24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Cao Đức Giang
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Hé lộ khoản lỗ 'khủng' của các CLB bóng đá Việt

Mặc dù đã có sự hỗ trợ từ phía các mạnh thường quân, song áp lực tài chính vẫn là gánh nặng thường trực của các câu lạc bộ.

Điều hành một câu lạc bộ bóng đá tốn rất nhiều chi phí, từ trả lương cho cầu thủ và nhân viên quản lý, đến mở rộng sân vận động và tổ hợp đào tạo, cải thiện cơ sở y tế, quảng bá câu lạc bộ...

Hiện nay các CLB ở V-League đang phụ thuộc rất nhiều vào ngân sách địa phương hoặc các "ông bầu". Nhiệm vụ của đội bóng đơn thuần là giải ngân và mùa sau lại tiếp tục xin tài trợ. Cách làm thiếu bền vững này đã để lại nhiều bài học đắt giá trong quá khứ.

Bóng đá Việt Nam từng chứng kiến Xi Măng Xuân Thành Sài Gòn giải thể vào năm 2013 khi anh em bầu Thụy, bầu Thủy “nghỉ chơi". Câu chuyện tương tự diễn ra với CLB Ninh Bình vào năm 2015 khi bầu Trường bỏ bóng đá. Hay như trong tháng 8/2020, người hâm mộ bóng đá Việt Nam được phen giật mình khi CLB Thanh Hóa gửi công văn tuyên bố không tham dự phần còn lại của V-League 2020 do thiếu kinh phí. Dù sau đó bầu Đệ lại thay đổi quyết định, cho biết chỉ đề xuất tạm dừng dự giải chứ không đòi bỏ giải nhưng sự việc này một lần nữa cho thấy, các đội bóng V-League quá phụ thuộc vào "hứng" của các ông bầu.

Đến tháng 11/2020, bầu Đệ đã bàn giao quyền quản lý, điều hành CLB này cho ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bất động sản Đông Á. Sau khi nhận chuyển giao, ông Đoan tuyên bố sẽ có rất nhiều thay đổi ở CLB Thanh Hoá từ băng ghế huấn luyện cũng như một vài điều chỉnh về việc chuyển nhượng cầu thủ trước thềm V-League 2021. Đồng thời bầu Đoan cũng hứa với các cầu thủ: “Cơm áo gạo tiền tôi lo, các bạn cứ yên tâm đá”.

Hé lộ khoản lỗ 'khủng' của các CLB bóng đá Việt

Dẫu biết rằng việc tài trợ phải đi kèm với quyền lợi của doanh nghiệp, nhưng liên tục thay tên, đổi họ của giải đấu, cũng như câu lạc bộ là điều không thực sự chuyên nghiệp trong bóng đá.

Đầu năm 2021, CLB Nam Định đã gửi công văn xin đổi tên do sự thay đổi về nhà tài trợ ngay trước ngày V-League 2021 khởi tranh. Đây là lần thứ 12 trong lịch sử, đội bóng thành Nam xin đổi tên, lý do cho sự thay đổi này xuất phát từ việc nhà tài trợ cũ đã rút lui. Hay như CLB bóng đá Bình Định cũng chính thức đổi tên thành CLB bóng đá Topenland Bình Định sau khi nhận được sự tài trợ của Tập đoàn Hưng Thịnh.

Bên cạnh đó, nhiều đội bóng khác có biến động về nhà tài trợ trong thời gian gần đây. Mới đây nhất, Bắc Á Bank xin thôi tài trợ cho CLB Sông Lam Nghệ An, ứng viên thay thế là Tân Long Group - một tập đoàn lớn trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nông sản, có nhiều liên hệ với T&T Group của bầu Hiển.

Ghi nhận sự biến động nhà tài trợ chính mùa giải này còn có CLB Hoàng Anh Gia Lai. Theo đó, Tập đoàn TCP, ông lớn trong ngành giải khát có xuất xứ từ Thái Lan và là chủ của thương hiệu nước tăng lực Red Bull đã thay Nutifood làm nhà tài trợ chính cho đội bóng này.

Ở chiều ngược lại, cũng có không ít các đội bóng đang phải vật lộn để trang trải các khoản chi phí, điển hình như Than Quảng Ninh FC khi nhà tài trợ chính là Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) dừng tài trợ từ mùa giải 2020. Cũng chính vì lẽ đó, trước khi V-League 2021 khởi tranh, các cầu thủ Than Quảng Ninh đã rất bất an, đỉnh điểm là lùm xum nợ lương, thưởng tốn giấy mực của báo giới thời gian qua.

Tất nhiên, ngoài dòng tiền tài trợ, các đội bóng còn có thể củng cố nguồn lực bằng tiền bán vé, chuyển nhượng cầu thủ, bản quyền truyền hình, bán đồ lưu niệm… Nhưng điểm chung của các câu lạc bộ bóng đá Việt Nam là các nguồn thu này chưa cao, không đủ để trang trải chi phí hoạt động.

Hé lộ khoản lỗ 'khủng' của các CLB bóng đá Việt

Theo thống kê của Nhadautu.vn, các đơn vị vận hành CLB có nguồn thu cao và có xu hướng tăng lên là Becamex Bình Dương, Sông Lam Nghệ An, Hà Nội, SHB Đà Nẵng, Than Quảng Ninh, Hoàng Anh Gia Lai. Ở chiều ngược lại, nguồn thu thấp hơn thuộc về Sài Gòn, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Nam Đình, TP.HCM.

Tuy nhiên, doanh thu cao không đi đôi với hiệu quả hoạt động. Điển hình như CTCP Sông Lam Nghệ An - đơn vị vận hành CLB Sông Lam Nghệ An, như đã đề cập, doanh nghiệp này chìm trong thua lỗ, năm 2019 lỗ 21,9 tỷ đồng, đẩy vốn chủ sở hữu tới cuối năm âm tới 450 tỷ đồng, trong khi nợ phải trả là 484,8 tỷ đồng.

Làm ăn không thực sự hiệu quả cũng là bức tranh chung của CTCP Thể Thao Hoàng Anh Gia Lai, CTCP CLB Bóng đá Becamex Bình Dương, CTCP Bóng đá TP.HCM hay CTCP Phát triển Bóng đá Sài Gòn.

Trong đó, CTCP Thể Thao Hoàng Anh Gia Lai – quản lý CLB giàu truyền thống không kém là Hoàng Anh Gia Lai tới cuối năm 2019 cũng âm vốn chủ lên đến 268 tỷ đồng, lỗ sau thuế trong năm ở mức 23,7 tỷ đồng, dù đã giảm đáng kể so khoản số lỗ hơn 54 tỷ năm 2018.

Với Công ty TNHH MTV bóng đá Quảng Ninh - Công ty chủ quản của Than Quảng Ninh FC, mặc dù nguồn thu gia tăng qua các năm nhưng hiệu quả kinh doanh lại đi xuống rõ rệt, từ khoản lãi 14,3 tỷ đồng năm 2016, thành lỗ lần lượt 4; 3,9; 6,2 tỷ đồng trong 3 năm sau đó, vốn chủ sở hữu đến cuối năm 2019 âm 16,4 tỷ đồng.

Cặp đôi Hà Nội - SHB Đà Nẵng có phong độ ổn định hơn cả khi doanh thu, lợi nhuận ở mức cao, lãi, lỗ trong biên độ hẹp. Trong đó năm 2019, Hà Nội lãi 2,15 tỷ đồng, còn SHB lãi 70 triệu đồng.

Xét về cơ cấu vốn chủ sở hữu, đến cuối năm 2019, ngoài Sông Lam Nghệ An và Hoàng Anh Gia Lai lỗ âm vốn chủ hàng trăm tỷ, thì nhiều doanh nghiệp khác cũng lỗ âm vốn chủ như Than Quảng Ninh (-16,4 tỷ đồng), Becamex Bình Dương (-6,8 tỷ đồng), SHB Đà Nẵng (-0,7 tỷ đồng). Các doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu ở mức dương, chủ yếu là mới đi vào hoạt động sau này, như Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, TP.HCM, Nam Định, Sài Gòn.

Hé lộ khoản lỗ 'khủng' của các CLB bóng đá Việt
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả