Hết dịch, giá cả sẽ tự điều tiết bình ổn trở lại có cần sự can thiệp?
Mỗi khi mặt hàng nào có giá cả tăng đột biến, lại là do nhu cầu tăng, mà lại là nhu cầu về sức khỏe thì tất nhiên dư luận sẽ lên án ngay những người nâng giá là "bọn vô đạo đức",...và yêu cầu nhà nước ra tay xử lý.
Vấn đề khẩu trang đã và sẽ còn nóng trong thời gian gần đây. Như đã phân tích trong các bài trước (post lại ở phần dưới) thì việc "phạt" không có tác dụng gì cả trong việc hạ giá hay làm tăng nguồn cung khẩu trang. Vậy chính sách nào của nhà nước được coi là "hợp lý nhất" trong thời điểm hiện nay?
- Tăng cung: Tất nhiên là nhà nước sẽ huy động mọi doanh nghiệp tăng nguồn cung khẩu trang và hầu hết các doanh nghiệp ý thức được trách nhiệm xã hội cũng sẽ cố gắng tăng nguồn cung khi giá bán không được tăng nhiều. Nhưng như đã nói thì nguồn nguyên vật liệu hiện đang khan hiếm trên toàn thế giới nên cung chắc chắn không thể tăng để đáp ứng đủ nhu cầu.
- Giảm cầu: Đây phải được coi là giải pháp quan trọng nhất. WHO và các tổ chức y tế quốc tế có uy tín như CDC Mỹ cũng đều đã khuyến cáo là các vùng chưa có lây lan dịch thì người khỏe mạnh trong các môi trường bình thường không cần đeo khẩu trang y tế. Chỉ có trong vùng dịch lây lan mạnh hoặc những người đi vào môi trường có nguy cơ cao như bệnh viện hoặc người có triệu trước cảm cúm mới cần đeo khẩu trang y tế. Rửa tay thường xuyên đúng cách mới là biện pháp phòng bệnh quan trọng hơn. Bộ Y tế và hệ thống báo chí cần tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa thông điệp này tới người dân để mọi người hiểu là ai và khi nào cần sử dụng khẩu trang y tế. Các thông điệp này cần được lập đi lập lại trên Tivi, báo chí, MXH, tin nhắn...một cách liên tục.
- Việc kiểm tra hành chính và phạt cũng phải làm để "hạ nhiệt" dư luận. Trong một tình huống "bất thường" như bệnh dịch, thiên tai lớn thì không thể nào đòi hỏi đa số người dân, nhất là ở Việt Nam quen có sự can thiệp của nhà nước, có kiến thức về Kinh tế học để giải thích cho họ. Số đông sẽ đánh giá dựa trên "cảm xúc". Do đó nhà nước vẫn có thể cử người đi kiểm tra hoặc "phạt" một vài nhà thuốc lấy lệ ở mức phạt nhỏ nhất để người dân thấy là nhà nước "có làm gì đó" nhưng không nên thực hiện các biện pháp "mạnh" như phạt hàng chục triệu hay rút giấy phép vì như đã phân tích, đây không phải "lỗi" của nhà thuốc.
Tóm lại, trong những tình huống rất "bất thường", lại ở trong 1 môi trường đặc thù như Việt Nam thì các giải pháp chính sách chỉ có thể ở dạng "Second best", tức là "Tốt nhất thứ nhì" chứ không thể "Tốt nhất" được. Chính sách của nhà nước luôn phải có một phần "dân túy" trong đó nhưng cần hạn chế phần "dân túy" này thấp nhất có thể để không làm méo mó thêm môi trường kinh doanh trong dài hạn và dần nâng cao nhận thức của người dân về vai trò quản lý của nhà nước.
(Mỗi khi mặt hàng nào có giá cả tăng đột biến, lại là do nhu cầu tăng, mà lại là nhu cầu về sức khỏe thì tất nhiên dư luận sẽ lên án ngay những người nâng giá là "bọn vô đạo đức", "hút máu đồng bào trong lúc hoạn nạn",...và yêu cầu nhà nước ra tay xử lý.
Giá khẩu trang đang tăng đột biến ở Việt Nam là do nhu cầu vì người dân sợ cúm. Về lý thuyết, khi giá tăng thì lượng cung sẽ tăng vì các doanh nghiệp sẽ tăng cường sản xuất bằng cách tăng giờ lao động, tuyển thêm lao động, lắp đặt máy móc, nhập hàng từ nước ngoài về bán. Sau một thời gian thì lượng cung sẽ tăng lên và giá cả bình ổn trở lại. Đó là nguyên tắc căn bản của KTTT và chả cần nhà nước can thiệp. Tuy nhiên, hiện nay do sợ dịch cúm nên thiếu khẩu trang là vấn đề chung của thế giới. Ở hầu hết các quốc gia, do người dân hoảng sợ đi mua gom khẩu trang nên ở các nước phát triển như Mỹ, Nhật, Hàn, Singapore... cũng đều có hiện tượng khan hiếm. Do đó, có muốn tăng nhập khẩu từ nước ngoài dù chấp nhận giá cao cũng khó. Các doanh nghiệp trong nước sản xuất khẩu trang trong nước thì phụ thuộc vào nguyên vật liệu từ Trung Quốc. Mà Trung Quốc là tâm điểm của dịch, nguồn cung tất nhiên càng khan hiếm do nhu cầu tăng và sản xuất đình trệ. Như vậy trong khoảng vài tháng sắp tới, nếu dịch cúm chưa hạ nhiệt thì nguồn cung rất khó tăng đủ để đáp ứng nhu cầu.
Khi cung đã khan hiếm thì về lý thuyết giá cả phải tăng (có thể gấp 5, 7 lần) để cân bằng cung cầu. Những người ít tiền không mua được tất nhiên sẽ rất phẫn nộ nên đòi nhà nước can thiệp và sự phẫn nộ này cũng hợp lý về mặt "đạo đức".
Giờ giả sử nhà nước bắt các cửa hàng bán khẩu trang đúng giá (ví dụ là 40 ngàn/hộp). Nếu bán thoải mái thì đảm bảo những người đi mua sẽ mua mỗi người khoảng 10 hộp vì chả ai biết dịch cúm sẽ kéo dài tới bao giờ và những người đến sau cũng sẽ không mua được. Những người mua được có thể sẽ bán lại cho những người cần với giá cao và cũng chỉ những người có tiền mới mua được. Người được hưởng lợi lúc này không phải là cửa hàng nữa mà là người đã nhanh chân mua được hàng và bán lại trên thị trường chợ đen.
Để hạn chế việc này, một số người có thể để nghị các cửa hàng là chỉ bán theo "định lượng", tức là mỗi người chỉ được mua 2 hộp chả hạn. Lúc này sẽ nảy sinh vấn đề xếp hàng. Có những người nhiều thời gian sẽ xếp hàng mua 20 hộp và sau đó bán lại với giá cao cho những người nhiều tiền nhưng ít thời gian hơn. Nhà thuốc không thể nào kiểm soát được ai đã xếp hàng mua nhiều lần và do họ chỉ được bán đúng giá, không có lời nhiều nên chả có động lực để đi "kiểm soát" xem ai mua được hay không. Họ có 1000 hộp và đằng nào cũng chỉ được bán 40 ngàn/hộp, bán cho người mua nhiều hay mua ít cũng thế nên tất nhiên họ chả rảnh để bỏ nguồn lực ra giám sát.
Tóm lại, việc kiểm soát giá thế này chỉ mang ý nghĩa chính trị, làm an lòng đòi hỏi của dân chúng chứ thực sự không mang lại hiệu quả thực tế gì cả. Đằng nào cũng sẽ có nhiều người không mua được khẩu trang và đó là những người ít tiền. Sự khác nhau là "lợi nhuận" của việc nâng giá thay vì thuộc về "cửa hàng" chuyển sang những người buôn bán nhỏ lẻ vì nhà nước không thể đủ nguồn lực kiểm soát họ. Đây là cơ chế thị trường chợ đen rất phổ biến thời kinh tế bao cấp. Việc "khan hiếm" khẩu trang đến từ "lòng tham" và "nỗi sợ" của chính mỗi người tiêu dùng chứ chả phải do "cửa hàng bất lương" nào cả)
Theo báo cáo nhanh từ Tổng cục Quản lý thị trường, trong ngày 1/2, lực lượng quản lý thị trường trên toàn quốc đã đồng loạt ra quân tổng kiểm tra, xử lý và vận động các cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế thực hiện việc niêm yết giá bán, ký cam kết không vi phạm về giá, nguồn gốc xuất xứ đối với mặt hàng khẩu trang và nước sát khuẩn.
Tính đến cuối ngày, đã có 85 cửa hàng bị xử lý với số tiền vi phạm gần 89 triệu đồng và lực lượng quản lý thị trường tạm giữ 4.870 khẩu trang có dấu hiệu vi phạm.
Đặc biệt, đối với số khẩu trang có dấu hiệu vi phạm về nhãn hàng hóa và số khẩu trang đang tạm giữ tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh xử lý và đưa ngay số hàng này ra thị trường phục vụ nhu cầu của người dân.
Ghi nhận trong quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường, tại nhiều địa phương đã xảy ra hiện tượng thiếu hàng, thu gom, tăng giá các mặt hàng khẩu trang, nước sát trùng và găng tay y tế phục vụ phòng bệnh.
Dọc tuyến phố Ngọc Khánh (Hà Nội), các cửa hàng thuốc đều treo biển thông báo hết khẩu trang y tế. Tại chợ thuốc Hapulico, hai doanh nghiệp phối hợp với Ban Quản lý, lực lượng quản lý thị trường và Công an tổ chức bán 17.000 hộp khẩu trang loại 50 chiếc/hộp với giá 50.000 đồng/hộp.
Dọc tuyến phố Phương Mai (Hà Nội), nhiều cửa hàng thuốc bán các loại khẩu trang nhiều loại với giá từ 150.000 đến 200.000 đồng/hộp, nhưng số lượng người mua không nhiều. Tại các khu vực khác, nhiều cửa hàng thuốc vẫn bán khẩu trang y tế với giá 3.000 đồng/chiếc (150.000 đồng/hộp), nhưng người mua cũng không nhiều.
Còn tại Quảng Ninh, hiện trên thị trường rất khan hiếm mặt hàng khẩu trang y tế. Các lực lượng chức năng đã kiểm tra và tạm giữ 200.000 chiếc khẩu trang (chủ yếu do thu gom để xuất sang bên kia biên giới).
Báo chí cứ đi đánh vào cảm xúc của đám đông không. Muốn sử dụng Luật Cạnh tranh để chống "cấu kết" thì điều kiện tiên quyết là phải ở trong thị trường độc quyền nhóm, tức là có "ít nhà sản xuất" thì mới dễ "bắt tay" nhau được. Còn đằng này có tới cả trăm nghìn cái nhà thuốc ở Việt Nam này thì "cấu kết" cái gì. Các nhà thuốc ở Sài Gòn cũng đã trưng biển "Hết khẩu trang và nước rửa tay" từ hôm bắt đầu có tin 3 người Việt Nam đầu tiên bị cúm. Đơn giản là vì nhiều người hỏi quá, họ cứ phải trả lời hoài nên mệt chứ chả "chống đối" gì cả. Có hàng đâu mà bán.
Còn một số cửa hàng còn hàng tồn nhưng họ không thích bán. Tại sao? Vì giờ bán giá "cao hơn" thì bị phạt. Bán bằng giá cũ thì chả lời bao nhiêu mà người ta chen lấn, xô đẩy để mua còn mệt hơn nhiều. Người không mua được lại chửi. Hàng để đó bán dần cho người quen, vừa được giá cao hơn lại vừa được cảm ơn.
Như vậy vấn đề chính là do "cầu" của người tiêu dùng quá lớn. Nhu cầu cao đến từ việc "sợ hãi" và "bất trắc". "Sợ" dịch cúm và "bất trắc" là không biết nó kéo dài tới bao giờ và không biết còn nguồn cung không. Nhiều người trách người Việt Nam là không được như người Nhật, tự biết hạn chế mua ít thôi, để dành cho người khác. Việc so sánh này nghe thì cũng nhiều "cảm xúc" nhưng cũng không thực tế. Điều kiện của Việt Nam quá khác so với Nhật về văn hóa, điều kiện phát triển. Văn hóa Nhật có hàng ngàn năm quen ứng phó với thảm họa nên đã tạo ra lối sống cộng đồng vì nếu không dựa vào cộng đồng thì mình sẽ chết trước khi có thảm họa xảy ra, không ai giúp. Tức là "vốn xã hội" của họ rất cao, cũng như dân Bắc Âu. Đòi hỏi người Việt Nam hiện nay có "vốn xã hội" cao như vậy là điều không tưởng. Họ cũng đã sống lâu trong một xã hội dư thừa hàng hóa, muốn là có nên cũng không sợ thiếu thốn tới nỗi phải đi mua vét.
Tóm lại thì trong việc này cũng không nên trách cứ nhà thuốc hay người dân vì đây là tình huống hết sức "bất thường". Người không mua được thì quá lo, mà "quá lo" thì sẽ "chửi" người bán. Nhưng vấn đề thiếu nguồn cung thì không phải do người bán hay lòng tham, bất lương nào gây ra cả. Cũng như khi người tiêu dùng "quá sợ" mà gom hàng vậy. Đa số cũng là lo cho mình và gia đình thôi. Tất cả chúng ta đều như nhau cả. Chửi nhau làm gì
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận