Hiệu ứng Bouba - Kiki và ứng dụng phong thủy trong xây dựng thương hiệu
Năm 2001, Vilayanur Suamanian Ramachandran, một nhà thần kinh học người Mỹ đã tiến hành một thí nghiệm. Ông tạo ra hai hình vẽ một hình nhiều nét tròn và một hình nhiều nét nhọn, đưa ra hai cái tên "bouba" và "kiki". Sau đó ông yêu cầu các sinh viên tham gia thí nghiệm đặt tên cho 2 hình.
Kết quả có tới 95-98% sinh viên chọn cái tên "bouba" cho hình có nhiều nét tròn còn "kiki" cho hình có nhiều nét nhọn. Kết quả được thử nghiệm với hơn 20 ngôn ngữ cả những ngôn ngữ không phải latin base như tiếng Nhật, tiếng Mã Lai đều ra kết quả tương tự. Như vậy có thể rút ra một điều là vô thức của chúng ta đã kết nối một từ ngữ với một dạng hình ảnh nào đó mà chúng ta cũng chẳng biết tại sao!
Đọc xong thí nghiệm này thì ngay lập tức chúng ta có một ứng dụng cho xây dựng thương hiệu. Những thương hiệu nào có nhiều âm i thì thiết kế logo bẻ nhiều góc cạnh sắc nhọn hơn, vì rõ ràng âm i và hình góc nhọn có liên hệ chặt chẽ với nhau trong não bộ của chúng ta thì việc đồng bộ 2 yếu tố này trong thương hiệu giống như hai người cùng đồng thanh hét lên tên thương hiệu. Và có lẽ nhiều khả năng thương hiệu sẽ nhanh chóng được nhớ đến hơn.
Bây giờ thì chúng ta sẽ tham lam hơn! Nếu thương hiệu của chúng ta gắn với các nguyên âm khác thì nó sẽ gắn với hình ảnh dạng nào? Và liệu có sự gắn kết giữa các nguyên âm và màu sắc, âm thanh, mùi, vị hay không? Nếu có thì sẽ rất tuyệt vì chúng ta có thể tạo nên hiệu ứng synergy(*) từ việc đồng bộ hóa các giác quan của con người. Từ đó thì thương hiệu sẽ được định vị nhanh hơn. Rất tiếc là với nguồn lực hữu hạn thì chúng ta không thể có được những thí nghiệm để xác định vấn đề này. Chúng ta ai cũng muốn giải quyết định vấn đề một cách khoa học, nhưng đợi khoa học thì lâu quá! Ngay ngày hôm nay có thể bạn đã phải quyết định ngay tên công ty, logo, màu sắc và nhiều thứ khác vì vậy chúng ta cần đến những thứ ngoài khoa học.
Tôi chẳng tin phong thủy theo kiểu mình mạng gì Thiên Thượng Hỏa hay Sa Trung Kim,... gì đó. Vì gắn một đặc tính cho 2 triệu con người cùng năm sinh thì nghe có phần khiên cưỡng. Điều tôi cần ở phong thủy là những thứ thứ mà khoa học chưa với tới được. Thí nghiệm bouba-kiki mới chỉ giúp ta biết một vùng rất nhỏ trong mối liên quan đến nhau của những giác quan phức tạp trong vô thức. Trong khi đó phong thủy đã có một bảng mô tả đầy đủ các giác quan và xếp chúng vào một hành. Ví dụ hành Kim gắn với: màu trắng, vị cay, hình tròn,... nghĩ đến vị cay tôi nghĩ đến món gà cay Popeyes, search Google để tìm hình ảnh logo và cũng thấy khá thú vị khi nó đúng mô tả của hành Kim thật: chữ màu trắng, logo hình tròn. Thử logo các thương hiệu ô tô thì thấy phần lớn đều chữ trắng, vòng tròn đúng chuẩn hành Kim. Đây là những thương hiệu của phương Tây nơi người ta không biết đến phong thủy, tại sao họ lại tạo ra những logo chuẩn phong thủy thế nhỉ?
Có thể phong thủy được viết ra bởi những bậc tu thiền uyên thâm từ ngàn xưa, họ có khả năng hiểu được những vùng vô thức mà chúng ta không biết đến. Vì được tạo nên bằng phương pháp chứng nghiệm nên họ không có cách nào để giải thích cho thế hệ sau tại sao có điều đó. Tại sao màu trắng lại gắn với vị cay, hình tròn, kim loại,... Mặc dù không chứng minh được bằng logic cũng như thực chứng nhưng thuật phong thủy đã sử dụng hàng nghìn năm trong xây dựng nhà cửa Đông Y. Nhiều người nói phong thủy chỉ là mê tín, điều này thì tôi không đồng tình. Vì rõ ràng đông y chữa được bệnh thật (tức là có bằng chứng khách quan) chứ không thuần túy là niềm tin mù quáng. Mà thôi, gác lại chuyện tin hay không tin vì nó chẳng ảnh hưởng gì đến chúng ta. Vấn đề chúng ta quan tâm là dùng nó có lợi gì cho mình và dùng nó như thế nào? So với một lựa chọn màu sắc, hình dạng một cách ngẫu nhiên thì lựa chọn theo phong thủy vẫn tốt hơn.
Vì vậy khi thiết kế logo bạn cứ vác bảng tra cứu phong thủy ra mà ốp vào thôi, đừng tạo logo theo phong thủy tuổi của mình vì điều này nghe vô lý bỏ mẹ. Chọn nó theo những cảm giác của bạn về tính cách của mình, hoặc theo đặc tính của sản phẩm. Nếu bạn tính nóng chọn màu đỏ cho rực rỡ, nếu bạn bán bánh ngọt chọn màu vàng cho hợp hành Thổ, bán nem chua thì chọn màu xanh hợp hành Mộc. Khi đã chọn được màu thì chọn tiếp hình dạng logo, âm vần cho tone sur tone phong thủy.
Không chỉ ứng dụng trong thiết kế logo, bộ đặc tính phong thủy có thể áp dụng trong những điểm chạm với giác quan khách hàng khác như: Thiết kế cửa hàng, quán ăn, bao bì, quà tặng... Với con nhà nghèo thì làm thương hiệu là quá trình chăm chỉ nhặt nhạnh từng cảm xúc khách hàng. Chúng ta không có nhiều tiền chi cho quảng cáo thì cần tận dụng từng chi tiết nhỏ tại điểm tiếp xúc với khách hàng.
(*) Synergy là một từ không có từ nghĩa tương đương trong tiếng Việt, nó chỉ một kết quả tăng cao bất ngờ khi hai hay nhiều yếu tố kết hợp lại một cách đồng bộ với nhau. Nhiều người dịch là "cộng hưởng". "Cộng hưởng" và synergy giống nhau ở chỗ đều tạo ra những kết quả cao bất ngờ ngoài mong đợi nhưng "cộng hưởng" xảy ra là do sự đồng điệu giữa bên trong và bên ngoài còn synergy là do sự kết hợp đồng bộ của nhiều yếu tố. Cũng có một số từ điển dịch là "đồng tâm hiệp lực", từ này mô tả đúng hành động tạo ra synergy nhưng không mô tả được kết quả là hiệu quả vượt trội của nó.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận