menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Minh Đức

Hiểu nhầm với đề xuất thời hạn sở hữu nhà chung cư

Mình thấy cái đề xuất thời hạn sở hữu nhà chung cư mắc lỗi trầm trọng về thuật ngữ pháp lý, từ đó dẫn đến rất nhiều hiểm nhầm không đáng có.

Đầu tiên phải nói, quyền sở hữu không bao giờ có thời hạn, đối với bất kỳ loại tài sản nào, không riêng gì nhà chung cư.

Nhưng pháp luật đặt ra giới hạn về thời gian sử dụng của rất nhiều loại hàng hoá, tài sản vì yếu tố an toàn. Ví dụ, chúng ta có hạn sử dụng thực phẩm, thuốc men, hoá mỹ phẩm, xe ô tô, đầu máy xe lửa. Hết thời hạn sử dụng thì pháp luật cấm không cho sử dụng nữa, vì nếu tiếp tục sử dụng sẽ gây nguy hiểm.

Mặc dù vậy, nếu cái ô tô của tôi hết hạn sử dụng đâu có nghĩa là tôi hết hạn sở hữu cái xe đó. Tôi vẫn là chủ sở hữu cái xe, chỉ đơn giản là tôi không được lái nó ra đường nữa thôi. Tôi vẫn có quyền mang cái xe về bày hoặc bán nó cho cái gara ô tô. Quyền sở hữu của tôi đối với cái xe chỉ chấm dứt khi tôi chuyển quyền này cho người khác hoặc cái xe bị phá huỷ.

Đối với nhà chung cư cũng nên như vậy. Nếu việc sử dụng nó gây nguy hiểm thì cấm sử dụng, chứ đâu có nghĩa là tước đi quyền sở hữu. Quyền sở hữu cái nhà chung cư chỉ chấm dứt khi cái nhà bị phá huỷ thôi chứ.

Mà rõ ràng, ba thời điểm (1) hết thời hạn công trình; (2) công trình được kết luận là không còn an toàn; (3) công trình bị phá huỷ, trên thực tế là rất khác nhau. Ba thời điểm này có đồng nhất đâu mà lại đánh đồng thời hạn công trình với thời hạn sở hữu?

Sự đánh đồng này dẫn đến rất nhiều câu hỏi: Cái nhà hết thời hạn công trình nhưng chưa được kết luận về an toàn thì có được ở không? Có được bán lại không? Công trình chưa hết thời hạn nhưng đã xuống cấp đến mức mất an toàn rồi thì có còn được ở không? Có còn quyền sở hữu không? Công trình được kết luận không còn an toàn nhưng mãi không phá huỷ thì sao? Tôi không đợi được việc phá nhà cũ đi rồi xây lại cái mới thì có được bán cái nhà cũ hay còn gọi là cái quyền ở căn nhà mới cho người khác không?

Đừng nói rằng không sử dụng nữa thì ai sở hữu cũng không quan trọng nhé. Như thế là bạn chưa hiểu gì về khái niệm sở hữu rồi. Chủ sở hữu, nhất là sở hữu một cái nhà, dù nó không được sử dụng nữa thì vẫn còn rất nhiều quyền và nghĩa vụ khác. Đơn cử, theo nguyên tắc dân sự, nếu một cái nhà sập đổ gây thiệt hại cho nhà bên cạnh thì chủ cái nhà đổ phải bồi thường. Nếu tôi không còn là chủ sở hữu nữa thì tôi không cần bồi thường. Sướng quá nhỉ?

-----------------------

Thế nếu thay từ “thời hạn sở hữu” thành “thời hạn sử dụng” nhà chung cư có nên không?

Cái này thì cần thảo luận.

Trong việc quản lý các loại tài sản có nguy cơ gây nguy hiểm này, luôn có ba cách.

Cách thứ nhất là kiểm tra thường xuyên, còn an toàn thì còn cho dùng, không an toàn thì phải loại bỏ, tần suất kiểm tra thì có thể thiết kế theo kiểu tăng dần theo tuổi của tài sản. Cách này hiện đang dùng cho các công trình giao thông.

Cách thứ hai là không kiểm tra mà đánh đồng tất cả, chốt cứng một thời hạn, hết hạn bắt buộc phải bỏ. Cách này thì hiện dùng cho thực phẩm, thuốc men, hoá mỹ phẩm.

Cách thứ ba là kết hợp hai cách trên, tức là vẫn kiểm tra thường xuyên, nhưng nếu quá một thời hạn thì nhất định bỏ, dù kết quả kiểm tra vẫn đạt. Cơ chế này được áp dụng là do kể cả kiểm tra có kỹ thế nào đi nữa, vẫn có những yếu tố liên quan đến an toàn mà không thể đo được. Cách này hiện dùng cho ô tô, đầu máy xe lửa.

Hôm vừa rồi báo đài phản ánh tình trạng đầu máy xe lửa hết niên hạn sử dụng, nhưng do được bảo dưỡng và kiểm định tốt nên vẫn còn an toàn. Hiện đang có kiến nghị là bỏ quy định về niên hạn sử dụng đầu máy đi, thay bằng quy định về tần suất kiểm định cao hơn đối với đầu máy cũ.

Đối với nhà chung cư, việc lựa chọn hình thức quản lý an toàn nào cũng cần cân nhắc. Việc chốt cứng thời gian sử dụng như cách thứ hai e là không khả thi. Mặc dù các toà nhà đều có ghi thời hạn công trình khi thiết kế thi công, nhưng khi mình hỏi các chuyên gia xây dựng thì họ cho rằng mức độ tin cậy của con số này rất thấp, sai số so với thực tế rất lớn.

Theo đề xuất về thời hạn sở hữu nhà chung cư của Bộ Xây dựng thì dường như sẽ như sau: Khi nhà chung còn thời hạn thì không kiểm tra. Đến khi hết thời hạn thì kiểm tra, còn an toàn thì dùng tiếp, không an toàn thì dừng sử dụng. Vậy thì bản chất của chính sách về thời hạn sở hữu nhà chung cư là thời hạn miễn kiểm tra an toàn công trình. Hết thời hạn đó, công trình được kiểm tra thường xuyên cho đến khi được kết luận là không an toàn nữa thì sẽ phải phá huỷ.

Nếu Bộ gọi đúng tên chính sách thì chắc sẽ đỡ những tranh luận không cần thiết.

Mà sao Bộ lại sai nghiêm trọng vậy được nhỉ? Hay là mình sai?

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Nguyễn Minh Đức

Bấm theo dõi để nhận thêm nội dung bổ ích từ chuyên gia này.

Tìm hiểu thêm về chuyên gia.

Hãy chọn VIP/PRO hàng đầu để nhận kho bài viết chuyên sâu

2 Yêu thích
1 Bình luận 3 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại