Hình bóng đại gia Tuấn 'Gelex' tại dự án nhà ở xã hội lớn nhất Hà Nội
Cả Viglacera lẫn Hoàng Thành đều là những tên tuổi lớn trong lĩnh vực bất động sản ở Hà Nội. Không dừng lại ở đó, khả năng thành công của dự án nhà ở xã hội 5.251 tỷ đồng (nếu được chấp thuận) còn được đảm bảo bằng sợi dây gắn kết giữa hai pháp nhân này...
UBND TP. Hà Nội cho biết đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc giao chủ đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư dự án thí điểm khu nhà ở xã hội tập trung tại xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Theo UBND TP. Hà Nội, liên danh Tổng công ty Viglacera - CTCP Đầu tư và Phát triển hạ tầng Hoàng Thành đã đề xuất thành phố giao làm chủ đầu tư dự án trên. Khu nhà ở xã hội dự kiến quy mô dân số khoảng 12.500 người, đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước.
Theo tính toán của nhà đầu tư, tổng mức đầu tư của dự án là 5.351,427 tỷ đồng, trong đó, vốn tự có của nhà đầu tư khoảng 1.284,342 tỷ đồng (tương đương khoảng 24% tổng mức đầu tư của dự án). Viglacera góp 48,3%; Công ty Hoàng Thành góp 51,7%. Thời gian thực hiện dự án từ quý II/2018 đến quý IV/2025.
Dự án gồm các hạng mục chính: đất nhà ở xã hội, đất kinh doanh thương mại, đất công trình trường mầm non, nhà văn hóa, công trình thương mại, dịch vụ công cộng của thành phố và khu vực...
Đây là dự án nhà ở xã hội tập trung quy mô lớn nhất từ trước tới nay được TP Hà Nội đề xuất, theo cơ chế chỉ định nhà đầu tư. Dự án khi hoàn thành sẽ cung cấp cho thị trường khoảng 3.611 căn nhà ở, trong đó có khoảng 3.089 căn hộ chung cư nhà ở xã hội, khoảng 423 căn hộ chung cư kinh doanh thương mại và 99 căn nhà ở liền kề thấp tầng kinh doanh thương mại.
Về hai nhà đầu tư đề xuất thực hiện dự án, Viglacera được biết đến là cái tên tiên phong, đầu tư nhiều khu nhà ở xã hội tại Hà Nội. Dự án nhà ở xã hội lớn nhất từng được tổng công ty này đầu tư là khu đô thị Đặng Xá (huyện Gia Lâm) quy mô 70 ha với trên 3.000 căn hộ tại Gia Lâm. Một số dự án khác như hợp tác với Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (HANDICO) triển khai dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại ô đất CT3, CT4 thuộc Khu đô thị mới Kim Chung, huyện Đông Anh, TP.Hà Nội; hay dự án nhà ở xã hội tại Kim Chung – Đông Anh (Thăng Long Green City) có diện tích gần 3,7ha, vốn đầu tư 1.300 tỷ đồng, dự án hoàn thành năm 2020 và cung ứng 1.588 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho trên 5.330 người.
Bí ẩn Hoàng Thành
Trong khi đó, CTCP Đầu tư và Phát triển hạ tầng Hoàng Thành lại là cái tên kín tiếng hơn nhiều, dù sở hữu không ít dự án tầm cỡ ở Hà Nội, như Mulberryland liên doanh với đối tác CapitaLand Singapore, ParkCity liên doanh với đối tác Desa Park City Malaysia hay dự án tháp Hoàng Thành tại 114 Mai Hắc Đế...
Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, Hoàng Thành được thành lập năm 2004 với vốn điều lệ ban đầu 27 tỷ đồng. Tới đầu tháng 8/2018, Hoàng Thành có vốn điều lệ 726,966 tỷ đồng. Hai cổ đông lớn nhất là CTCP Tài chính và Phát triển Doanh nghiệp (FBS) nắm 10,95% và bà Nguyễn Thị Bích Ngọc sở hữu 17,37%.
Bà Bích Ngọc sinh năm 1957, cùng phu quân là ông Hoàng Vệ Dũng là cặp đôi doanh nhân có tiếng ở Hà Nội. Trong khi người chồng đảm trách Chủ tịch HĐQT Tổng công ty may Đức Giang (Dugarco), Phó TGĐ Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Thành viên HĐQT CTCP Đầu tư Hải Phát, thì nữ doanh nhân quê Hà Tĩnh là Chủ tịch HĐQT Hoàng Thành, và không thể không nhắc tới, từ năm 2010 tới nay là Thành viên HĐQT Tổng công ty CP Thiết bị Điện (Gelex).
Về phần mình, FBS là hạt nhân quan trọng trong hệ sinh thái Gami Group của ông Nguyễn Tiến Dũng - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Quốc dân (NCB). FBS từng hợp tác làm ăn với vợ chồng ông Hoàng Vệ Dũng vào năm 2015 liên quan tới một dự án ở Quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Là cổ đông lớn thứ hai, song "vị trí" của FBS tại Hoàng Thành là không mấy rõ nét, với vai trò quan trọng hơn cả thuộc về nữ Chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc. Biết thêm rằng anh trai bà - ông Nguyễn Như Vinh (SN 1951) đảm trách vai trò Tổng giám đốc, cùng với bà Ngọc là hai người đứng tên đại diện theo pháp luật của Hoàng Thành.
Bởi vậy, không mấy bất ngờ khi FBS ngày 9/8/2018 rút hết vốn khỏi Hoàng Thành. Cũng từ đây, chỉ trong 2 tháng, Hoàng Thành liên tục tăng vốn, lên 1.063,2 tỷ đồng ngày 18/10/2018, và 1.287,5 tỷ đồng vào 31/10/2018 với sự góp mặt của cổ đông Nhật Bản Sankei Building Group (nắm 17,42%).
Đó là trong quá khứ, còn thời điểm hiện tại, liên danh Viglacera - Hoàng Thành còn có những "sợi dây" liên kết chắc chắn gấp bội phần, thêm phần bảo chứng cho khả năng triển khai dự án nhà ở xã hội hơn 5.000 tỷ đồng mà họ đang đề xuất.
Cụ thể, Gelex, nơi bà Nguyễn Thị Bích Ngọc suốt một thập kỷ qua ngồi ghế Thành viên HĐQT, đã được nhóm nhà đầu tư của ông Nguyễn Văn Tuấn mua lại từ năm 2016. Bản thân doanh nhân sinh năm 1984 đang đảm trách vị trí Chủ tịch HĐQT Gelex. Không dừng lại ở đó, đầu năm 2019, nhóm Gelex tiếp tục "chơi lớn" với thương vụ M&A, sở hữu (trên giấy tờ) 25% cổ phần Viglacera. Ông Tuấn "Gelex" tiếp tục được bầu làm Chủ tịch HĐQT Viglacera.
Biết thêm rằng, Hoàng Thành vào tháng 9/2016 từng bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) ra quyết định xử phạt số tiền 70 triệu đồng vì không thực hiện giao dịch cổ phiếu GEX của Gelex đúng thời gian đã đăng ký.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận