menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thu Hương

Hệ lụy nào khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt đồ uống có đường?

Bộ Tài chính vẫn giữ quan điểm về việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường. Dự thảo quy định này đang gây nhiều tranh cãi trái chiều, do vậy, cần đánh giá toàn diện hơn về hệ lụy kinh tế - xã hội.

Đánh thuế nước ngọt: Cân đong lợi ích kinh tế

Trong dự thảo mới nhất Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính vẫn tiếp tục đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường, với mức thuế suất là 10%. Và điều này đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Người ủng hộ, nhưng cũng có người cho rằng, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên đồ uống có đường không giúp đạt mục tiêu sức khỏe và kinh tế, mà thậm chí còn gây thiệt hại lớn cho nhiều ngành phụ trợ và nền kinh tế nói chung.

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) về tác động kinh tế - xã hội của thuế tiêu thụ đặc biệt, nếu bổ sung nước giải khát có đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, với mức thuế suất 10%, nền kinh tế sẽ phải gánh chịu thiệt hại lên tới 880,4 tỷ đồng.

Cụ thể, theo nghiên cứu này, mặc dù việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt từ 0% lên 10% sẽ góp phần làm tăng thu ngân sách trên 2.279 tỷ đồng, nhưng những ảnh hưởng do việc sụt giảm sản lượng lại lên tới hơn 3.159 tỷ đồng, và do đó, tổng thể sẽ làm thiệt hại khoảng 880,4 tỷ đồng.

Hệ lụy nào khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt đồ uống có đường?

Đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt 10% đối với đồ uống có đường được cho là cần được đánh giá tác động một cách toàn diện hơn.

Nghiên cứu này được công bố vào năm ngoái, khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp cũng vậy. Do vậy, các chuyên gia của CIEM cho rằng, việc mở rộng đối tượng chịu thuế và tăng thuế, trong đó có thuế tiêu thụ đặc biệt, sẽ tạo gánh nặng và thậm chí có thể làm kiệt quệ hơn sự khó khăn của doanh trong bối cảnh hiện nay.

Nghiên cứu của CIEM cho thấy, các chỉ số kinh tế đều có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi quy định này, bao gồm tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế, thu nhập người lao động, thặng dư sản xuất, số lượng lao động…

“Bất kỳ chính sách nào cũng có tác động tới kinh tế - xã hội nhất định, do đó, cần phải đánh giá đầy đủ các tác động chính sách. Công cụ chính sách không nên tạo thêm gánh nặng cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân”, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM), nói.

Ông Nguyễn Văn Phụng, Ủy viên Thường vụ Ban chấp hành Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam khi chia sẻ tại Hội thảo khoa học về các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam, cũng đã bày tỏ quan điểm rằng, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát không giúp đạt mục tiêu tăng ngân sách quốc gia, mà ngược lại gây ảnh hưởng không nhỏ đến ngành nước giải khát, các ngành công nghiệp phụ trợ có liên quan như ngành mía đường, bán lẻ, bao bì, và hậu cần.

Theo ông Phụng, các doanh nghiệp hiện đang phải gánh chịu cùng lúc rất nhiều loại thuế và chi phí, như thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu, phí tái chế, xử lý chất thải, các loại chi phí để thực hiện các trách nhiệm kiểm kê khí nhà kính, phí đối với khí thải, phí nước thải (đang chuẩn bị bổ sung).

“Các loại chi phí này sẽ làm tăng thêm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp còn đang vật lộn với quá trình phục hồi sau đại dịch và sự khó khăn chung của kinh tế toàn cầu”, ông Phụng nói.

Tăng thuế có đủ bảo vệ sức khỏe toàn dân?

Bộ Tài chính khi đề xuất việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường đã cho rằng, việc này sẽ góp phần giảm béo phì, tiểu đường và tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm khác trong tương lai, đặc biệt là thế hệ trẻ. Từ đó, hệ thống y tế, bệnh viện cũng được giảm áp lực, quá tải.

Tuy nhiên, ngay cả vấn đề này cũng đang gây nhiều tranh cãi. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, điều này chưa đủ sức thuyết phục. Và một trong những lý lẽ được đưa ra là, không có đủ bằng chứng khoa học cho thấy nước giải khát là nguyên nhân trực tiếp gây thừa cân béo phì.

PGS-TS.BS. Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, những lý do chính gây ra thừa cân béo phì bao gồm chế độ dinh dưỡng không hợp lý (tiêu thụ nhiều thực phẩm có hàm lượng calo cao), thiếu vận động thể chất, do di truyền hoặc nội tiết...

Một báo cáo của Viện Dinh dưỡng cũng đã chỉ ra rằng, tại Việt Nam, tỷ lệ thừa cân béo phì ở học sinh khu vực thành thị cao hơn nhiều so với học sinh ở khu vực nông thôn (lần lượt là 41,9% và 17,8%), nhưng tỷ lệ tiêu thụ nước ngọt ở mức độ thường xuyên của trẻ em khu vực thành thị lại thấp hơn mức tiêu thụ của trẻ em ở khu vực nông thôn (lần lượt là 16,1% và 21,6%).

Với những lý do đó, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát không đảm bảo giải quyết được các bệnh không lây nhiễm, bao gồm thừa cân béo phì.

Hệ lụy nào khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt đồ uống có đường?

Chế độ ăn không cân bằng cũng gây thừa cân, béo phì

Theo ông Nguyễn Văn Phụng, nếu đánh thuế đối với mỗi nước giải khát có đường thì người tiêu dùng vẫn có thể chuyển đổi sang các thực phẩm thay thế khác, mà những thực phẩm thay thế này cũng có thể là nguyên nhân của các bệnh không lây nhiễm.

“Công cụ thuế trong trường hợp này khó mà thay đổi hành vi người tiêu dùng, thậm chí còn có thể tạo điều kiện cho các hàng hoá buôn lậu, các thực phẩm đường phố không được kiểm soát về chất lượng”, ông Phụng nói.

Trong nghiên cứu của mình, CIEM cũng chỉ rõ, thừa cân, béo phí không có một yếu tố chính hay duy nhất cấu thành, mà do nhiều yếu tố, như khẩu phần ăn không cân bằng, lối sống ít vận động, do yếu tố văn hóa và các yếu tố khác, như nhân chủng học, gene, khí hậu... Bởi thế, thực tế, nước giải khát chỉ là một thành phần chứ không phải là yếu tố chính hay duy nhất gây nên thừa cân, béo phì.

“Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên đồ uống có đường cần được xem xét kỹ lưỡng để tránh những hệ lụy không mong muốn. Chính phủ cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố kinh tế - xã hội và đưa ra các chính sách phù hợp nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng mà không gây thiệt hại cho nền kinh tế”, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM), bày tỏ quan điểm.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả