24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Bảo An
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU - Bài 2: Xúc tiến thương mại chuyên sâu để tận dụng cơ hội

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là đối với mặt hàng nông, thủy sản và các mặt hàng Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh song sự cạnh tranh trên thị trường hàng hóa và dịch vụ sẽ khốc liệt hơn.

Do đó, việc đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại chuyên sâu như: nghiên cứu thị trường, thẩm định đối tác, để tận dụng hiệu quả các cơ hội mà EVFTA mang lại sẽ được các cơ quan chức năng thực hiện quyết liệt.
Đón đầu cơ hội

Đón đầu, tận dụng các cơ hội mà EVFTA mang lại, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, Cục Xúc tiến thương mại luôn ưu tiên đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu thông tin, kết nối đối tác, đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường EU. Điều này cũng đã góp phần giúp tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2019 đạt trên 500 tỷ USD trong bối cảnh khó khăn.

Về kinh phí, trong khuôn khổ Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, hàng năm Bộ Công Thương dành trung bình 20% tổng kinh phí của Chương trình cho các hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường này. Cục Xúc tiến thương mại cũng đã trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hoặc hướng dẫn các hiệp hội ngành hàng, tổ chức xúc tiến thương mại lựa chọn các hội chợ, triển lãm, sự kiện xúc tiến thương mại chuyên ngành lớn, có uy tín tại thị trường châu Âu. Từ đó, xây dựng đề án xúc tiến thương mại quốc gia, tổ chức cho doanh nghiệp tham gia.

Việc tham dự những hội chợ có uy tín, lớn hàng đầu thế giới ở châu Âu liên tục, hàng năm sẽ giúp các doanh nghiệp đạt kết quả ngay tại sự kiện như: các hội chợ triển lãm quốc tế chuyên ngành nông thủy sản, rau quả, thực phẩm chế biến tại các nước: Pháp, Đức, Bỉ; chuyên ngành dệt may, da giày tại Italy.

Ngoài các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường, Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước, thương vụ Việt Nam ở EU thực hiện các chương trình xây dựng, quảng bá thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế… Đồng thời, Cục Xúc tiến thương mại chú trọng đẩy mạnh hợp tác với thương vụ, đại sứ quán, các tổ chức xúc tiến thương mại của các nước trong khối EU như: Pháp, Italy, Hungary nhằm kết nối thông tin, trao đổi nhu cầu xuất nhập khẩu của doanh nghiệp các bên.

Cục Xúc tiến thương mại cũng phối hợp với các Thương vụ Việt Nam tại thị trường châu Âu giới thiệu, quảng bá sản phẩm tiềm năng, doanh nghiệp uy tín của Việt Nam tới các đối tác sở tại. Các hoạt động này đã góp phần khích lệ, tạo động lực cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên trong việc xây dựng chiến lược tiếp cận thị trường, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Từ đó, góp phần thúc đẩy hoạt động trao đổi thương mại, đầu tư hai chiều giữa Việt Nam và các nước EU theo hướng bền vững.

Lấy ví dụ như ở mặt hàng cà phê, EU là thị trường tiêu thụ nhiều nhất cà phê của Việt Nam, chiếm 40% trong tổng lượng và 38% về tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Các doanh nghiệp khảo sát nhu cầu của thị trường về các lĩnh vực gồm thị phần - thị hiếu - chất lượng - giá cả. Từ đó, xác định tỷ trọng chế biến các loại sản phẩm phù hợp (bao nhiêu % sản phẩm sơ chế, bao nhiêu % sản phẩm tinh chế) để định hướng phát triển sản phẩm, xây dựng chiến lược quảng bá, marketing, định vị thương hiệu phù hợp với năng lực của mình.

Các cơ quan chức năng cũng hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu thông qua các chiến dịch truyền thông, quảng bá hình ảnh; các chương trình đào tạo, hướng dẫn, nâng cao năng lực thiết kế, định dạng sản phẩm. Bộ Công Thương đã thực hiện các giải pháp hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ, phát triển thị trường đối với mặt hàng này như: đàm phán mở cửa thị trường, kết nối thúc đẩy tiêu thụ, xúc tiến thương mại và thông tin thị trường, phổ biến, tuyên truyền...

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá, mức cam kết trong EVFTA có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các hiệp định thương mại (FTA) đã được ký kết cho tới nay. Điều này càng có ý nghĩa khi hiện nay, mới chỉ hơn 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế GSP 0%.

"Cùng với cơ hội thì việc thực thi các FTA thế hệ mới đặt ra không ít thách thức cho doanh nghiệp và nền kinh tế như: sức ép cạnh tranh, xu hướng bảo hộ sản xuất của các nước nhập khẩu, quy định về phòng vệ thương mại... Để tận dụng tốt cơ hội, ngoài sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước về các cơ chế, chính sách, mở rộng thị trường, doanh nghiệp phải thay đổi tư duy kinh doanh, linh hoạt trong việc tiếp cận thị trường mới này. Chỉ khi đáp ứng được điều kiện, tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu thì những ưu đãi thuế quan mới phát huy được hiệu quả. Cùng đó, đẩy mạnh xúc tiến thương mại cũng là một giải pháp quan trọng mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường EU, " Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Tạo cú hích lớn

Theo nhận định của Bộ Công Thương, với cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ EVFTA sẽ tạo một cú hích lớn cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam có lợi thế cạnh tranh.

Đi cùng với EVFTA là Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA), với thị trường mở cửa và thông thoáng hơn, các doanh nghiệp châu Âu sẽ tăng cường đầu tư vào Việt Nam, tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận nhiều nguồn hàng hóa, nguyên liệu nhập khẩu cũng như các máy móc, thiết bị, công nghệ, kỹ thuật cao từ EU với chất lượng tốt và ổn định với mức giá hợp lý, qua đó để nâng cao năng suất và cải thiện chất lượng sản phẩm xuất khẩu của mình.

Đây là động lực quan trọng để các bộ ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm xuất khẩu sang EU, đặc biệt là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực như thủy sản, rau hoa quả, nông sản chế biến, hàng điện tử và linh kiện điện tử, dệt may và da giày…

Bên cạnh đó, các nước thuộc EU có trình độ phát triển kinh tế - xã hội cao và tương đối đồng đều, đã định hình một thị trường chung với hạ tầng thương mại phát triển, các sự kiện xúc tiến thương mại diễn ra tại các nước EU luôn có quy mô hàng đầu, thu hút được lượng lớn khách giao dịch từ các châu lục khác. Do vậy, việc tổ chức hoặc tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại tại các nước EU được đánh giá là rất thuận lợi và gia tăng được hiệu quả khi thực hiện ở một nước nhưng có thể từ đó dễ dàng tiếp cận với các đối tác nhập khẩu và người tiêu dùng không chỉ ở các nước thành viên EU mà còn nhiều khu vực thị trường khác trên thế giới.

Cũng theo Cục Xúc tiến thương mại, EU là khối thị trường chung nhưng mỗi thị trường thành viên lại có đặc điểm, nhu cầu, quy định nhập khẩu và sở thích tiêu dùng không giống nhau. Trong bối cảnh doanh nghiệp Việt chủ yếu quy mô nhỏ và vừa, quy mô sản xuất còn hạn chế, năng lực cạnh tranh của sản phẩm còn khoảng cách cần cải thiện thì nên có cách tiếp cận thị trường phù hợp.

Với các thị trường đầu tàu truyền thống như Đức, Pháp, Tây Ban Nha… được coi là thị trường cửa ngõ giúp lan tỏa đi các nước khác trong khối EU, doanh nghiệp cần tiếp tục khai thác dư địa, tận dụng tối đa lợi thế mà EVFTA mang lại nhằm phát huy lợi thế cạnh tranh của mình.

Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, việc xúc tiến thương mại vào thị trường EU cũng gặp một số khó khăn vì EU là một thị trường lớn nhưng khó tính, đòi hỏi nghiêm ngặt và khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, dán nhãn, môi trường… trong khi không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được các yêu cầu..

Khó khăn tiếp theo đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường EU là rào cản ngôn ngữ cũng như hiểu biết hạn chế đối với các quy định tại thị trường EU.

Ông Vũ Bá Phú cho rằng, để xúc tiến thương mại đạt hiệu quả cao và mang lại cơ hội tốt cho các doanh nghiệp ngoài những hỗ trợ của nhà nước, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần chủ động nghiên cứu thông tin để có sự chuẩn bị tích cực. Việc chuẩn bị nên được tiến hành toàn diện từ nghiên cứu cơ hội, thách thức của thị trường EU đến các giải pháp như: nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu suất, phát triển thương hiệu...

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư phát triển sản phẩm đảm bảo tuân thủ tiêu chuẩn và quy định về hàng hóa nhập khẩu của EU cũng như chuẩn bị kỹ kế hoạch xuất khẩu cho từng mặt hàng, từng thị trường mục tiêu; tập trung nâng cao chất lượng hàng hóa, áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn chất lượng tiên tiến nhằm đáp ứng yêu cầu kỹ thuật ngày càng khắt khe của các thị trường nhập khẩu.

Cùng với việc nâng cao chất lượng, doanh nghiệp phải cải thiện năng suất để giảm giá thành, đa dạng hóa mẫu mã, bao bì để phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Các doanh nghiệp cũng cần nâng cao tính chủ động, tích cực trong việc phối hợp với tổ chức xúc tiến thương mại xây dựng kế hoạch và tham gia triển khai hoạt động xúc tiến thương mại sát thực, khả thi, hiệu quả. Cùng đó, các doanh nghiệp chủ động, đầu tư kinh phí cho xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân sự nhằm chuyên nghiệp hóa năng lực thực thi và tối đa hóa hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại vào thị trường EU...

Bài 3: Doanh nghiệp kỳ vọng bứt phá

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả