'Hệ thống siêu thị có lợi ích nhóm hay không?'
Từng bị nhiều siêu thị "hành" lên bờ xuống ruộng, ông Nguyễn Hồng Quyết - HTX nông nghiệp công nghệ cao Kim Long (Bình Dương) bức xúc đặt câu hỏi: "Tôi không biết hệ thống siêu thị có lợi ích nhóm hay không?".
Các siêu thị cần tiếp thu để chấn chỉnh bộ phận thu mua. Không thể xem nhà cung ứng như người đi xin, còn siêu thị đi cho, mà là quan hệ bình đẳng, siêu thị cũng có lợi nhuận khi lấy hàng của các nhà cung ứng để bán.
Bà Nguyễn Huỳnh Trang - phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM - khẳng định như vậy tại hội nghị "Các nhà cung ứng và đơn vị phân phối trên địa bàn TP.HCM" được tổ chức ngày 27-9. Tại hội nghị, nhiều nhà cung ứng "tố" rằng đã bị các hệ thống siêu thị làm khó.
Siêu thị "coi thường" nhà cung ứng?
Bà Dương Thu Uyên - giám đốc Công ty Devie (TP.HCM) - cho biết cách đây vài tháng đã chào mặt hàng ngũ cốc cho hệ thống siêu thị BigC. Sau khi kiểm tra và đánh giá sản phẩm đảm bảo chất lượng, BigC và công ty đã thống nhất hợp tác cung ứng hàng theo hợp đồng. Tuy nhiên sau đó siêu thị này rút lui, công ty không liên hệ được.
"Để cung ứng sản phẩm cho siêu thị, chúng tôi phải đầu tư tài chính, máy móc... nên việc đơn phương dừng giữa chừng gây nhiều thiệt hại cho đơn vị" - bà Uyên bức xúc. Tương tự, khi tiếp thị mặt hàng trái cây khô tự nhiên vào hệ thống của Saigon Co.op, doanh nghiệp này lại nhận được phản hồi là "không biết nên đưa sản phẩm này vào nhóm thực phẩm tươi hay khô", nên việc cung cấp đi vào ngõ cụt.
Trong khi đó, theo ông Đặng Thanh Hùng - giám đốc Công ty CP Đế Gò Đen (Long An), sản phẩm rượu đặc sản của doanh nghiệp có chứng nhận chất lượng và từng đem sang Pháp, nhưng đàm phán đưa hàng vào BigC hơn 2 năm qua vẫn chưa nhận được kết quả.
Thậm chí, siêu thị Mega Market Việt Nam còn không cho doanh nghiệp tiếp xúc. "Những doanh nghiệp nhỏ chúng tôi mỗi lần đi chào hàng rất tốn thời gian, kinh phí" - ông Hùng nói.
Từng bị nhiều siêu thị "hành" lên bờ xuống ruộng, ông Nguyễn Hồng Quyết - HTX nông nghiệp công nghệ cao Kim Long (Bình Dương) - cho biết sau khi gửi hồ sơ, doanh nghiệp mòn mỏi chờ đợi, thậm chí gọi điện và gửi email nhưng không được trả lời.
"Tôi không biết hệ thống siêu thị có lợi ích nhóm hay không?", ông Quyết đặt câu hỏi, đồng thời cho rằng ngay cả phép lịch sự tối thiểu là phản hồi nhà cung ứng mà các siêu thị cũng không làm.
Sản phẩm măng tây hữu cơ của doanh nghiệp từng được Bộ Nông nghiệp Mỹ cấp chứng nhận, nhưng ông Nguyễn Văn Tiến - Công ty nông nghiệp Tiên Tiến (TP.HCM) - cho biết đến 3 siêu thị để chào hàng lại không nhận được trả lời hoặc từ chối bằng nhiều cách. Có siêu thị cho biết không tiếp nhận qua điện thoại nhưng khi gửi email lại không trả lời, có siêu thị không đi khảo sát vùng trồng...
Phải chấn chỉnh bộ phận thu mua
Trả lời các nhà cung ứng, đại diện hệ thống BigC cho rằng những sản phẩm đặc thù như rượu phải theo quy trình và xem xét lâu hơn. Tuy nhiên, nếu hợp đồng đã ký kết, siêu thị cam kết sẽ sớm đưa hàng lên kệ siêu thị.
Giải thích về việc nhà cung ứng không nhận được phản hồi, ông Võ Hoàng Anh - giám đốc phòng hàng nhãn riêng Saigon Co.op - cho rằng có thể siêu thị đã phản hồi nhưng bị thất lạc và gây hiểu lầm!
"Tôi sẽ làm việc lại với các bên nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho nhà cung cấp" - ông Anh nói.
Để tránh những khó khăn khi chào hàng, ông Anh cho biết doanh nghiệp có thể liên hệ với giám đốc hệ thống siêu thị này tại địa phương nếu sản phẩm ký gửi ở các địa phương. Riêng tại TP.HCM, khách hàng cần đến thẳng địa chỉ Saigon Co.op.
"Hiện đơn vị có bộ phận chuyên biệt để tư vấn cho nhà cung cấp, không đàm phán thông qua các trung gian nào cả" - ông Anh khẳng định.
Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Huỳnh Trang cho rằng việc gây khó khăn, thái độ không lịch sự và bất cần của nhà phân phối đối với đơn vị cung ứng là điều không thể chấp nhận được.
"Nhân viên được phân công tiếp xúc khách hàng là bộ phận quan trọng. Vui hay không, hay có vấn đề gì tiêu cực đều rơi vào bộ phận này. Do đó, các siêu thị cần tiếp thu để chấn chỉnh bộ phận thu mua" - bà Trang đề nghị.
Cũng theo bà Trang, không mua sẽ có lý do nhưng ít nhất nhà cung ứng phải được gặp gỡ, trao đổi với hệ thống phân phối.
"Không thể coi nhà cung ứng như người đi xin, còn siêu thị đi cho. Người sản xuất đầu tư nước mắt, tiền bạc nên rất khổ, còn siêu thị mua bán lại cũng có lời sao phải làm khó nhau. Nếu để cuộc chơi sòng phẳng và dài lâu, chúng ta cần suy nghĩ sự bình đẳng" - bà Trang nói thêm.
Nước ngoài chuộng, khó bán trong nước
Ông Trần Văn Công - giám đốc Công ty Faos (Gia Lai) - cho biết doanh nghiệp này đầu tư lớn để sản xuất tinh dầu sachi, loại tinh dầu có hàm lượng omega cao, chất lượng rất tốt. Tuy nhiên, rất khó để đưa vào phân phối trong các hệ thống siêu thị, đầu ra bó hẹp khiến nhiều bà con nản, chặt phá dần cây sachi.
Trong khi đó, theo ông Lê Văn Tặng - giám đốc Công ty Hòn Chông (Kiên Giang), doanh nghiệp này sản xuất 300 tấn cá cơm khô/năm, xuất bán sang thị trường Singapore ước đạt 1,7 triệu USD/năm.
Tuy nhiên, việc tìm đầu ra cho sản phẩm này rất khó, do các nhà phân phối không quan tâm. Tương tự, đồ chơi gỗ của Công ty Tây Long (Vĩnh Long) được nhiều đối tác liên hệ để xuất khẩu nhưng việc chào bán sản phẩm này đến các nhà bán lẻ trong nước gặp rất nhiều khó khăn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận