Highlands Coffee kinh doanh ra sao tại Việt Nam trước khi được rao bán?
Trước khi đàm phán chuyển nhượng 10-15% cổ phần, chuỗi cà phê Highlands Coffee là hệ thống kinh doanh tốt nhất của Jollibee, hãng đồ ăn nhanh lớn nhất của Philippines tại Việt Nam.
Nguồn tin giấu tên của Reuters cho biết, Jollibee Foods Corp - thuộc sở hữu của tỷ phú Philippines Tony Tan Caktiong - đang xem xét bán 10-15% cổ phần sở hữu tại Highlands Coffee cho một nhà đầu tư. Họ định giá chuỗi cà phê này gần 800 triệu USD.
Thương hiệu Highlands Coffee được doanh nhân David Thai sáng lập năm 1999. Về sau, ông thành lập Công ty cổ phần Việt Thái Quốc tế (VTI) để đẩy mạnh hoạt động kinh doanh.
Gắn bó với thương hiệu hơn một thập kỷ, đến năm 2012, David Thai bán 49% bộ phận kinh doanh Việt Nam của VTI cho Jollibee Foods Corporation (JFC). Bằng cách chi ra 25 triệu USD, doanh nghiệp đến từ Philippines này gián tiếp sở hữu Highlands Coffee.
Tập đoàn Jollibee được thành lập tại Philippines vào năm 1975 với tiền thân là 2 tiệm kem. Jollibee hiện điều hành mạng lưới dịch vụ thực phẩm lớn nhất ở Philippines với hơn 1.500 cửa hàng ở 17 quốc gia.
Trong số 4 chuỗi F&B mà JFC đang vận hành ở Việt Nam, Highlands Coffee được xem là "trái ngọt" duy nhất. Đầu năm 2021, đại diện Jollibee Foods cho biết chuỗi cà phê này là doanh nghiệp phát triển nhanh nhất khi liên tục mở mới và đã ghi nhận lãi. Trước đại dịch, các cửa hàng mới của chuỗi cà phê này đã tạo ra lợi nhuận rất cao trên vốn đầu tư với tốc độ khai trương khoảng 2 cửa hàng mỗi tuần.
Xét về quy mô doanh thu, Highlands Coffee vẫn là chuỗi đứng đầu thị trường, nhưng kết quả kinh doanh của thương hiệu này đang có dấu hiệu đi xuống.
Theo đó, doanh thu chuỗi cà phê này tăng liên tục, lần đầu vượt ngưỡng 1.000 tỷ đồng năm 2017. Chỉ hai năm sau, con số trên vượt ngưỡng 2.000 tỷ đồng. So với những chuỗi đồ uống khác trên thị trường, biên lãi gộp của Highlands luôn ở nhóm cao nhất, duy trì khoảng 70% trong 3 năm gần đây.
Về lãi ròng, chuỗi cà phê Highlands duy trì quanh mốc gần 100 tỷ đồng trong hai năm 2017 và 2018, giảm xuống còn 55-80 tỷ đồng trong hai năm tiếp theo là 2019 và 2020 dù doanh thu lập kỷ lục. Tuy nhiên, đại dịch sau đó đã cản đà tăng trưởng của Highlands Coffee.
Năm 2021, chuỗi tăng trưởng liên tục của thương hiệu này bị phá vỡ khi doanh thu giảm gần 20%, chỉ còn hơn 1.700 tỷ đồng. Đồng thời, Highlands Coffee cũng báo lỗ hơn 19 tỷ đồng. Lần gần nhất trước đó chuỗi này lỗ là năm 2014.
Cuối năm 2021, Highlands Coffee liên tiếp vướng lùm xùm với một số chủ mặt bằng khi chuỗi này bị tố nợ tiền thuê nhiều tháng, tới hàng tỷ đồng.
Trả lời báo chí thời điểm đó, đại diện Highlands Coffee xác nhận có thuê mặt bằng và gặp khó khăn về kinh doanh trong giai đoạn các thành phố áp dụng giãn cách.
Trong quý II/2022, lãnh đạo Jollibee Foods cho biết các chuỗi thức uống là những nhân tố đóng góp mạnh mẽ vào doanh thu của công ty. Riêng Highlands Coffee đã mở thêm 25 cửa hàng mới, đạt con số 525 tại Việt Nam và Philippines. Tuy vậy, JFC cũng lưu ý giá vốn tăng do giá nguyên vật liệu và giá cước vận chuyển lên cao đang là trở ngại chung cho các chuỗi kinh doanh. Trước áp lực này, Highlands Coffee đã tăng giá bán một số thức uống thêm 4.000-10.000 đồng tùy sản phẩm trong tháng 6/2022.
Ngay sau thông báo tăng giá bán một số thức uống được công bố trên trên fanpage, chuỗi đã nhận hàng chục nghìn lượt tương tác trên mạng xã hội và rất nhiều phản ứng trái chiều từ người tiêu dùng.
Trước những phản ứng của khách hàng, Highlands Coffee cũng nhấn mạnh luôn có những chương trình khuyến mãi như là món quà để tặng và hỗ trợ đến khách hàng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận