Hiệu quả phòng bệnh của vắc-xin Covid-19 Moderna và Pfizer sau tiêm 6 tháng
Hiệu quả phòng bệnh của vắc-xin Covid-19 Moderna và Pfizer bị giảm trong 6 tháng sau tiêm mũi thứ 2.
Hôm 5/8, hãng dược Moderna công bố vắc-xin Covid-19 của hãng duy trì hiệu quả phòng bệnh là 93% trong 6 tháng sau khi tiêm mũi thứ hai.
Trước đây, trong giai đoạn thử nghiệm thứ 3, Moderna cho biết hiệu quả phòng bệnh của vắc-xin Covid-19 Moderna là 94,5%.
Điều này cho thấy, trong 6 tháng sau mũi tiêm thứ 2, hiệu quả phòng bệnh của vắc-xin Covid-19 Moderna vốn được sản xuất bằng công nghệ mRNA không thay đổi nhiều so với giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.
Song ông Bancel cũng nhấn mạnh, biến chủng Delta là “mối đe dọa mới và nguy hiểm nên chúng ta cần duy trì cảnh giác”.
Đáng nói, dù hiệu quả phòng bệnh của vắc-xin Covid-19 Moderna ở mức cao, song hãng này vẫn tuyên bố một mũi tiêm tăng cường là cần thiết và nên được tiêm trước giai đoạn mùa đông để tối ưu hóa khả năng bảo vệ của vắc-xin.
Cũng sản xuất trên công nghệ mRNA, hiệu quả phòng bệnh của vắc-xin Covid-19 Pfizer/BioNTech cứ 2 tháng lại giảm mất 6%. Điều này đồng nghĩa với việc, trong 6 tháng sau tiêm mũi thứ 2, hiệu quả phòng bệnh của vắc-xin Covid-19 Pfizer/BioNTech giảm chỉ còn khoảng 84%.
Hiện hãng dược Pfizer/BioNTech đang cố gắng vận động Cơ quan Quản lý Dược Phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) cùng Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) phê duyệt tiêm thêm mũi thứ 3 trong chương trình tiêm phòng vắc-xin Covid-19 của chính phủ Mỹ.
Trong tuyên bố chung hôm 8/7, cả FDA và CDC đều cho hay việc thêm 1 mũi tăng cường hiện chưa cần thiết, nhưng chuyện này có thể thay đổi do nhiều nước như Israel đã yêu cầu tiêm thêm mũi thứ 3 vắc-xin Covid-19 Pfizer để đảm bảo hiệu quả phòng bệnh của vắc-xin, cũng như ngăn chặn các biến chủng virus corona có khả năng lây lan nhanh.
Tuy nhiên, trong tuần này, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã lên tiếng kêu gọi chính phủ các nước trên thế giới hoãn tiêm thêm 1 mũi tăng cường vắc-xin Covid-19 để đảm bảo nguồn cung giúp tất cả người dân ở các quốc gia khác được tiêm ít nhất là 1 mũi vắc-xin.
“WHO kêu gọi các nước dừng triển khai tiêm mũi vắc-xin Covid-19 tăng cường cho tới ít nhất là cuối tháng Chín để đảm bảo mục tiêu ít nhất 10% dân số tại các nước được tiêm phòng”, AP dẫn lời Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus.
Các quan chức WHO cũng nhấn mạnh, chưa có bằng chứng khoa học chứng minh việc tiêm thêm mũi thứ 3 cho những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin Covid-19 đạt hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus corona.
Theo ước tính của WHO, nếu như 11 quốc gia giàu triển khai tiêm thêm mũi vắc-xin tăng cường cho người dân, họ sẽ sử dụng tới 440 triệu liều. WHO cho rằng, số lượng vắc-xin này sẽ hữu ích hơn trong việc kiềm chế đại dịch Covid-19 nếu chúng được chuyển đến các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp, nơi hơn 85% người dân tương đương khoảng 3,5 tỷ người còn chưa được tiêm mũi 1 vắc-xin. WHO cảnh báo, vắc-xin hiện vẫn là nguồn tài nguyên khan hiếm trên thế giới.
Ông Ghebreyesus cho biết các nước giàu hơn có tỷ lệ mũi tiêm vắc-xin trên 100 người là 100/100. Trong khi ở các nước thu nhập thấp do ảnh hưởng bởi nguồn cung vắc-xin hạn hẹp, tỷ lệ mũi tiêm vắc-xin trên 100 người là 1,5/100.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận