"Hiểm họa" ít ngờ của ngành sản xuất vũ khí Mỹ
Có một thực tế Washington khó chấp nhận, đó là ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ đang bị tác động bởi Trung Quốc.
Năm 1944, giữa lúc Thế chiến thứ II đang hồi ác liệt, các cuộc tiến công thần tốc của lực lượng đồng minh trên khắp châu Âu bỗng nhiên bị đình trệ do thiếu nhiên liệu. Tướng George Patton của Mỹ đã nói một câu nổi tiếng: “Lính của tôi có thể ăn thắt lưng để sống, nhưng xe tăng của tôi thì phải có xăng”.
Câu nói đó minh chứng cho tầm quan trọng của chuỗi cung ứng và hậu cần trong chiến tranh. Ngày nay, Hoa Kỳ đang đối mặt với một nguy cơ tương tự: sự phụ thuộc tài nguyên Trung Quốc để sản xuất vũ khí.
Vũ khí Mỹ cần nguyên liệu gì?
Mỹ từ lâu vẫn đi đầu trong nghiên cứu khoa học vật liệu để chế tạo ra các vũ khí tân tiến – một lĩnh vực đòi hỏi lượng khoáng chất và kim loại dồi dào. Liti, coban, niken, than chì và nhiều khoáng chất khác rất quan trọng để xây dựng và duy trì các hệ thống vũ khí hiện đại.
Chất bán dẫn tiên tiến là thành phần quan trọng của hệ thống dẫn đường tên lửa, chiến tranh mạng và trí tuệ nhân tạo. Những chất bán dẫn này cần các vật liệu như gali, asen và neon - phần lớn được sản xuất tại Nga, Trung Quốc và Ukraine. Mỹ không thể tự sản xuất gali và cuộc xung đột Nga - Ukraine đã làm giảm một nửa nguồn cung cấp chất bán dẫn của thế giới.
Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ có một danh sách các khoáng chất quan trọng đối với nhu cầu an ninh, kinh tế, cơ sở hạ tầng và năng lượng quốc gia. Năm 2018, danh sách bao gồm 35 khoáng sản và đã tăng lên 50 vào năm 2020, trong đó nhiều loại cần cho ứng dụng quân sự.
Vũ khí hiện đại của Mỹ phụ thuộc khá nhiều vào khoáng sản từ Trung Quốc
Một số khoáng chất này bao gồm titan cho ngành hàng không vũ trụ, siêu hợp kim nhiệt độ cao cho tua-bin và tên lửa siêu thanh, vật liệu tổng hợp ma trận gốm và hệ thống bảo vệ nhiệt siêu âm. Một khoáng chất khác trong danh sách—lanthanum—được sử dụng cho kính nhìn ban đêm. Hay beryllium được sử dụng cho các hệ thống giám sát và nhắm mục tiêu trong máy bay chiến đấu.
Một số khoáng chất quan trọng được sử dụng cho hệ thống radar và giám sát. Trong đó, Germanium được sử dụng cho các thiết bị hồng ngoại và trong các tấm pin mặt trời trên các vệ tinh quân sự. Niobi được sử dụng trong các siêu hợp kim dùng để chế tạo động cơ phản lực và holmi cần thiết cho laser trạng thái rắn.
Sự phụ thuộc vào Trung Quốc
Phức tạp là vậy, nhưng đã từ lâu Mỹ dường như không quan tâm đến đảm bảo chuỗi cung ứng này phòng khi có xung đột xảy ra. Theo số liệu của S&P tính đến quý 4 năm 2022, Trung Quốc là nguồn cung cấp lithium tinh chế lớn nhất cho Mỹ, chiếm tới gần 32%. Chưa kể, phần lớn nguồn cung các loại khoáng sản quan trọng nhất cho Mỹ đến từ một số ít đối tác gồm Mexico, Trung Quốc, hay Nhật Bản và vài nước châu Phi.
Trung Quốc có vai trò rất lớn trong khai thác, tinh chế và chế biến các khoáng sản hiếm này, và hầu như không có quốc gia nào khác bắt kịp được Bắc Kinh theo tiêu chuẩn chuỗi giá trị quốc tế. Năm 2019, mặc dù Trung Quốc khai thác chưa đến 20% tổng nguồn cung lithium của thế giới, nhưng nước này đã kiểm soát hơn 60% năng lực sản xuất và tinh chế.
Than chì là một khoáng chất quan trọng khác được sử dụng trong sản xuất pin cho xe điện. Vào năm 2022, Mỹ nhập khẩu 100% than chì, với gần một phần ba trong số đó có nguồn gốc từ Trung Quốc. Hiện tại, Trung Quốc kiểm soát toàn bộ việc tinh chế và sản xuất than chì hình cầu cần thiết cho cực dương trong sản xuất pin trên thế giới.
Mỹ phụ thuộc lớn vào cung ứng khoáng sản từ nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc
Thay đổi có muộn?
Trong vài năm qua, Lầu Năm Góc đã thúc đẩy sản xuất trong nước các khoáng sản quan trọng. Cơ quan Hậu cần Quốc phòng Mỹ (DLA) có một kho dự trữ khẩn cấp gồm 47 mặt hàng nguyên liệu quan trọng với giá trị thị trường hơn 1,5 tỷ USD. Năm 2022, Quốc hội Mỹ đã cấp 1 tỷ USD để mua các vật liệu quan trọng và chiến lược, một bước quan trọng để tạo thêm kho dự trữ đệm trong trường hợp xảy ra khủng hoảng và gián đoạn chuỗi cung ứng.
Tuy nhiên, khoản phân bổ cho năm tài chính 2023 chỉ bao gồm 93,5 triệu USD cho kho dự trữ và khoảng 373 triệu USD cho các giao dịch mua liên quan đến khoáng sản theo Đạo luật Sản xuất Quốc phòng. Những rào cản pháp lý và quy định liên quan đến môi trường và dân sinh đã cản trở lĩnh vực khai thác, sản xuất và chuỗi cung ứng khoảng sản của Mỹ trong nhiều thập kỷ.
Đây là vấn đề lớn đối với nền công nghiệp quốc phòng Mỹ. Các chuyên gia thừa nhận Mỹ và các đồng minh không thể tự cung cấp đủ nguồn khoáng chất để duy trì lợi thế công nghệ của quân đội trong những thập kỷ tới.
Điều này càng trở nên cấp bách trước việc yêu cầu cung cấp vũ khí cho Ukraine hay dự trữ vũ khí khi Trung Quốc theo đuổi các chương trình hiện đại hóa quân đội ở quy mô toàn cầu. Cộng với các căng thẳng ngày càng gia tăng với Bắc Kinh, trong tương lai Mỹ có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ nguồn cung khoáng sản bị “vũ khí hóa” như cách Nga áp dụng với châu Âu trong vấn đề dầu mỏ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận