Hệ thống tiền tệ thế giới sắp hình thành trật tự đa cực?
Trong bài phân tích đăng trên tờ Korea Herald (Hàn Quốc), Giáo sư Hwang Jae-ho - Giám đốc Viện Chiến lược và Hợp tác Toàn cầu, thành viên của Ủy ban tư vấn của Tổng thống Hàn Quốc về chính sách và kế hoạch - đã phỏng vấn các chuyên gia kinh tế về quan điểm cho rằng, thế giới chưa định hình một trật tự đa cực trong lĩnh vực tiền tệ ít nhất là trong ngắn và trung hạn.
Đồng USD giữ vai trò trung tâm của hệ thống tiền tệ toàn cầu trong hơn 7 thập kỷ kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Hệ thống tiền tệ quốc tế với sự thống trị của đồng USD đã định hình nền chính trị thế giới sau chiến tranh, góp phần quan trọng vào việc nâng cao quyền lực của nước Mỹ, cả về kinh tế và chính trị, cũng như bôi trơn “bánh xe” của nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, những năm gần đây đã xuất hiện những yếu tố mới đáng chú ý, có thể làm lung lay vị thế bá chủ toàn cầu của đồng USD.
Trung Quốc đã nỗ lực đẩy mạnh quốc tế hóa sử dụng đồng nhân dân tệ (NDT) kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Các loại tiền điện tử như Bitcoin cũng phát triển mạnh với tổng số vốn hóa thị trường đạt gần 3.000 tỷ USD vào tháng 11/2021, tạo ra bước nhảy vọt đáng kinh ngạc so với chỉ 14 tỷ USD vào 5 năm trước. Sự phát triển của "stablecoin" (đồng tiền mã hóa được neo vào giá trị của tài sản dự trữ ổn định) cũng đáng chú ý, thể hiện bằng sự gia tăng vốn hóa thị trường của đồng Tether, từ khoảng 4 tỷ USD vào tháng 1/2020 lên 80 tỷ USD trong tháng này.
Trong khi đó, phần lớn ngân hàng trung ương các nước cũng đang nghiên cứu triển khai các loại tiền kỹ thuật số do nhà nước quản lý. Đi tiên phong trong số các nền kinh tế lớn là Trung Quốc đã thí điểm đồng NDT kỹ thuật số với phạm vi dân số lớn. Liệu sự phát triển của những đồng tiền mới này có thể thách thức trật tự tiền tệ toàn cầu với vị thế bá chủ của đồng USD và làm thay đổi bản đồ tiền tệ thế giới hiện nay hay không? Đây chắc chắn là một trong những những vấn đề quan trọng quyết định tương lai của môi trường kinh tế chính trị toàn cầu, vì những diễn biến nói trên có thể tác động đến năng lực quản lý nhà nước trong điều hành nền kinh tế, sự vận hành của nền kinh tế thế giới và cán cân quyền lực toàn cầu.
Vai trò trung tâm của đồng USD đối mặt với thách thức lớn
Giáo sư Benjamin J. Cohen, Đại học California (Mỹ), chuyên gia nổi tiếng và là tác giả của 18 cuốn sách về tài chính và tiền tệ quốc tế, nhận định rằng vai trò trung tâm của đồng USD được chính thức hóa trong thỏa thuận Bretton Woods năm 1944. Nhưng gần như ngay lập tức đồng bạc xanh đã phải chịu áp lực khi các khoản nợ của Mỹ vượt quá giá trị kho vàng dự trữ ở Fort Knox. Ngay từ thời điểm này người ta đã dự đoán về sự sụp đổ của hệ thống tiền tệ lấy đồng USD làm trung tâm.
Ông Cohen cho rằng, đồng USD đối mặt với hai thách thức nổi bật. Thứ nhất, một số nhà quan sát dự báo sự lên ngôi của các đồng tiền có tiềm năng thay thế đồng bạc xanh, chẳng hạn như đồng euro hoặc đồng NDT. Lịch sử cho thấy trật tự tiền tệ toàn cầu là một quá trình luôn xoay chuyển, mọi đồng tiền quốc tế cuối cùng đều bị thay thế. Thứ hai là khoản nợ liên tục gia tăng của Mỹ là nguy cơ đe dọa đến uy tín tài chính của nước này. Từng là chủ nợ lớn nhất thế giới, nhưng hiện tại Mỹ lại là con nợ lớn nhất trong lịch sử. Nhiều người bày tỏ lo ngại rằng không sớm thì muộn những khoản nợ khổng lồ có thể làm lung lay niềm tin của thị trường vào đồng USD.
Theo Phó Giáo sư Hyoung-kyu Chey tại Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia (Nhật Bản), những thách thức đang nổi lên với đồng USD bao gồm cả những thách thức bên trong như áp lực lạm phát gia tăng ở Mỹ thời gian gần đây và những thách thức bên ngoài như nỗ lực của một số quốc gia, gồm Trung Quốc và Nga, nhằm xây dựng một hệ thống thanh toán quốc tế không sử dụng đồng USD.
Ông Hyoung-kyu Chey cho rằng vị thế bá chủ toàn cầu của đồng bạc xanh có khả năng vẫn được giữ vững trong thời gian khá dài. Nguyên nhân là đồng USD nắm giữ nhiều lợi thế quan trọng mà không đồng tiền nào khác có được, bao gồm độ sâu và tính thanh khoản của thị trường kho bạc Mỹ và sức mạnh quân sự vượt trội của Washington, vốn được xem là chỗ dựa đảm bảo sự tin cậy của đồng USD. Tóm lại, vào thời điểm này, không có đồng tiền mạnh nào có thể sánh được với đồng USD.
Xu hướng quốc tế hóa đồng NDT của Trung Quốc
Giáo sư Benjamin J. Cohen nhận xét, đồng NDT không đạt được kỳ vọng trong thời gian qua, song triển vọng với đồng tiền này sẽ khả quan hơn trong những năm tới. 15 năm trước, khi đồng NDT xuất hiện lần đầu trên trường quốc tế, nhiều người dự đoán một tương lai tươi sáng cho đồng tiền này. Trung Quốc đang vươn lên trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, cũng như vị trí số 1 về thương mại toàn cầu. Vậy tại sao đồng NDT không thể vượt qua đồng USD?
Ông Benjamin J. Cohen cho rằng trên thực tế, đồng tiền của Trung Quốc đã đạt được rất ít bước tiến, chỉ chiếm chưa đến 3% giao dịch trên thị trường ngoại hối (so với 45% của đồng USD) và không quá 4% lượng dự trữ tiền tệ toàn cầu (so với 60% của USD). Vấn đề lớn nhất nằm ở sự kiểm soát vốn của Chính phủ Trung Quốc, Bắc Kinh không khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài và các ngân hàng trung ương. Chừng nào nước này còn chưa thể mở cửa thị trường tài chính, thì sức hấp dẫn của đồng NDT sẽ còn bị hạn chế.
Phó Giáo sư Hyoung-kyu Chey cũng cho rằng, bất chấp những nỗ lực đáng kể của Bắc Kinh nhằm đẩy mạnh việc quốc tế hóa đồng NDT, tiến độ thực tế đã không phản ánh đúng những dự báo ban đầu. Kể từ khi đạt đỉnh vào giữa năm 2015, quá trình quốc tế hóa đồng NDT đã giảm tốc và vẫn ở tình trạng trì trệ. Mặc dù vậy, vẫn có một số dấu hiệu đáng chú ý theo hướng tích cực đối với đồng tiền này. Đến nay, thị phần toàn cầu của đồng NDT với vai trò là đồng tiền dự trữ vẫn tiếp tục tăng dần. Ngoài ra, chiều hướng sử dụng NDT như một đồng tiền thanh toán quốc tế đã bắt đầu phục hồi kể từ cuối năm ngoái và một lần nữa vượt qua đồng yen của Nhật Bản. Câu chuyện quốc tế hóa đồng NDT vẫn đang tiếp tục diễn ra.
Quốc tế hóa việc sử dụng đồng NDT chắc chắn sẽ được khuyến khích, nhưng các đồng tiền khác cũng không “khoanh tay đứng nhìn”. Các cơ quan quản lý tiền tệ khác cũng đang theo đuổi mục tiêu số hóa đồng tiền của mình. Đáng chú ý là các tổ chức tiền tệ lớn như Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã vô hiệu hóa phần lớn lợi thế đi tiên phong của đồng NDT kỹ thuật số. Tất nhiên, không thể không kể đến các loại tiền kỹ thuật số khác do tư nhân phát hành, cũng đang cạnh tranh với quá trình quốc tế hóa của đồng NDT. Trong bối cảnh đó, đồng NDT của Trung Quốc sẽ không có được bất kỳ ưu thế đặc biệt nào.
Phó Giáo sư Hyoung-kyu Chey cũng chia sẻ quan điểm của mình, cho rằng việc số hóa đơn thuần không nhất thiết sẽ đem lại sự thúc đẩy mạnh mẽ quá trình quốc tế hóa đồng NDT, đồng tiền này cũng không nhất thiết phải đe dọa đến vị thế chi phối quốc tế của đồng USD. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc xây dựng một hệ thống thanh toán quốc tế bằng đồng NDT, đặc biệt là với các quốc gia đang chịu các lệnh trừng phạt tài chính của Mỹ như Nga và Triều Tiên, đồng NDT kỹ thuật số có thể được sử dụng như một công cụ cho phép các nước này “lách” các lệnh trừng phạt tài chính, theo đó ảnh hưởng đến tính toán của Washington trong các mục tiêu chính sách đối ngoại. Kịch bản này cũng gây ra những tác động hạn chế do Mỹ cũng thực hiện các “biện pháp trừng phạt thứ cấp”, miễn là đồng USD vẫn giữ được vị thế là đồng tiền thống trị trật tự tiền tệ quốc tế.
Theo Koreal Herald
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận