Hiểu sao cho đúng về bảo lãnh mua bán nhà ở hình thành trong tương lai?
Trước khi bán nhà ở hình thành tương lai, chủ đầu tư phải được ngân hàng bảo lãnh nghĩa vụ tài chính với khách hàng. Thực tế không ít chủ đầu tư phớt lờ quy định này, dẫn đến rủi ro cho người mua nhà.
Thời gian gần đây, tại TP.HCM có tình trạng nhiều người mua nhà ở hình thành trong tương lai sau khi ký hợp đồng mua bán, thanh toán tiền theo tiến độ cho chủ đầu tư nhưng dự án thì không hẹn ngày bàn giao, thậm chí chủ đầu tư còn… lặn mất tăm.
Như dự án chung cư Park Vista (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) do Công ty TNHH DV-TM-SX-XD Đông Mê Kông làm chủ đầu tư hay chung cư Kingsway Tower của Công ty TNHH Siêu Thành.
Luật Kinh doanh bất động sản 2014 có quy định, trước khi bán nhà ở hình thành trong tương lai, chủ đầu tư phải được ngân hàng bảo lãnh nghĩa vụ tài chính với người mua. Quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi cho người mua khi chủ đầu tư không bàn giao nhà theo cam kết.
Thực tế, không ít người mua nhà ở hình thành trong tương lai hiện nay vẫn chưa hiểu hết quy định bảo lãnh trong mua bán hoặc chưa nắm rõ quy trình cấp chứng thư bảo lãnh cho căn nhà của mình.
Nhằm giúp người mua nhà ở hình thành trong tương lai hiểu rõ quyền lợi cũng như tránh rủi ro không đáng có, Luật sư Đỗ Thanh Lâm (Công ty Luật TNHH Kiến Việt) đã có những chia sẻ với VietNamNet về vấn đề này.
Trước khi bán, chủ đầu tư phải đáp ứng điều kiện gì?
Điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 quy định, chủ đầu tư chỉ được bán nhà ở hình thành trong tương lai khi đáp ứng các điều kiện về giấy tờ pháp lý dự án. Trường hợp nhà chung cư, toà nhà hỗn hợp có mục đích để ở hình thành trong tương lai phải có biên bản nghiệm thu hoàn thành xong phần móng.
Trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, chủ đầu tư phải gửi hồ sơ kèm văn bản thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh, cụ thể ở đây là Sở Xây dựng, về việc đủ điều kiện.
Khi chủ đầu tư đáp ứng các điều kiện và nộp hồ sơ thông báo như nói trên, Sở Xây dựng sẽ có văn bản xác nhận cho phép bán nhà ở hình thành trong tương lai, tạm gọi là giấy phép bán hàng. Trong đó có nói khu đất dự án đang được chủ đầu tư thế chấp ngân hàng hay không?
Điều kiện về bảo lãnh ngân hàng như thế nào?
Điều 56 Luật Kinh doanh bất động sản quy định, trước khi bán nhà ở hình thành trong tương lai, chủ đầu tư phải được ngân hàng bảo lãnh nghĩa vụ tài chính với khách hàng khi không bàn giao nhà theo tiến độ cam kết.
Phạm vi, nội dung và phí bảo lãnh do các bên thoả thuận và phải lập thành hợp đồng chính thức. Hợp đồng có tên là bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai. Nội dung thường có tên dự án, danh sách nhà ở trong dự án kèm theo, số tiền bảo lãnh, phí bảo lãnh…
Chủ đầu tư có trách nhiệm gửi bản sao hợp đồng bảo lãnh đã ký với ngân hàng cho người mua khi ký hợp đồng mua bán. Hợp đồng bảo lãnh có thời hạn cho đến khi nhà ở được bàn giao.
Nếu chủ đầu tư không bàn giao nhà theo tiến độ cam kết, khi người mua nhà có yêu cầu thì ngân hàng phải hoàn lại tiền ứng trước và các khoản tiền khác cho bên mua theo hợp đồng mua bán đã ký với chủ đầu tư.
Luật sư Đỗ Thanh Lâm.
Người mua nhà cần lưu ý gì về bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai?
Chủ đầu tư có giấy phép bán hàng của Sở Xây dựng không có nghĩa họ đã có bảo lãnh của ngân hàng. Do đó, trong giấy phép bán hàng, Sở Xây dựng luôn yêu cầu chủ đầu tư thực hiện việc bảo lãnh theo luật định.
Bởi theo quy trình, sau khi Sở Xây dựng cấp giấy phép bán hàng thì chủ dự án mới ký hợp đồng mua bán với khách hàng. Nhận hợp đồng mua bán thì ngân hàng mới cấp chứng thư bảo lãnh cho từng khách hàng. Không có giấy phép bán hàng thì không thể có chứng thư bảo lãnh cho từng khách hàng.
Nguyên nhân của việc này là do hiện nay luật và các nghị định, thông tư hướng dẫn không quy định chủ đầu tư phải nộp hợp đồng bảo lãnh với ngân hàng trong hồ sơ thông báo nhà ở đủ điều kiện bán gửi Sở Xây dựng.
Tuy vậy, có thể nói Sở Xây dựng cũng có phần trách nhiệm khi một số chủ đầu tư chưa có chứng thư bảo lãnh vẫn vô tư mở bán.
Bởi sau khi cấp giấy phép bán hàng, Sở Xây dựng hoàn toàn có thể yêu cầu chủ đầu tư báo cáo và cung cấp hợp đồng bảo lãnh với ngân hàng. Thời gian , cơ quan quản lý Nhà nước cần ra quy định trong hồ sơ gửi Sở Xây dựng để được cấp giấy phép bán hàng, chủ đầu tư cần có hợp đồng bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành tương lai với ngân hàng.
Khách hàng thường hiểu nhầm vấn đề gì?
Thực tế, một số chủ đầu tư và sàn môi giới trưng ra văn bản ngân hàng đồng ý về mặt chủ trương cấp bảo lãnh cho chủ đầu tư nếu đáp ứng điều kiện để cho rằng đây là chứng thư bảo lãnh.
Về bản chất, văn bản này chưa phải là hợp đồng bảo lãnh chính thức trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành tương lai mà người mua nhà quan tâm.
Đây cũng không phải là chứng thư bảo lãnh mà ngân hàng cấp từng người mua nhà sau khi có hợp đồng mua bán. Do đó, cần phân biệt chứng thư bảo lãnh và các văn bản khác mà ngân hàng cấp cho chủ đầu tư.
Người mua nhà cần làm gì để được bảo lãnh?
Khi ký hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai, khách hàng nên yêu cầu được bảo lãnh. Khách hàng phải đề nghị cung cấp hợp đồng bảo lãnh giữa chủ đầu tư và ngân hàng.
Sau khi ký hợp đồng mua bán 15 ngày làm việc mà vẫn chưa được ngân hàng gửi chứng thư bảo lãnh, khách hàng phải liên hệ với chủ đầu tư và ngân hàng để được cấp chứng thư bảo lãnh.
Khoản phí cấp bảo lãnh sẽ do người mua nhà và chủ đầu tư thoả thuận, thường là 1% - 2% giá trị căn nhà. Nếu phí này chưa tính vào giá bán thì khi chủ đầu tư yêu cầu, khách hàng phải chi trả để được đảm bảo quyền lợi, tránh rủi ro khi không được bàn giao nhà đúng hẹn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận