menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Long Giang

Hồ sơ WikiLeaks Julian Assange là ai?

Vụ bắt giữ Julian Assange vào giữa tuần trước làm nóng lại những thái độ rất trái ngược nhau về người sáng lập WikiLeaks: ông ta là một anh hùng chuyên vạch trần các bí mật của nhiều nước hay chỉ là một kẻ vô chính phủ, một tội phạm thời kỹ thuật số đã gián tiếp gây ra nhiều tổn thất do tham vọng tiết lộ bí mật chỉ để nổi tiếng của ông ta?

Vụ bắt giữ Julian Assange vào giữa tuần trước làm nóng lại những thái độ rất trái ngược nhau về người sáng lập WikiLeaks: ông ta là một anh hùng chuyên vạch trần các bí mật của nhiều nước hay chỉ là một kẻ vô chính phủ, một tội phạm thời kỹ thuật số đã gián tiếp gây ra nhiều tổn thất do tham vọng tiết lộ bí mật chỉ để nổi tiếng của ông ta?

Assange lúc còn sống ở Úc.

Julian Assange, năm nay 47 tuổi, sinh ra và lớn lên ở Úc. Ngay từ nhỏ Assange đã cùng hai người bạn lập nhóm chuyên đột nhập vào các hệ thống máy tính để phá phách vì cho rằng cuộc sống ở một thành phố nhỏ của Úc quá ư buồn chán. Năm 1991, lúc mới 20 tuổi, Assange bị cáo buộc một danh sách dài những tội liên quan đến truy cập mạng máy tính trái phép nhưng sau đó chỉ bị phạt và cảnh cáo. Quan tòa thời đó cho rằng anh ta chỉ tò mò một cách thông minh, tìm niềm vui bằng cách lướt qua các máy tính từ xa.

Ngay từ lúc đó, theo tờ New York Times, Assange và các người bạn tránh xa chuyện ăn cắp hay phá hoại trên mạng mà chỉ muốn tung thông tin ra bên ngoài như một biểu hiện của chủ nghĩa lý tưởng. Họ đặt ra những quy tắc vàng trong hoạt động tin tặc: Không phá hủy hệ thống máy tính mình đột nhập; không thay đổi thông tin của những hệ thống này; chia sẻ thông tin rộng rãi.

Đến năm 2006, Assange thành lập WikiLeaks như một tổ chức chuyên xuất bản các thông tin mật do các nguồn ẩn danh cung cấp; lúc này anh ta sống cuộc đời du mục, đi khắp thế giới, chẳng hạn năm 2008 anh đến sống ở vùng Đông Phi, rồi xuất bản các tài liệu vạch trần nạn tham nhũng ở Kenya. Đến lúc này WikiLeaks đã xuất bản hơn một triệu tài liệu mật, kể cả các tài liệu về cuộc chiến tranh ở Iraq, nhà tù Guantánamo.

Điểm đặc biệt, WikiLeaks cũng cho xuất bản những thứ hổ lốn khác như một bản thảo kịch bản phim Indiana Jones, tờ khai thuế của diễn viên điện ảnh Wesley Snipes hay tài liệu lấy từ giáo phái Mormon hay hội thánh Scientology.

Đỉnh điểm của WikiLeaks xuất hiện cùng Chelsea Manning, một nhân viên phân tích tình báo của quân đội Mỹ đóng quân ở Iraq. Do thất vọng về cuộc chiến tranh, về chính sách đối ngoại của Mỹ, cô này quyết định sao chép hàng ngàn tài liệu mật vào các đĩa CD mà cô ghi ngoài nhãn là các bài hát của Lady Gaga để khỏi bị phát hiện. Năm 2010, trở về Mỹ, Manning liên lạc với hai tờ New York Times và Washington Post trước khi kết nối với WikiLeaks. Ngay lập tức Julian Assange và các chiến hữu chủ xướng tự do thông tin thấy đây là một cơ hội bằng vàng bèn nhảy vào cuộc.

Đầu tiên họ cho đăng một video chấn động ghi cảnh hai chiếc trực thăng chiến đấu của Mỹ tại Iraq đang bắn vào một đám người nghi ngờ là quân địch. Hai trong số những người bị bắn chết hóa ra là phóng viên chiến tranh của hãng tin Reuters. Trước đó hãng tin này tìm mọi cách để nắm được bối cảnh xung quanh cái chết của hai nhà báo; nay cả thế giới không những chỉ chứng kiến cuộc thảm sát từ trên trực thăng mà còn nghe lời trao đổi lạnh lùng của các phi công khi họ xả súng bắn ra nhiều loạt đạn.

Sau đó, WikiLeaks có sự hợp tác của tờ New York Times và một số báo lớn khác gồm Le Monde của Pháp, The Guardian của Anh và Der Spiegel của Đức đã xuất bản 77.000 tài liệu quân sự về cuộc chiến tại Afghanistan và 392.000 tài liệu về cuộc chiến tại Iraq. Các tài liệu này cung cấp thông tin mới về thương vong của dân thường, về tinh thần của binh lính, cách đối xử với tù nhân và đặc biệt là việc sử dụng các nhà thầu phụ tư nhân trong cả hai cuộc chiến.

Assange lúc bị bắt ở Anh.

Khi xuất bản các bức điện ngoại giao, các tờ báo cẩn thận bôi đen tên tuổi các nhân vật liên quan để bảo vệ những người vẫn còn tham chiến nhưng sau đó, do tranh cãi với một biên tập viên người Anh, Assange quyết định cho xuất bản toàn bộ các tài liệu này trên WikiLeaks mà không biên tập, chỉnh sửa gì cả. Điều này có thể đã gây nguy hiểm đến tính mạng của những người Afghan và Iraq làm việc cho quân đội Mỹ được nêu tên trong các tài liệu.

Lúc này nội bộ WikiLeaks xảy ra nhiều cuộc tranh cãi, đấu đá do tính cách thất thường của Assange. Ông ta cũng bị hai phụ nữ Thụy Điển tố cáo với chính quyền sở tại về chuyện xâm hại tình dục, là khởi đầu cho nhiều năm dài điều tra, đòi dẫn độ Assange. Bộ Tư pháp Mỹ thông báo họ bắt đầu một cuộc điều tra WikiLeaks nhưng sau đó chính quyền Obama quyết định tạm ngưng vì nhiều nhà cố vấn cho rằng truy tố WikiLeaks sẽ tạo ra một tiền lệ xấu vì nhiều báo cũng đã và đang xuất bản nhiều tài liệu mật.

Dưới áp lực của lệnh bắt giam có hiệu lực toàn cầu của Thụy Điển, khả năng bị dẫn độ về Mỹ, Assange xin tỵ nạn chính trị với Ecuador và được chấp thuận trú ẩn bên trong tòa Đại sứ Ecuador tại London, Anh từ năm 2012. Dù chỉ ở trong một căn phòng nhỏ, Assange dùng nơi này làm diễn đàn để can dự vào mọi sự kiện lớn trên thế giới: viết Twitter để bày tỏ chính kiến, làm người dẫn chương trình cho đài truyền hình RT của Nga, tiếp tục thu xếp cho xuất bản các tài liệu mật, thậm chí còn cử một phụ tá đến hỗ trợ Edward Snowden, một người tiết lộ tài liệu mật khác của Mỹ, khi anh này bay từ Nga sang Hồng Kông. Căn phòng bé tí của Assange thành nơi viếng thăm “phải đến” mà nhiều nhân vật nổi tiếng đã ghé chân.

Đến năm 2016, nhiều người Mỹ trước đây ủng hộ Assange quay sang chống đối ông bởi WikiLeaks vô tình hay cố ý đã trở thành công cụ của những nhóm người Nga muốn can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ. Họ xuất bản các e-mail do người Nga đánh cắp từ những nhân vật thuộc đảng Dân chủ Mỹ, đưa các tin bất lợi về bà Hillary Clinton rồi che giấu đưa thông tin sai lệch về nguồn cung cấp.

Mối quan hệ giữa Julian Assange và Ecuador dần trở nên xấu đi. Trong một bức thư của Đại sứ Ecuador gửi về Bộ Ngoại giao nước này vào năm 2014, ông Đại sứ than phiền về thói quen chạy ván trượt khắp nhà gây hư hại của Assange cũng như sở thích mời khách đá banh trong sân đại sứ quán. Khi nhân viên an ninh chặn lấy bóng thì Assange nổi giận mắng chửi và giành trái banh rồi ném lại vào người nhân viên an ninh.

Chịu hết nỗi, đến năm ngoái Ecuador cắt Internet của Assange và hạn chế người vào thăm vì cho rằng ông ta đã vi phạm thỏa thuận không can thiệp, bình luận về chính trị nước khác. Ecuador cũng ra lệnh cho ông tự dọn buồng tắm, tự chăm sóc con mèo ông nuôi!

Cuối cùng vào tuần trước Tổng thống nước này, ông Lenín Moreno chấm dứt chuỗi ngày cho Assange tị nạn chính trị. Ông Moreno nói rõ Assange đã lắp đặt các thiết bị điện tử trái phép, truy cập các file trong hệ thống máy tính của đại sứ quán mà không được phép, bịt kín các camera an ninh và có hành xử không đúng mực với nhân viên đại sứ quán.

Trước đó một tờ báo độc lập của Ecuador cho đăng nhiều tài liệu mật của Ecuador, miêu tả cuộc sống xa hoa, các chuyến du lịch tốn kém của Tổng thống Moreno và gia đình ông ta. Dù WikiLeaks chối, nói không liên quan, họ vẫn quảng bá cho các tài liệu này trên Twitter nên Ecuador cho rằng có Assange đứng đằng sau vụ rò rỉ.

Cho đến tuần trước, Julian Assange bị Anh cáo buộc tội trốn lệnh tạm giam do năm 2010 ông tự đến trình diện với cảnh sát Anh nhưng được nộp tiền để tại ngoại; sau đó bỏ trốn vào tị nạn trong Đại sứ quán Ecuador xem như bỏ trốn. Ngoài ra năm ngoái Bộ Tư pháp Mỹ lại truy tố Assange về tội có âm mưu xâm nhập hệ thống máy tính của chính phủ. Riêng Thụy Điển đã bỏ chuyện đòi bắt giam Assange về các cáo buộc tình dục.

Dù bị cảnh sát Anh bắt giữ, số phận cũng như tương lai của Julian Assange chưa biết sẽ do nước nào định đoạt. Có một điều chắn chắn, Assange sẽ tiếp tục sử dụng nơi mới của mình để chiếm giữ diễn đàn “tự do thông tin” - khi bị bắt ông vẫn cố thét lên, “Nước Anh kháng cự. Nước Anh kháng cự”.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả