'Hệ lụy khi chỉ được bán, cho thuê tối đa 5 căn nhà một năm'
'Thay vì sở hữu nhà ở nơi xa, người ta sẽ dồn về trung tâm để mua 3-5 căn nhà cho thuận tiện, đẩy giá nhà nội đô lên cao'.
Đề xuất cá nhân chỉ được bán, cho thuê tối đa 5 căn nhà một năm không khả thi và sẽ càng làm trầm trọng thêm vấn đề sở hữu nhà. Thay vì sở hữu nhà ở những nơi xa, người ta sẽ cố dồn về trung tâm để mua 3-5 căn nhà cho thuận tiện. Và cuối cùng sẽ lại đẩy giá nhà các khu trung tâm lên cao trong khi đó những khu ngoại thành, vùng ven sẽ thiếu đầu tư.
Theo tôi, nên giới hạn diện tích nhà ở, đất ở mà mỗi cá nhân được phép sở hữu theo khu vực trung tâm - vành đai - ngoại thành. Lấy ví dụ, trung tâm TP HCM (quận 1, 3, 4, 5, 10, 11, Phú Nhuận, Tân Bình... mỗi cá nhân chỉ được sở hữu tối đa 30 m2 đất hoặc 60 m2 nhà chung cư. Người sở hữu vượt mức cho phép sẽ phải bán đi hoặc đóng thuế cao hàng năm.
Tương tự, khu vành đai là các quận khác, người dân được sở hữu tối đa 45 m2 đất hoặc 90 m2 nhà chung cư. Khu ngoại thành sẽ không bị hạn chế số lượng nhà đất. Như vậy, người giàu muốn mua nhiều nhà đất ở trung tâm để làm nhà ở cá nhân cũng không được phép, qua đó san sẻ cơ hội cho những người khác có nhu cầu ở và làm việc ngay tại khu trung tâm".
Đó là quan điểm của độc giả Quang Tan xung quanh đề xuất cá nhân kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ có thể chỉ được bán, cho thuê 3-5 nhà, căn hộ trong một năm, nếu vượt phải lập doanh nghiệp. Đề xuất trên đang được Bộ Xây dựng nêu trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản 2023.
Đồng quan điểm, bạn đọc Quocdat chỉ ra những hạn chế khiến đề xuất trên khó phát huy hiệu quả: "'Cò' lướt sóng bất động sản sẽ chẳng ai sang tên sổ đỏ cả. Vì thế, đương nhiên Nhà nước cũng chẳng thu được đồng thuế nào từ 'cò', cụ thể:
Thứ nhất, họ sẽ đi công chứng ủy quyền mua bán với chủ nhà, tức là chủ nhà ủy quyền toàn phần mua bán cho 'cò' mà chưa sang tên sổ đỏ.
Thứ hai, khi 'cò' tìm được người mua thì mới làm thủ tục công chứng sang tên.
Thứ ba, có trường hợp 'cò' sẽ thỏa thuận trước với chủ nhà, khi công chứng sẽ nhờ chủ nhà công chứng mua bán mới người mua mới trước khi công chứng mua bán thì hủy công chứng ủy quyền trước)".
Hiện tại, các trường hợp kinh doanh bất động sản không phải thành lập doanh nghiệp được quy định tại điều 5, Nghị định số 22 năm 2022, nhưng các tiêu chí không chi tiết, cụ thể như ở dự thảo nghị định mới nhất.
"Phải xác lập rõ quyền và nghĩa vụ các bên rồi mới ban hành chính sách. Ở đây, khi nói đến kinh doanh tức là cá nhân, doanh nghiệp phải chấp hành pháp luật (luật về thuế, về kinh doanh có điều kiện...). Vậy, còn cá nhân không kinh doanh mà bán bất động sản, tức là họ bán cái mình không có nhu cầu hoặc nhu cầu nhỏ hơn, ít hơn, hoặc thay đổi cuộc sống... thì họ chỉ phải chấp hành về các pháp luật khác mà không bị điều chỉnh luật kinh doanh. Chúng ta phải rạch ròi ra như thế mới tạo thuận lợi cho mọi công dân chấp hành pháp luật", độc giả Buiphuongttt nói thêm.
Thay vì hạn chế số lượng nhà bán, cho thuê của mỗi cá nhân, bạn đọc Đô Năm Trăm cho rằng: "Không nên hạn chế số lượng nhà bán, cho thuê. Thay vào đó, chúng ta chỉ cần lập biểu thuế, đánh thuế thật nặng cho các trường hợp cá nhân nhỏ lẻ mua bán nhà để kinh doanh kiếm lời. Đặc biệt, các trường hợp mua nhà, đất rồi để hoang, không cải tạo hay sử dụng, chỉ chờ giá lên để bán sang tay kiếm lời sẽ phải bị đánh thuế nặng hơn nữa. Nhà nước có thể dùng tiền thuế đó làm quỹ xây dựng mới các khu nhà ở giá rẻ cho người nghèo".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận