Hé lộ vụ chuyển nhượng cổ phần “tay ba” và đích nhắm của ông Phạm Công Danh khi “rót” 3.600 tỷ đồng
Thực tế, nhóm ông Phạm Công Danh rót 3.600 tỷ vào ngân hàng là nhắm tới toàn bộ 114 bất động sản liên quan tới 29 khoản vay và các bất động sản khác theo thỏa thuận của nhóm Phú Mỹ.
Cuối phiên xử chiều 18/11, luật sư Phan Trung Hoài, người vệ quyền lợi cho bị án Phạm Công Danh, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án Hứa Thị Phấn tham gia phần xét hỏi.
Thương vụ “tay ba” Hứa Thị Phấn, Hà Văn Thắm và Phạm Công Danh
Luật sư Hoài hỏi ông Hoàng Văn Toàn, cựu Chủ tịch Ngân hàng Đại Tín (sau này là VNCB và CB). Luật sư hỏi ông Toàn có biết nghĩa vụ, quyền lợi của Đại Tín khi ký hợp đồng chuyển giao gồm những gì không, ông Toàn cho biết, trong hợp đồng chuyển nhượng quyền, nghĩa vụ thì Đại Tín được đề cập là bên C, tức bên chứng kiến và đồng ý thỏa thuận giữa A và B (nhóm bà Phấn và ông Danh).
Tuy nhiên, luật sư Hoài nêu lại trong điểm 3 điều 4 Hợp đồng chuyển giao mà ông Toàn ký với tư cách đại diện Đại Tín lại không giống như ông Toàn trình bày trước tòa. Theo đó, luật sư nhắc lại, trách nhiệm của Đại Tín đề cập trong hợp đồng là không chỉ nhận toàn bộ số tiền từ nhóm cổ đông của ông Danh mà phía ngân hàng còn có nhiệm vụ quan trọng là yêu cầu phía nhóm bà Phấn nhanh chóng bàn giao tài sản, bàn giao các giấy tờ pháp lý.
"Ông giải thích thế nào về trách nhiệm của ngân hàng về việc chuyển giao tài sản cũng như giấy tờ pháp lý?", Luật sư Hoài hỏi và ông Toàn cho biết theo suy nghĩ của ông, hai bên ký thỏa thuận đã có nội dung rõ ràng, phải thực hiện thỏa thuận đó và Đại Tín là bên C chứng kiến và đồng ý thỏa thuận. Ngân hàng không thể thay mặt bên A hoặc B thực hiện nghĩa vụ của hai bên.
Luật sư hỏi ông Toàn, có phải những gì thuộc nghĩa vụ bên ngân hàng thể hiện hợp đồng chuyển giao ký ngày 9/10/2012 đó thuộc về trách nhiệm ngân hàng đúng không, ông Toàn trả lời đúng. Luật sư hỏi ông Toàn, Ngân hàng CB có kế thừa các quyền, trách nhiệm đối với hợp đồng chuyển giao, ông Toàn cho rằng đó là theo luật định.
Luật sư Hoài hỏi bị can Phan Thành Mai, cựu Tổng giám đốc VNCB. Luật sư nêu, ông Mai là một trong những tác giả liên quan đề án chuyển giao, tỷ lệ cổ phần được đề cập trong vụ án là 84,92%, nhưng tính theo số lượng cổ phần trên vốn điều lệ thì con số chỉ là 84,037%, vậy ông Mai có ý kiến gì về sự chênh lệch này, lỗi đó do tác giả viết đề án hay là của các cơ quan nhà nước phê duyệt cho đề án? Ông Mai cho biết, thỏa thuận giữa nhóm Phú Mỹ (bà Phấn) và Thiên Thanh (ông Danh) trên số lượng hơn 2,5 triệu cổ phần, tương ứng đúng bằng 84,037%. Tuy nhiên, thực tế tại thời điểm đầu năm 2012, nhóm Thiên Thanh được giao tiếp nhận ngân hàng không phải từ nhóm Phú Mỹ mà từ nhóm Hà Văn Thắm. Ông Mai cho biết, trước đây ông Thắm đã mua thêm một số cổ phần và khi chuyển giao thì có nhiều hơn số cổ phần trước đây.
Đích nhắm là khối bất động sản
Luật sư Hoài cũng hỏi ông Mai, trong Kết luận thanh tra 224 của Đoàn Thanh tra giám sát, NHNN nhận diện nguyên nhân gây ra âm vốn chủ sở hữu, lỗ lũy kế của Đại Tín trên 9.000 tỷ đồng và tỷ lệ nợ xấu lên 95%, lý do vì sao? Ông Mai cho biết, tại trang 30 Kết luận thanh tra khẳng định rõ có các vấn đề: nợ xấu đến 95%, tức các khoản cho vay đã không thu hồi được, đặc biệt nhóm khách hàng nhóm Phú Mỹ chiếm 4.600 tỷ và khoản đầu tư ngân hàng mua các tài sản khoảng 3.600 tỷ là các khoản đầu tư dài hạn. Trong khi đó, nguồn vốn chính là huy động từ người dân là ngắn hạn, vì thế tỷ lệ nợ xấu tăng và đồng thời ngân hàng không có khả năng chi trả, đây là nguyên nhân chính dẫn đến vấn đề thanh khoản và tại kết luận nêu Đại Tín thường trực trong nguy cơ đổ vỡ, và vốn chủ sở hữu âm 2.800 tỷ và lỗ lũy kế 6.000 tỷ.
Luật sư Hoài hỏi, trên nền âm vốn chủ sở hữu và lỗ lũy kế đó thì nhận diện của Đoàn Thanh tra giám sát và Kết luận thanh tra có đúng với thực chất không? Nợ xấu 9.000 tỷ đã bị đẩy cho nhóm Phương Trang nhưng hồ sơ kết thúc các phiên tòa giai đoạn trước đã có hiệu lực thì thực chất không như vậy.
Cụ thể, cơ quan tố tụng đã làm rõ bản chất Ngân hàng Đại Tín đã bị rút ruột 12.000 tỷ. Trong đó có nhóm khách hàng Phương Trang vay hơn 9.000 tỷ, nhưng thực chất bà Phấn đã rút ruột 5.200 tỷ (Công ty Phương Trang chỉ thực nhận 3.900 tỷ).
Ngoài ra, cựu TGĐ VNCB cũng nêu, khoản đầu tư hơn 900 tỷ đang xem xét trong giai đoạn này và nâng khống đối với các tài sản, đây là các điểm chưa có trong kết luận của Đoàn Thanh tra giám sát 10/7/2012.
Như vậy có thể hiểu với nhóm cổ đông mới khi nhận chuyển giao từ nhóm bà Phấn đã bị lầm lạc về số liệu đúng không? Luật sư Hoài hỏi và ông Mai cho biết là đúng như vậy.
Nếu âm vốn và lỗ lũy kế 9.000 tỷ thì thật ra số lượng cổ phần hơn 84% của nhóm bà phấn tại Đại Tín có giá trị bao nhiêu? Ông Mai trả lời về giá trị cổ phiếu tại thời điểm đó là giá trị âm.
Luật sư hỏi, với tư cách là một trong các tác giả đề án tái cơ cấu ngân hàng, sau này là TGĐ, vậy mục tiêu chuyển giao quyền nghĩa vụ của nhóm ông Danh hướng tới mục tiêu gì, hướng tới giá trị của hơn 84% cổ phần hay là tới 114 bất động sản đảm bảo cho 29 khoản vay mà ông Danh đã thanh toán 3.600 tỷ? Ông Mai khẳng định, nhóm ông Danh rót tiền vào là nhắm tới toàn bộ 114 bất động sản liên quan tới 29 khoản vay và các bất động sản khác theo thỏa thuận của nhóm Phú Mỹ.
Ông Mai cũng cho biết, cho tới thời điểm hiện nay, nhóm Thiên Thanh không nhận được bất cứ tài sản nào, lý do chính nhóm bà Phấn đã không thực hiện theo thỏa thuận của hợp đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận