Hết Tết
Hồi chúng tôi còn bé, đến Mồng 2 Tết là mẹ tôi bảo “Hết Tết rồi nhé!” khiến anh em chúng tôi tiu nghỉu.
Cả năm chờ đến Tết để được mấy bữa ăn ngon, nhưng chúng tôi cũng hiểu, biện được mâm cỗ Tết là chuyện khá vất vả. Đầu vị là nồi bánh chưng. Vì gạo nếp trồng được nên năm nào mẹ cũng gói 15 kg gạo, khoảng 30-35 cái bánh chưng để ăn đến tận Rằm tháng Giêng. Có năm trời nồm bánh mốc thiu chua, nhất là phần góc bánh.
Đến bây giờ, khi đã làm chủ các gia đình, tôi cũng thường thở phào lặp lại câu "Hết Tết rồi". Nhưng vấn đề bây giờ là lãng phí thực phẩm và sức khoẻ. Cúng tất niên, cúng giao thừa, cúng sáng mồng Một, cúng sáng mồng Hai, cúng hoá vàng. Cúng ở nhà mình, nhà nội, nhà ngoại, nhà anh em. Bữa nào cũng thừa, đồ cúng dồn lại. Chưa kể, sau khi đi làm, lại tiếp tục liên hoan tân niên, đi chùa, đền, phủ, dự các loại lễ hội, và không thể bỏ qua một lễ trọng nữa "cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng".
Tết là sản phẩm của văn minh nông nghiệp. Tết chỉ là một thời điểm trong năm để đánh dấu chu kỳ thời gian mới. Tết không phải là đầu năm vì tháng đầu tiên của năm mới là tháng 11 âm lịch (tháng Tí). Chọn tháng Dần để đón Tiết xuân (Tết) phù hợp với lịch làm việc của nông dân. Vụ mùa đã thu hoạch xong, có gạo và hoa mầu; việc chuẩn bị cho vụ chiêm cơ bản đã hoàn tất. Đây là lúc nông dân và con cái họ được ăn miếng ngon sau cả năm tằn tiện; là lúc có điều kiện để trả nghĩa, tri ân cha mẹ và người có công với mình; là lúc quan lại "thu hoạch" từ cấp dưới.
Vài năm gần đây, có nhiều ý kiến về việc bỏ ăn Tết âm lịch hoặc ghép vào Tết dương lịch và bị phản đối khá mạnh mẽ. Lập luận phản bác cũng rất thuyết phục, viện dẫn đến truyền thống văn hóa tốt đẹp. Văn hoá và truyền thống tốt đẹp là những thứ cần phải giữ gìn. Nhưng cũng cần lưu ý, văn hoá và truyền thống đều có khởi nguyên, khác với cái đang có. Tôi tin là lực lượng chống bỏ Tết đều có quyền lợi gắn với Tết, lớn nhất là các nhà sản xuất hàng tiêu dùng, vì đây là dịp kích thích chi tiêu, mua sắm của người dân và là mùa bán hàng lớn nhất cả năm.
Ngày xưa đón Tết chỉ với một cành đào nhỏ, bình hoa thược dược kèm vài bông hoa dơn, violet và hoa đồng tiền. Nay thêm đào, quất, hoa mận, hoa lan, hoa mai và đủ thứ hoa thơm cỏ lạ. Xưa chỉ thịt lợn, gà là đầu vị thì nay có cả cao lương mĩ vị của cả thế giới dồn về: cá hồi Na Uy, trứng cá Nga, bào ngư Nam Phi, lợn Iberico Tây Ban Nha, bò Kobe/ Wagyu Nhật Bản... Rượu nút lá chuối xưa đang sánh vai với vang Pháp/ Ý/ Chile và Whiskey Scotland/ Nhật... Bên cạnh điếu cày hút thuốc lào cũng có cigar Cuba/ Nicaragua.
Đối tượng thứ hai thích duy trì Tết kiểu cũ là người có quyền lực và muốn thu hoạch từ những người chịu ơn hay muốn lobby mình.
Đối tượng thứ ba là tổ hợp kinh doanh tâm linh từ người bán hoa, làm hàng mã, cho tới các thầy cúng, thầy bói, nhà chùa, nhà đền. Theo thống kê, mỗi năm người Việt đốt 60.000 tấn vàng mã trị giá khoảng 5.800 tỷ đồng. Một doanh nghiệp vàng mã ở Yên Bái (đã lên sàn) có doanh thu năm 2020-2021 là 518 tỷ đồng và lãi ròng 58 tỷ đồng, tăng trưởng 38%. Khi tôi còn làm lãnh đạo tỉnh, một đồng liêu tỉnh bạn nói với tôi, tổ hợp tâm linh ở tỉnh đó thu vài chục tỷ đồng/ngày vào dịp Tết.
Tôi thích Tết nhưng muốn đón Tết kiểu mới vì thời thế đã thay đổi. Ngày xưa phải bày ra ăn uống mấy ngày Tết vì đi thăm nhau vài chục km cũng mất mấy giờ đi xe đạp hoặc cả ngày đi bộ. Ngày nay chỉ mất vài chục phút đi xe. Ngày xưa phải gặp mặt mới trao được cho nhau nhũng lời chúc tốt lành thì nay có thể dùng điện thoại để gửi hàng nghìn lời chúc. Ngày xưa cả làng làm ruộng, nay nửa làng bỏ đi làm công nhân (cả cổ cồn xanh và cổ cồn trắng), nửa khác không làm ruộng nữa vì không hiệu quả. Lực lượng lao động chính của xã hội ngày nay có thể vẫn phải làm việc cả mồng Một Tết. Nhận thức và hành động của họ cũng đã khác thế hệ trước rất nhiều. Nhiều người khai xuân bằng cách chạy vài km. Nhiều gia đình đi nước ngoài du lịch. Những người nhận thức được ý nghĩa của bản sắc dân tộc vẫn sẽ duy trì lễ nghi truyền thống nhưng cách tân và rút gọn đi. Họ có thể thăm cha mẹ và báo hiếu vào các dịp sinh nhật thay vì đợi đến Tết. Nếu nghỉ dài ngày, họ dành thời gian để nghỉ ngơi, chăm sóc bản thân và gia đình hạt nhân của mình.
Trong cuốn "Homo Deus - Lịch sử của tương lai" (Homo Deus - History of the Future) tác giả Yuval Noah Harari đã nói "đời chỉ là kể những câu chuyện và thuyết phục người nghe tin vào câu chuyện của mình". Nhiều câu chuyện đã được nghĩ ra từ nghìn năm đến nay vẫn còn giá trị và nhiều câu chuyện đã không còn đúng nữa. Tôi nghĩ câu chuyện Tết cần phải được kể lại để phù hợp với hiện tại và tương lai.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận