Hiệp hội Ngân hàng kiến nghị tăng vốn cho “Big 4”
Trước mắt các ngân hàng thương mại nhà nước mong được giữ lại lợi nhuận hàng năm hoặc chia phần cổ tức của Nhà nước bằng cổ phiếu để tăng vốn, giải quyết phần nào những khó khăn...
Với việc 4 ngân hàng Nhà nước đang có tổng tài sản và dư nợ tín dụng chiếm thị phần trên dưới 50% toàn hệ thống ngân hàng, Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, nếu không sớm tăng vốn điều lệ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế.
Tỷ lệ CAR trung bình áp sát mức tối thiểu
Hiện, các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước chi phối gồm có Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank).
Theo Hiệp hội, để thực hiện các chủ trương của Chính phủ, các ngân hàng trên đã xây dựng phương án cụ thể, tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả kinh doanh, thực hiện các biện pháp nâng cao năng lực tài chính, như: kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo đúng định hướng chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước; tái cơ cấu lại danh mục tài sản có rủi ro theo hướng giảm tỷ trọng các tài sản có hệ số rủi ro cao; phát hành trái phiếu thứ cấp tăng vốn cấp 2 nhằm cải thiện tỷ lệ an toàn vốn.
Tuy đã áp dụng đồng bộ và tối đa các biện pháp, nhưng các ngân hàng này vẫn không đáp ứng được mức vốn tối thiểu theo chuẩn mực của Basel 2.
Các số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) bình quân của bốn ngân hàng thương mại nhà nước theo chuẩn mực vốn Basel 1 ở mức 9,4% đã sát mức tối thiểu theo quy định, thấp hơn so với mức bình quân chung của hệ thống các tổ chức tín dụng trong nước (13%).
Do đó, nếu không nhanh chóng tăng được vốn điều lệ, khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế có thể bị ảnh hưởng, kéo theo ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, giảm thu ngân sách từ thuế. Đồng thời, có nguy cơ vi phạm tỷ lệ an toàn vốn, ảnh hưởng xấu đến an toàn hoạt động, mức xếp hạng tín nhiệm quốc tế, uy tín trên thị trường, hạn chế vai trò chủ lực của các ngân hàng này trong toàn hệ thống.
Kiến nghị tăng vốn cho 4 ngân hàng lớn
Trong số 4 ngân hàng thương mại nhà nước trên, theo Hiệp hội Ngân hàng, trường hợp của VietinBank là đặc biệt cấp bách. Từ năm 2014 tới nay, VietinBank không được bổ sung thêm vốn điều lệ và luôn phải thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ cao.
Chính vì vậy, năm 2018, Vietinbank chỉ tăng trưởng tín dụng được 6% (mức tăng trưởng thấp nhất đối với Vietinbank trong hơn 10 năm trở lại đây). Từ đầu năm 2019 tới nay, thậm chí Vietinbank không thể tăng trưởng tín dụng, ảnh hưởng rất lớn đến khả năng đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp, tác động trực tiếp tới kết quả kinh doanh của ngân hàng và nguồn thu Ngân sách nhà nước.
Hiện bốn ngân hàng đang có tổng tài sản và dư nợ tín dụng chiếm thị phần trên dưới 50% toàn hệ thống ngân hàng. Những năm qua, mặc dù không được Nhà nước cấp bổ sung vốn nhưng các ngân hàng vẫn cố gắng mở rộng tín dụng để đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế; các ngân hàng luôn phát huy tốt vai trò chủ lực và trụ cột, đi tiên phong triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; có mức tăng trưởng cao, đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước.
Hiệp hội ngân hàng cho rằng, cần thiết triển khai ngay các biện pháp ưu tiên, khẩn trương giải quyết nhu cầu cấp thiết về tăng vốn điều lệ, trước mắt đề nghị nhà nước cho phép được giữ lại lợi nhuận hàng năm hoặc chia phần cổ tức của nhà nước bằng cổ phiếu để tăng vốn, giải quyết phần nào những khó khăn, vướng mắc, cản trở hiện nay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận