menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Huyền My

Hiệu suất sử dụng vốn cố định là gì? Cách tính và ý nghĩa trong đầu tư chứng khoán

Hiệu suất sử dụng vốn cố định là chỉ số cực kỳ quan trọng, cho biết một đồng vốn cố định bình quân của doanh nghiệp tạo ra bao nhiêu đồng doanh thu. Là một nhà đầu tư, đây là chỉ số bạn cần đặc biệt quan tâm vì nó quyết định khả năng sinh lời của doanh nghiệp cũng như hiệu quả của số vốn mà bạn đã bỏ ra để đầu tư vào doanh nghiệp đó.

1. Vốn cố định là gì?

Trước khi tìm hiểu về hiệu suất sử dụng vốn cố định, bạn cần hiểu rõ về vốn cố định, đặc điểm và vai trò của nó đối với doanh nghiệp.

1.1. Khái niệm

Vốn cố định là số tiền mà doanh nghiệp dùng để đầu tư, mua sắm, xây dựng, lắp đặt tài sản cố định (TSCĐ), được luân chuyển dần trong nhiều chu kỳ sản xuất, kinh doanh và kết thúc một vòng tuần hoàn sau khi TSCĐ hết thời gian sử dụng.

Hiệu suất sử dụng vốn cố định là gì? Cách tính và ý nghĩa trong đầu tư chứng khoán
Vốn cố định chính là biểu hiện bằng tiền của toàn bộ giá trị của TSCĐ cùng những tài sản dài hạn khác mà doanh nghiệp có tại một thời điểm nhất định.

Hiểu theo cách đơn giản, vốn cố định chính là biểu hiện bằng tiền của toàn bộ giá trị của TSCĐ cùng những tài sản dài hạn khác mà doanh nghiệp có tại một thời điểm nhất định. Vốn cố định có thể là: Giá trị TSCĐ, số tiền đầu tư tài chính dài hạn của doanh nghiệp, chi phí xây dựng cơ bản dở dang hay bất động sản đầu tư… Quy mô của vốn cố định sẽ quyết định đến quy mô TSCĐ cũng như trình độ trang bị công nghệ, kỹ thuật và năng lực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Công thức tính vốn cố định:

Vốn cố định tại thời điểm đầu kỳ (cuối kỳ) = Nguyên giá TSCĐ tại thời điểm đầu kỳ – Số khấu hao lũy kế đến đầu kỳ (cuối kỳ)

Trong đó: Số khấu hao lũy kế là tổng số khấu hao mà doanh nghiệp đã trích vào chi phí sản xuất, kinh doanh qua các kỳ sản xuất, kinh doanh của TSCĐ tính đến thời điểm báo cáo.

Ví dụ:

Doanh nghiệp A có nguyên giá TSCĐ đầu năm 2021 là: 1,000 tỷ đồng, số khấu hao lũy kế tính đến ngày 01/01/2021 là: 600 tỷ đồng.

Như vậy, vốn cố định của doanh nghiệp A tại thời điểm đầu năm 2021 là: 1,000 - 600 = 400 tỷ đồng.

1.2. Đặc điểm

Vốn cố định có đặc điểm như sau:

  • Tham gia vào nhiều chu kỳ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
  • Được luân chuyển dần, từng phần vào trong các chu kỳ sản xuất, kinh doanh. Khi tham gia vào quá trình sản xuất, một phần vốn cố định trở thành một khoản chi phí sản xuất tương ứng với phần hao mòn của TSCĐ.
  • Sau mỗi chu kỳ sản xuất, phần vốn cố định được luân chuyển vào giá trị sản phẩm dưới dạng khấu hao được tăng lên trong khi phần giá trị còn lại của TSCĐ sau khấu hao bị giảm xuống. Khi TSCĐ hết thời gian sử dụng, giá trị của nó sẽ được chuyển hết vào giá trị sản phẩm thì vốn cố định mới hoàn thành một vòng luân chuyển.

1.3. Vai trò

Vốn cố định đóng vai trò vô cùng quan trọng:

  • Đảm bảo quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp được diễn ra liên tục.
  • Sử dụng vốn cố định để đầu tư cho công nghệ tiên tiến góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, qua đó có thể hạ giá thành sản phẩm, giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển.
  • Ảnh hưởng đến phạm vi hoạt động, đa dạng hóa ngành nghề và các phương án kinh doanh của doanh nghiệp.
  • Tạo cho doanh nghiệp thế chủ động trong sản xuất, kinh doanh.

2. Hiệu suất sử dụng vốn cố định là gì?

Hiệu suất sử dụng vốn cố định là gì? Cách tính và ý nghĩa trong đầu tư chứng khoán
Hiệu suất sử dụng vốn cố định là gì?

Hiệu suất sử dụng vốn cố định là chỉ số tài chính phản ánh mỗi đồng vốn cố định được đầu tư, doanh nghiệp tạo ra được bao nhiêu đồng doanh thu trong kỳ.

Công thức tính như sau:

Hiệu suất sử dụng vốn cố định = Doanh thu thuần/ Vốn cố định bình quân

Trong đó:

  • Doanh thu thuần: Là khoản tiền mà doanh nghiệp thu được từ việc bán hàng hóa, dịch vụ sau khi đã trừ đi các khoản giảm trừ doanh thu như: thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán, hàng bán bị trả lại.
  • Vốn cố định bình quân = (Vốn cố định đầu kỳ + Vốn cố định cuối kỳ) / 2

Thông thường, hệ số này càng lớn chứng tỏ hiệu quả suất sử dụng vốn càng cao, kéo theo hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp càng cao. Ngược lại, hệ số này càng nhỏ chứng tỏ hiệu suất sử dụng vốn của doanh nghiệp càng thấp, dẫn đến hiệu quả kinh doanh thấp.

Ví dụ:

Doanh nghiệp A có doanh thu thuần năm 2021 là 1,000 tỷ đồng.

Vốn cố định bình quân đầu năm (tại ngày 01/01/2021) là: 400 tỷ đồng

Vốn cố định bình quân cuối năm (tại ngày 31/12/2021) là: 600 tỷ đồng

Vốn cố định bình quân = (400 + 600) / 2 = 500 tỷ đồng

Như vậy, hiệu suất sử dụng vốn cố định của doanh nghiệp A = 1,000/500 = 2.

Điều này có nghĩa là: Cứ một đồng vốn cố định trong năm 2021, doanh nghiệp A tạo ra được 2 đồng doanh thu thuần.

3. Biện pháp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cố định

Hiệu suất sử dụng vốn cố định là gì? Cách tính và ý nghĩa trong đầu tư chứng khoán
Biện pháp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cố định

Vốn cố định đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đặc biệt, các doanh nghiệp sản xuất thường có tỷ trọng vốn cố định cao hơn các doanh nghiệp thương mại. Quy mô và hiệu quả sử dụng vốn cố định chính là nhân tố quyết định khả năng tăng trưởng và cạnh tranh của doanh nghiệp. Vì vậy, việc tổ chức quản lý và sử dụng vốn cố định sao cho hiệu quả được các doanh nghiệp đặc biệt coi trọng.

Một số biện pháp để không ngừng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cố định trong doanh nghiệp bao gồm:

  • Huy động tối đa TSCĐ hiện có của doanh nghiệp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
  • Điều chỉnh cơ cấu TSCĐ sao cho hợp lý để có thể tận dụng hết công suất của chúng.
  • Chú trọng đến đổi mới TSCĐ kịp thời để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.
  • Thực hiện khấu hao TSCĐ một cách hợp lý, tính khấu hao đúng để đảm bảo thu hồi đầy đủ, kịp thời vốn cố định.
  • Đánh giá lại giá trị TSCĐ khi giá thị trường thay đổi hoặc khi nền kinh tế đang có mức lạm phát cao.
  • Cho thuê, nhượng bán hay thanh lý kịp thời các TSCĐ không dùng đến, chưa dùng đến hay đang dùng nhưng kém hiệu quả.
  • Cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa rủi ro, bảo toàn vốn như: mua bảo hiểm tài sản, trích lập dự phòng…
  • Cần thực hiện tốt việc bảo dưỡng, sửa chữa TSCĐ nhằm kéo dài tuổi thọ của TSCĐ.
  • Thực hiện nghiêm chế độ, trách nhiệm cũng như quyền lợi vật chất với người bảo quản, sử dụng TSCĐ.
  • Sử dụng đòn bẩy kinh tế để nâng cao công suất sử dụng của máy móc, thiết bị hiện có như ban hành chế độ thưởng, phạt về bảo quản, sử dụng TSCĐ…

4. Kết luận

Trên đây là những thông tin chi tiết, cụ thể về hiệu suất sử dụng tài sản cố định trong doanh nghiệp. Hy vọng rằng qua đây, bạn đã có những kiến thức cơ bản về chỉ số tài chính quan trọng này cũng như có thêm một công cu hiệu quả khi đánh giá doanh nghiệp trước khi đưa ra quyết định đầu tư.

Đừng quên tải app 24hMoney và đăng ký tài khoản hoàn toàn miễn phí ngay tại đây để cập nhật những tin tức mới nhất về chứng khoán, bất động sản…nhé!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả