24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phượng Hồng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Hộ chiếu vaccine – Con đường dẫn đến một thế giới chia rẽ?

Với việc khôi phục hoạt động đi lại trên toàn cầu trong tương lai, hộ chiếu vaccine được kỳ vọng là tấm vé đến với sự tự do cho hàng triệu người đã được tiêm chủng trên toàn cầu.

Theo tạp chí Diplomat, với hàng loạt vaccine mới được phê duyệt và các chiến dịch tiêm chủng được tăng cường ở nhiều quốc gia và khu vực, đây sẽ là nền tảng để xác định những điểm đến phục vụ mục đích du lịch, học tập hay tìm kiếm việc làm.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, cần tiêm chủng vaccine cho ít nhất khoảng 70% dân số toàn cầu vào tháng 6/2022 để có thể chấm dứt đại dịch. Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) hồi tháng trước ở Vương quốc Anh, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, thế giới cần khoảng 11 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19.

Cũng tại hội nghị này, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố Vương quốc Anh sẽ tài trợ hơn 100 triệu liều vaccine COVID-19, trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden hứa tặng 500 triệu liều cho các nước nghèo theo sáng kiến phân phối vaccine toàn cầu COVAX. Những đề xuất này được đưa ra sau khi có những lời chỉ trích mạnh mẽ về việc các nước giàu có tích trữ nguồn vaccine phòng COVID-19.

Cho đến nay, Liên minh châu Âu (EU) đã bảo đảm mua 900 triệu liều vaccine Pfizer-BioNTech với lựa chọn mua thêm 900 triệu liều nữa sẽ được giao vào năm 2023. Với thỏa thuận này, EU có thể cung cấp đủ 6,6 liều vaccine cho mỗi người, không bao gồm những loại vaccine khác mà khối đã mua.

Mỹ cũng đã ký thỏa thuận mua 1,3 tỷ liều vaccine, trong khi Canada đã đạt được thỏa thuận mua 238 triệu liều cho 40 triệu dân số nước này - tức là ít nhất 5 liều cho mỗi công dân ở Mỹ và Canada. Vương quốc Anh đã đảm bảo sở hữu hơn 500 triệu liều - đủ để tiêm chủng cho toàn bộ dân số nước này 8 lần. Australia đã đặt hàng ít nhất 179 triệu liều cho dân số 25 triệu người - tức là 6,8 liều cho mỗi cá nhân.

Hơn 3,4 tỷ liều vaccine COVID-19 đã được sử dụng trên khắp thế giới tính đến ngày 9/7. Nhưng hơn 80% trong số đó được tiêm cho những người ở các quốc gia có thu nhập cao và trung bình cao. Trong khi đó, chỉ 1% người dân ở các nước thu nhập thấp đã được tiêm ít nhất một liều vaccine.

Khi nền kinh tế toàn cầu suy thoái do tác động của các biện pháp phong tỏa và hạn chế đi lại, người lao động châu Á ở nước ngoài là những người đầu tiên bị mất việc làm. Hàng triệu người đã trở về nước, trong khi vẫn còn hàng nghìn người thất nghiệp và mắc kẹt tại nước sở tại.

Người lao động làm việc ở nước ngoài đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế của "quê hương" thông qua nguồn kiều hối. Chỉ riêng tại Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE), có hơn 2,75 triệu lao động người Ấn Độ, 1,27 triệu người Pakistan, 740.000 người Bangladesh và 560.000 người Philippines. Trong khi đó, có khoảng 2,6 triệu người Pakistan và Ấn Độ, và 2,5 triệu người Bangladesh đang làm việc tại Saudi Arabia.

Mặc dù thế giới đang dần phục hồi trở lại, "cơn ác mộng" đối với người lao động nhập cư vẫn chưa kết thúc. Tháng trước, một trung tâm tiêm chủng vaccine COVID-19 ở thủ đô Islamabad của Pakistan đã bị các lao động nhập cư tràn vào đòi tiêm vaccine AstraZeneca.

Quốc gia Nam Á này đã nhận được 1,2 triệu liều vaccine của Vương quốc Anh hồi tháng 5/2021 theo sáng kiến COVAX, tiếp theo là 106.000 liều Pfizer-BioNTech và 2,5 triệu liều Moderna. Tính đến ngày 9/7, Pakistan đã tiêm hơn 19 triệu liều cho người dân nước này, chủ yếu là vaccine Sinopharm, SinoVac và CanSino của Trung Quốc.

Tuy nhiên, hầu hết các quốc gia vùng Vịnh và thế giới phương Tây không công nhận vaccine của Trung Quốc hoặc Nga mặc dù đã được WHO cho phép. Họ cũng yêu cầu công nhân nước ngoài nhập cảnh phải tiêm các loại vaccine của AstraZeneca, Pfizer-BioNTech hoặc Moderna - những loại vaccine đang thiếu hụt ở các nước thu nhập thấp.

Những hạn chế này có nghĩa là những người đã sử dụng vaccine của Trung Quốc hoặc Nga có thể sẽ bị cấm nhập cảnh vào hầu hết các quốc gia có thu nhập cao trong tương lai gần - trừ khi họ được tiêm loại vaccine đã được phê duyệt.

Tại Pakistan, Trung tâm Chỉ huy và Điều hành Quốc gia (NCOC) đã cho phép tiêm vaccine AstraZeneca, Pfizer-BioNTech và Moderna cho những người có nhu cầu đi du lịch. Vì vậy, quốc gia có thu nhập thấp này chỉ mới tiêm vaccine cho khoảng 6% dân số.

Không chỉ Pakistan có mối quan ngại này. Tại một số nước châu Á, như Bangladesh, Philippines và Sri Lanka, hầu hết nguồn cung vaccine là của Trung Quốc. Trong khi đó, Ấn Độ đang gặp khó khăn trong việc mua bản quyền vaccine Covishield - một phiên bản địa phương của vaccine Oxford-AstraZeneca.

Trước những thách thức này, các chính phủ cần đánh giá xem hộ chiếu vaccine là tấm vé dẫn đến tự do hay con đường dẫn đến một thế giới bị chia rẽ./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả