Hết sốt đất không có nghĩa thị trường sẽ “nguội lạnh”
Bất động sản không chỉ là kênh đầu tư mà còn là một mặt hàng có nhu cầu thực tương đối lớn. Do đó, sau khi những cơn sốt đất được kiểm soát, thị trường vẫn có giao dịch ổn định thay vì “nguội lạnh”.
Hiện nay, tại Việt Nam có thể thống kê được 5 kênh (lớp tài sản) đầu tư chính mà người Việt hay rót tiền vào nhất gồm: Bất động sản, chứng khoán, tiết kiệm, trái phiếu và vàng. Nhà đầu tư tìm đến các kênh đầu tư tài chính hiệu quả với nhiều mục đích khác nhau như nâng cao chất lượng cuộc sống, mong muốn về hưu sớm, tích trữ của cải, chống mất giá của đồng tiền do lạm phát... nhưng tất cả đều có chung mục tiêu là gia tăng lợi nhuận nhiều nhất có thể.
Trong đó, bất động sản là một kênh đầu tư mang đến nhiều lợi nhuận hấp dẫn cho người tham gia. Với sự phát triển theo hướng đô thị hóa mạnh mẽ ở Việt Nam, nhu cầu nhà ở cao…, kênh đầu tư này được xem là món hời dài hạn.
Bởi vậy, sau khi sốt đất qua đi, thị trường vẫn duy trì lượng quan tâm và giá trị ổn định, đợi chờ những cơ hội tăng mới. Theo báo cáo thị trường của các đơn vị nghiên cứu, nhữngcơn sốt của năm 2020 đã hạ nhiệt, hầu hết các điểm nóng bất động sản đã được chính quyền kiểm soát. Từ giai đoạn đó đến nay, thị trường đã cắt sốt và giảm giá trở lại .
Tuy nhiên, bước sang quý I/2021, Batdongsan.com.vn ghi nhận mức độ quan tâm tăng mạnh ở loại hình đất nền, đất nền dự án. Một số khu vực ghi nhận mức tăng mạnh cả về giá bán và mức quan tâm so với quý trước như: Ba Vì - Hà Nội (mức độ quan tâm tăng 33%, giá rao bán tăng 76%), Thái Nguyên (mức độ quan tâm tăng 50%, giá rao bán tăng 15%), Bắc Ninh (mức độ quan tâm tăng 37%, giá rao bán tăng 10%), Hưng Yên (mức độ quan tâm tăng 32%, giá rao bán tăng 26%), Hòa Bình (mức độ quan tâm tăng 35%, giá rao bán tăng 102%)…
Hay tại TP. Thủ Đức, giá đất nhiều khu vực cũng tăng nhiều đợt từ trước khi lên thành phố. Chẳng hạn, giá đất phường Trường Thọ nếu trước đây chỉ khoảng 40 - 50 triệu đồng/m2 thì đã tăng lên 70 - 90 triệu đồng/m2, thậm chí 100 triệu đồng/m2.
Sau cơn sốt đầu năm 2021, thị trường ghi nhận sự quan tâm có sụt giảm, tuy nhiên thực tế, vẫn có những nhà đầu tư âm thầm ôm đất để đợi đợt tăng giá mới. Đơn cử như anh Hoàng Trung Anh (Cầu Giấy, Hà Nội), đã không ngần ngại bỏ ra 12 tỷ đồng để mua một căn nhà liền kề trên đường Phạm Văn Đồng, vì trước đó, căn này có giá 14 tỷ đồng. Nhưng nay khách hàng phải trả nợ ngân hàng nên muốn đẩy nhanh.
Anh chia sẻ: “Sau đợt sốt đất điên cuồng giảm nhiệt, nhiều luồng thông tin trên các diễn đàn, hội nhóm mạng xã hội đều cho hay sẽ có đợt bán tháo, cắt lỗ bất động sản ở những khu vực nóng sốt. Những nhà đầu tư ôm đất nhiều nhưng chưa kịp ra hàng hay những nhà đầu tư áp lực vay ngân hàng chắc chắn sẽ chấp nhận bán ngang giá hoặc dưới giá vốn để thu dòng tiền thay vì chịu lãi suất ngân hàng. Tôi đã cân nhắc, tìm hiểu rất nhiều thông tin và quyết định xuống tiền mua vào”.
Nhận định về thị trường bất động sản sau cơn sốt đất, giới chuyên gia cho rằng, đây là thời điểm vàng để mua vào bất động sản nói chung và những khu vực có giá nhà đất giảm sâu nói riêng. Bởi thời gian tới, dịch bệnh có thể sẽ được kiểm soát, khi đó bất động sản sẽ là kênh phục hồi nhanh do nhu cầu lớn.
Đặc biệt, với giới đầu tư “giàu có”, giai đoạn này họ tích cực đi thu gom bất động sản càng nhiều càng tốt vì đối tượng này luôn có sẵn một khoản vốn lớn để đầu tư chứ không phụ thuộc vào mỗi bất động sản. Họ coi đây là kênh đầu tư lâu dài có thể tới 5 - 10 năm nên mua để tích trữ đợi giá lên. Bởi, thực tế đã chứng minh, trong 16 năm trở lại đây, chỉ riêng bất động sản tại Hà Nội đã tăng 26 lần, TP.HCM tăng 22 lần, bởi vậy đầu tư bất động sản dài hạn luôn luôn mang lại nguồn lợi nhuận tốt trong mọi thời điểm.
Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao Savills Việt Nam khẳng định, không vì thị trường khó khăn mà nhà đầu tư rời bỏ thị trường. Dòng tiền của nhà đầu tư có thể phân bổ nhiều nơi, nhiều kênh khác nhau. Nhưng, với những nhà đầu tư có kinh nghiệm ở lĩnh vực bất động sản lâu năm thì chắc chắn họ sẽ nhìn thấy cơ hội trong khó khăn. Mặc dù cách phân bổ dòng tiền của họ sẽ theo xu hướng chắc chắn, an toàn hơn nhưng bỏ tiền vào bất động sản cũng chính là cách họ gia tăng giá trị tài sản một cách nhanh nhất.
Thực tế cho thấy, nếu dựa vào lịch sử gần nhất của chu kỳ suy thoái là cuộc khủng hoảng bất động sản năm 2008 thì đến đầu năm 2014 có vùng giá đáy bắt đầu xuất hiện. Thời điểm đó, giá bất động sản rẻ nhất đã giảm 50% so với năm 2008. Nhiều dự án giảm đến 30% giá bán.
Tuy nhiên, ngay sau khi chạm đáy năm 2014, đến năm 2015, thị trường bắt đầu đi lên, giá bất động sản tăng mạnh trở lại và nhiều nhà đầu tư hưởng lợi lớn do đã bắt đáy đúng thời điểm, mua được những tài sản tốt bán tháo, cắt lỗ. Có những nhà đầu tư chỉ sau 1 năm đã chốt lời 25% khoản đầu tư.
Còn theo ông Đinh Minh Tuấn, chuyên gia từ Batdongsan.com.vn chia sẻ, thị trường chỉ xảy ra bán tháo khi mất hẳn mức độ thanh khoản, tức là số lượng người bán lớn hơn gấp nhiều lần số lượng người mua. Trong khi đó, bối cảnh hiện tại nguồn cung và nguồn cầu tương đối cân bằng, đầu tư vào bất động sản vẫn an toàn hơn so với tiền ảo hay chứng khoán, và khi thị trường đang chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì nhu cầu về sở hữu, đầu từ bất động sản vẫn còn lớn.
Theo ông Tuấn, thị trường sẽ khó có đợt bán tháo, cắt lỗ như nhiều người kỳ vọng. Thị trường bất động sản đang dần lấy lại trạng thái cân bằng và chờ đợi cơ hội mới khi sắp tới bộ máy Nhà nước đã hoàn thiện, các thông tin mới liên quan đến quy hoạch, hạ tầng tại các địa phương tiếp tục được công bố theo chu kỳ vào tháng 9 và tháng 12./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận