menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hồ Trọng Lai

Hệ sinh thái kinh doanh

Gần đây, chúng ta nghe người ta nói nhiều về thuật ngữ hệ sinh thái (ecosystem). Vậy chúng ta hiểu nó như thế nào?

Thật ra, cái mà người ta hay đề cập đến, nói một cách đầy đủ chính là hệ sinh thái kinh doanh (business ecosystem). Tất nhiên thuật ngữ hệ sinh thái kinh doanh được bắt nguồn từ khái niệm hệ sinh thái. Đây là khái niệm đã được dạy ngay từ trường THCS cho các em học sinh. Theo Wikipedia, "Hệ sinh thái là một hệ thống mở hoàn chỉnh gồm các thành phần có sự sống (sinh vật còn gọi là quần xã) và các thành phần không có sự sống (phi sinh vật) như không khí, nước và đất khoáng (gọi chung là sinh cảnh)." Thí dụ như hệ sinh thái mưa rừng nhiệt đới, HST biển,...

Nói một cách đơn giản, hệ sinh thái là các tập hợp các nhóm thực vật và động vật (gọi chung là sinh vật) phụ thuộc lẫn nhau, cùng tồn tại ở trong cùng một môi trường có cùng chung một đặc điểm chung nào đó. Thí dụ môi trường sa mạc trong HST sa mạc và trong đó có sự tương tác giữa các sinh vật, và giữa các sinh vật và môi trường của chúng (phi sinh vật) để đạt được sự cân bằng và bền vững.

HỆ SINH THÁI KINH DOANH

Trên cơ sở khái niệm của HST tự nhiên, người ta đưa ra khái niệm hệ sinh thái kinh doanh (HST KD) với ý nghĩa như là một tập hợp có nhiều thành phần phụ thuộc lẫn nhau để cùng phát triển trong một môi trường kinh doanh nào đó có cùng một đặc điểm chung nhằm hướng tới sự phát triển bền vững.

Như vậy, trong HST KD luôn có các thành phần phụ thuộc lẫn nhau và chịu tác động của môi trường bên trong lẫn bên ngoài. Các thành phần này bao gồm các thành phần trong chuỗi cung ứng, người mua, các bên thứ ba như chính quyền, các sàn giao dịch... Chúng ta có thể phân loại các thành phần này thành 3 nhóm dựa trên lợi ích riêng của họ: nhóm các người bán, nhóm các người mua và nhóm thứ ba. Hệ sinh thái chỉ phát triển và phát triển bền vững khi đạt đến trạng thái cân bằng sự thỏa mãn lợi ích riêng của mỗi nhóm. Thiếu một trong các nhóm HST sẽ không thể hình thành hoặc không thể phát triển.

Tóm lại HST có các đặc điểm sau:

1- Thành viên tạo nên HST là các nhóm có lợi ích mong muốn riêng nhưng phụ thuộc lẫn nhau và cùng tồn tại trong một môi trường có ít nhất một đặc điểm chung;

2- HST hướng đến sự cân bằng các lợi ích giữa các nhóm để tồn tại và phát triển;

3- HST chịu sự tác động của môi trường bên trong và bên ngoài.

Như vậy điều cốt lõi để hình thành và phát triển HST chính là HST phải thỏa mãn được giá trị mong muốn của mỗi nhóm.

Nên nhớ, trong HST KD nhóm người mua có những giá trị riêng bao gồm cả các điểm mong muốn (gain) như : có nhiều hàng để mua, mua được hàng có chất lượng cao, giá rẻ, giao hàng nhanh, tránh bị lừa, bảo hành tốt ... và các nỗi khó khăn (pain) như: không biết thực hiện ra sao, sợ bị lừa,...

Trong khi đó, nhóm người bán thì ngược lại, có những giá trị riêng bao gồm cả các điểm mong muốn (gain) như bán được nhiều hàng, bán được giá cao, lợi nhuận nhiều, được thanh toán nhanh, quay vòng chu kỳ sxkd nhanh ..... và các nỗi khó khăn (pain): bán ra sao, làm sao tiếp cận người mua, sợ bị boom hàng...

Nhóm thứ ba gồm các bên thứ ba như giao nhận, các sàn giao dịch, chính quyền,.... Nhóm này cũng có những giá trị riêng bao gồm cả pain và gain như chính quyền thì muốn thu được nhiều thuế, chống rửa tiền, ..... Có thể thấy, HST KD không thể được phép hoạt động tại một quốc gia nào đó nếu chính quyền tại đó cho rằng họ không thu được thuế từ HST hoặc không kiểm soát được các nguy cơ hoặc rủi ro như rửa tiền, tài trợ cho các tổ chức chống phá,... Thí dụ như Google hay FB không được hoạt động tại TQ vì nhiều lý do.

Chúng ta có thể thấy, trong HST KD giá trị của mỗi nhóm thường đối lập nhau cho nên HST chỉ phát triển khi đạt được trạng thái cân bằng các lợi ích, thí dụ như : Thuận mua vừa bán (đồng thuận trên cơ sở win-win). Nếu không làm được điều này HST sẽ không tồn tại.

Các nhóm trong HST luôn có cùng một câu hỏi:" tại sao họ phải tham gia HST này?" lời giải đáp chính là cái được gọi là giá trị cung ứng (value proposition) mà HST có được và thỏa mãn các giá trị riêng của các nhóm, hay nói theo kiểu dân gian: đất lành chim đậu.

Ngoài việc phải cân bằng lợi ích các bên trong HST, HST còn chịu tác động của môi trường bên ngoài thí dụ như công nghệ, xu hướng XH, luật pháp, môi trường thiên nhiên... vì thế HST phải luôn tự thay đổi mình để tồn tại.

LÀM SAO ĐỂ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN MỘT HỆ SINH THÁI KINH DOANH.

Trước khi đi vào cách hình thành một HST, thì cần biết rằng có hai dạng hệ sinh thái kinh doanh. Một là hệ sinh thái giải pháp ( solution ecosystem) và hệ sinh thái giao dịch (transaction ecosystem). (Tôi sẽ nói sâu về phần này ở bài khác.)

Tuy nhiên dù gì thì để hình thành một HST KD hay nói một cách khác để thu hút các nhóm tham gia vào HST chính là việc thỏa mãn các lợi ích, giá trị của họ. Chúng ta thử hình dung một hệ sinh thái nhỏ như một trung tâm thương mại (mall), nhóm người mua sẽ hỏi tại sao họ phải đến đây để mua hàng? vì có nhiều hàng?, vì giá hàng hóa , spdv rẻ? , vì luôn có nhiều khuyến mãi?, vì gần nhà, và ... còn nhóm người bán sẽ hỏi tại sao họ phải đem hàng vào đây để kinh doanh? vì sẽ bán được nhiều? vì chi phí thấp nên lợi nhuận cao, vì dễ dàng tuyển nhân sự?, không cần nhiều vốn và ....Có thể thấy, với nhóm người mua, chúng ta có thể dễ dàng thu hút họ bằng các biện pháp marketing như chương trình khuyến mãi, cho các coupon, chương trình giảm giá,... Nhưng để thu hút người bán thì khó hơn vì lý do người bán có nhiều rủi ro hơn người mua. Nếu họ đang kinh doanh ổn định ở đâu đó thì để thu hút họ cần phải có một sức hấp dẫn lớn hơn nhiều, đủ để thắng những rủi ro mà họ có thể phải đối diện.

Tôi nhớ đâu đó vào khoảng năm 2007, ở VN có thành lập một trung tâm mua bán gọi là Outlet mall dựa trên ý tưởng lấy từ nước ngoài. Khu thương mại hình thành ở khu vực Thủ đức cách Suối tiên chừng vài phút đi xe. Có thể nói tôi rất ấn tượng với cảnh quang và hạ tầng cơ sở của outlet mall. Rất đẹp. Mô hình kinh doanh cũng thu hút được một số người bán gia nhập vì tương tự như khu bán hàng miễn thuế tại Mộc Bài. Chỉ có một điểm tôi băn khoăn là vấn đề giao thông. Ở VN tại thời điểm đó giao thông phổ biến vẫn là xe 2 bánh. Giao thông đến outlet mall không thuận tiện. Điều này khiến outlet mall không phát triển. Người mua ít, không thu hút người bán. Người bán ít, người mua không đến. Lại câu chuyện con gà và quả trứng. Chính vì thế mà mô hình này không phát triển được.

Tóm lại để hình thành HST KD thì bản thân HST phải là đất lành, nghĩa là HST phải tạo ra được và cân bằng được các giá trị cung ứng cho tất cả các nhóm. Không tạo được giá trị này thì không thu hút được họ, mà thiếu một thành phần thì HST không thể hình thành và tồn tại. Nếu để thu hút nhóm người mua bằng cách cho họ các coupon hay tiền để họ mua hàng trong HST như một cách chiêu dụ ban đầu, nhưng nếu việc này thu hút không đúng đối tượng, thí dụ những người không có ý định mua hàng trong HST mà chỉ tìm cách bán lại các coupon này để lấy tiền thì coi như HST khó mà hình thành không hình thành. Lưu ý quy luật Pareto 80-20.

PHÁT TRIỂN

Để phát triển HST KD, thường người ta đi theo 3 hướng: một là phát triển từng khu vực nhỏ trước và sau đó lan tỏa rộng, gọi là chiến lược phát triển da beo, hai là phát triển trên quy mô rộng lớn rồi sau đó phát triển theo chiều sâu tại những khu vực tiềm năng hoặc ba là phát triển hỗn hợp. Việc chọn hướng phát triển nào tùy thuộc vào nguồn lực và sự mong muốn của người sáng lập. Mỗi hướng đi đều có những điểm hay dở khác nhau, nhưng thường chiến lược phát triển da beo là dễ dàng và hiệu quả nhất.

Tóm lại việc phát triển một HST KD đòi hỏi thời gian và sự lan tỏa. Không bao giờ có thể hình thành một sớm một chiều. Trong tự nhiên củng vậy, các HST rặng san hô dưới biển được hình thành trong nhiều thập kỷ, nhưng khi đạt đến một ngưỡng nào đó thì tốc độ phát triển sẽ nhanh hơn.

CÁC BƯỚC ĐỂ THIẾT KẾ MỘT HỆ SINH THÁI

Theo BCG HENDERSON INSTITUTE, có 6 bước để thiết kế nên một HST.

1- Thiết lập HST này nhằm giải quyết vấn đề gì?

2- Ai là người cần tham gia hình thành HST?

3- Mô hình quản trị ban đầu của HST như thế nào?

4- Các giá trị của HST được tạo dựng như thế nào?

5- Bài toán con gà và quả trứng được giải ra sao?

6- Làm sao đảm bảo cho khả năng tiến hóa hay thích nghi và tồn tại lâu dài của HST Nếu các bạn thích, tôi sẽ nói sâu hơn về đề tài này.

LỢI ÍCH CỦA HST KD

Có thể bạn đang muốn hỏi tôi, vậy HST mang lại điều gì mà tại sao ta cần nó?

Hệ sinh thái kinh doanh sẽ mang lại ba lợi ích chính: cho các thành viên tiếp cận với một loạt các khả năng về mở rộng quy mô nhanh chóng, tính linh hoạt và khả năng phục hồi.

Ta có thể thấy trong trường hợp Iphone. Đầu tiên, khi Iphone mới được ra mắt khoảng tám tháng, Steve Jobs đã phản đối việc mở iPhone cho bên thứ ba là các nhà phát triển ứng dụng, nhưng chỉ khi App store- một hệ sinh thái của Iphone hình thành, thì Iphone mới thực sự phát triển với sự bùng nổ với các ứng dụng.

Trên đây chỉ là một vài khái niệm về hệ sinh thái kinh doanh mà gần đây bạn có thể thường gặp và Stt này chỉ nhằm mang lại cho bạn một số kiến thức cơ bản để các bạn tránh bị lùa gà. Bởi vì theo tôi, nếu không muốn bị lùa gà thì bạn đừng là gà. Không ai dại gì lùa cáo vào chuồng.

Chúc các bạn cuối tuần vui vẻ. Nếu các bạn hứng thú, tôi sẽ viết sâu hơn về HST KD hoặc bàn đôi điều về HST Pi chẳng hạn.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Hồ Trọng Lai

Bấm theo dõi để nhận thêm nội dung bổ ích từ chuyên gia này.

Tìm hiểu thêm về chuyên gia.

Hãy chọn VIP/PRO hàng đầu để nhận kho bài viết chuyên sâu

2 Yêu thích
2 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại