Hệ lụy nếu các nhà băng bị Moody’s hạ bậc tín nhiệm
Mặc dù vẫn đang hoạt động rất ổn định và hiệu quả, song nhiều ngân hàng Việt Nam vẫn có thể bị Hãng xếp hạng tín nhiệm toàn cầu Moody’s hạ bậc tín nhiệm.
Hạ bậc tín nhiệm dù vô can
Moody’s vừa thông báo sẽ xem xét hạ xếp hạng tín nhiệm của 17 ngân hàng Việt, bao gồm: ABBank, ACB, HDBank, Vietcombank, BIDV, LiênVietPostBank, MB, NamA Bank, OCB, SHB, TPBank, Agribank, VIB, VietinBank, MSB, VPBank và Techcombank.
Không chỉ vậy, trong số 17 ngân hàng này, Moody’s cũng dự kiến xem xét hạ bậc Đánh giá tín dụng cơ bản (BCA) và BCA được điều chỉnh của 4 ngân hàng và Đánh giá rủi ro đối tác dài hạn (Đánh giá CR) của 9 ngân hàng. Riêng xếp hạng, đánh giá và triển vọng của Sacombank lần lượt ở mức Caa1 ổn định, caa2 là không bị ảnh hưởng bởi hành động lần này.
Tuy nhiên, theo Moody’s, việc xem xét hạ bậc đối với 17 ngân hàng Việt Nam không phải do sức tình hình tài chính của các ngân hàng này yếu đi mà chủ yếu do xếp hạng nợ có chủ quyền của quốc gia.
Trước đó vào ngày 9/10/2019, Moody’s cũng thông báo về việc xem xét hạ mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia đối với các khoản vay bằng nội tệ và ngoại tệ của Chính phủ Việt Nam (hiện ở mức Ba3). Cơ sở Moody’s đưa ra quyết định xem xét hạ bậc xếp hạng tín nhiệm bắt nguồn từ đánh giá cho rằng những hạn chế trong công tác phối hợp giữa các cơ quan Chính phủ dẫn đến tình trạng chậm thanh toán nghĩa vụ nợ Chính phủ.
Trong khi theo Moody’s, mức độ tín nhiệm quốc gia là yếu tố đầu vào quan trọng để tổ chức này xếp hạng các ngân hàng Việt Nam, bởi mức độ tín nhiệm quốc gia ảnh hưởng tới đánh giá của Moody’s về khả năng hỗ trợ của Chính phủ cho các ngân hàng trong thời kỳ khó khăn. Nếu tín nhiệm của quốc gia bị hạ, Chính phủ sẽ khó hỗ trợ các nhà băng hơn, từ đó khiến tín nhiệm một số ngân hàng thấp đi. Bên cạnh đó, trong trường hợp BCA và/hoặc xếp hạng tín nhiệm dài hạn của các ngân hàng hiện bằng tín nhiệm quốc gia hoặc đã chạm trần, Moody’s cũng sẽ phải hạ các đánh giá này xuống để đảm bảo tính tương xứng.
Vì thế, tác động của tín nhiệm quốc gia với các nhà băng sẽ khác nhau. Trong đó, các ngân hàng quốc doanh, gồm Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV sẽ bị đánh giá lại về xếp hạng tiền gửi bằng nội tệ dài hạn và nhà phát hành nợ nội-ngoại tệ hiện đang ở Ba3 cùng với mức tín nhiệm với quốc gia.
Với các ngân hàng tư nhân như ACB, MB và Techcombank, các xếp hạng bị xem xét lại là BCA, tín nhiệm tiền gửi bằng nội tệ dài hạn và nhà phát hành nợ bằng nội tệ/ngoại tệ, do hiện cùng hạng với tín nhiệm quốc gia. Trong khi đó, đánh giá với ABBank, OCB, TPBank, VIB và VPBank chỉ giới hạn tại xếp hạng tiền gửi bằng ngoại tệ…
Gọi vốn quốc tế sẽ khó hơn
Bộ Tài chính Việt Nam đã lên tiếng không đồng tình với động thái này của Moody’s. Bởi theo Bộ Tài chính, đây là nghĩa vụ nợ được Chính phủ bảo lãnh, thuộc nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ, không phải là nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ. Trong khi Chính phủ Việt Nam đã thực hiện trách nhiệm của người bảo lãnh trong việc thanh toán, ngay cả khi chưa nhận được yêu cầu chính thức của Bên cho vay.
Bộ Tài chính cũng khẳng định việc Moody’s đưa Việt Nam vào diện xem xét để hạ bậc chỉ dựa trên một sự việc riêng lẻ mà bỏ qua các nỗ lực Chính phủ Việt Nam đã đạt được trong duy trì bình ổn kinh tế vĩ mô là chưa thực sự thuyết phục, và việc Moody’s đưa ra thông tin báo chí trong khi chưa chắc chắn về quy trình và cơ chế thanh toán các khoản vay được Chính phủ Việt Nam bảo lãnh có thể gây ra sự hiểu lầm không đáng có đối với cộng đồng các nhà đầu tư về khả năng trả nợ của Chính phủ và có thể ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh quốc gia của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thấy có bất cứ phản hồi nào khác từ phía Moody’s. Trong khi trong thông báo hạ bậc tín nhiệm đối với 17 ngân hàng Việt Nam, Moody’s cho biết họ không thể nâng xếp hạng của 17 ngân hàng, vì xếp hạng của các nhà băng này đang được xem xét để hạ bậc tín nhiệm. Tuy nhiên, Moody’s sẽ xác nhận xếp hạng của các ngân hàng với triển vọng ổn định, nếu Moody’s xác nhận xếp hạng chủ quyền của Việt Nam tại Ba3 với triển vọng ổn định. Ngược lại, Moody’s sẽ hạ xếp hạng và đánh giá của các nhà băng này nếu tín nhiệm của Việt Nam đi xuống.
Theo một chuyên gia ngân hàng, mặc dù Moody’s tuyên bố việc hạ bậc tín nhiệm đối với 17 ngân hàng (nếu có) không phản ảnh tình hình tài chính của các ngân hàng, nhưng động thái này chắc chắn cũng sẽ ít nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín và hình ảnh của các ngân hàng Việt trong mắt các nhà đầu tư quốc tế. Điều đó sẽ khiến cho việc gọi vốn quốc tế từ bán cổ phần hay phát hành trái phiếu quốc tế sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, chứ chưa nói gì tới việc tìm kiếm đối tác lược nước ngoài.
Trong khi đó, hiện có khá nhiều nhà băng đang nuôi hy vọng gọi vốn từ quốc tế sau thành công của VPBank trong việc phát hành trái phiếu quốc tế hồi đầu tháng 7 vừa qua. Đơn cử như SHB vừa xin ý kiến cổ động về việc phát hành 500 triệu USDtrái phiếu quốc tế, bao gồm 200 triệu USD trái phiếu quốc tế tăng vốn cấp 2 có kỳ hạn 10 năm và 300 triệu USD trái phiếu quốc tế cao cấp có kỳ hạn 3-5 năm…
Thế nhưng, các kế hoạch này sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn nếu xếp hạng tín nhiệm bị hạ bậc. Ngay cả VPBank dù rất thành công khi huy động được tới 300 triệu USD trái phiếu quốc tế vừa qua, nhưng đợt phát hành tiếp theo trong chương trình phát hành nhiều lần theo tiêu chuẩn quốc tế (Eurobond Medium Term Note - EMTN) của VPBank trong 12 tháng tới với giá trị tối đa 1 tỷ USD có thể sẽ không được thuận lợi như thế nếu xếp hạng tín nhiệm bị hạ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận