kinh tế, mở rộng quy mô các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp. Với GDP ước tính năm 2020 của Việt Nam là gần 6,3 triệu tỷ đồng, các gói hỗ trợ có thể mở rộng tới 4% GDP, tương đương 250.000 tỷ đồng”, Chủ tịch VCCI đề xuất.
“Gói hỗ trợ tài khóa Chính phủ triển khai vừa qua chưa đủ lớn, vẫn còn dư địa để phát hành trái phiếu Chính phủ, vay nợ từ Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vì hiện các tổ chức này đều có quỹ cho các nước vay để phòng chống dịch bệnh.
Đề bù đắp hụt thu NSNN trong bối cảnh dịch COVID-19, đại diện Bộ Tài chính cho biết: Bộ Tài chính đang phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp kiểm soát dịch bệnh, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực thúc đẩy và phục hồi tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm, qua đó tạo thêm nguồn thu cho NSNN…
Bên cạnh đó là tăng cường công tác quản lý thu, đôn đốc xử lý, thu hồi nợ đọng, phấn đấu tăng thu ở những lĩnh vực, địa bàn có điều kiện, để bù đắp số giảm thu do ảnh hưởng của dịch bệnh, có thêm nguồn lực chi cho phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân, bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm cân đối ngân sách nhà nước năm 2021.
"Việc ban hành các chính sách hỗ trợ là giải pháp ngắn hạn để trợ giúp cho người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch gây ra. Giải pháp tốt nhất và lâu dài với người dân, doanh nghiệp là hoạt động sản xuất kinh doanh và cuộc sống cần sớm trở lại bình thường. Để khôi phục nền kinh tế, điều quan trọng nhất đối với doanh nghiệp là thị trường, vốn, là lao động, phục hồi sản xuất kinh doanh. Còn với người lao động là công ăn việc làm và thu nhập. Đây là nhu cầu rất chính đáng. Do đó, Việt Nam cần phải chống dịch thật tốt để từng bước mở cửa thị trường, kích cầu tiêu dùng", Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết.
Theo Bộ Tài chính, chính sách chi NSNN được quản lý và điều hành theo hướng tiết kiệm, chặt chẽ, ưu tiên phân bổ và đảm bảo nguồn lực NSNN cho phòng, chống dịch; thực hiện các nhiệm vụ trọng yếu của đất nước; đảm bảo an sinh xã hội; ưu tiên thúc đẩy giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công nhằm góp phần phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Để kiểm soát bội chi, hàng loạt các giải pháp cắt, giảm, tiết kiệm chi đã được thực hiện như: Các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã rà soát cắt giảm kinh phí hội nghị, công tác phí trong và ngoài nước; tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên; đồng thời, tạm hoãn việc điều chỉnh mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận